- Hoa Kỳ đã can thiệp cho 660,000 công dân bị cưỡng đoạt tài sản ở 43 quốc gia
- Các loại hồ sơ của người Mỹ gốc Việt có thể được chính quyền Hoa Kỳ can thiệp
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 19 tháng 9, 2017
Khi công dân Mỹ bị một chính quyền ngoại quốc cưỡng đoạt tài sản, họ có thể được Uỷ Hội FCSC can thiệp nếu có yêu cầu của Ngoại Trưởng hoặc Quốc Hội Hoa Kỳ. FCSC là viết tắt của Foreign Claims Settlement Commission, tạm dịch là Uỷ Hội Giải Quyết Các Đòi Hỏi Bồi Thường Ngoại Quốc, đặt dưới Bộ Tư Pháp. Uỷ Hội FCSC chỉ giải quyết các trường hợp đã là công dân Hoa Kỳ vào thời điểm tài sản bị cưỡng đoạt. Đến nay họ đã giải quyết 660,000 hồ sơ của công dân Mỹ đòi hỏi 43 quốc gia, trong đó có Việt Nam, bồi thường tài sản.
Theo nghiên cứu của chúng tôi, ít ra vài chục nghìn và có thể lên đến cả trăm nghìn hồ sơ của người Mỹ gốc Việt nằm trong phạm vi giải quyết của Uỷ Hội FCSC. Các hồ sơ này thuộc 3 thành phần sau đây.
Thành phần 1: Nhà, đất bị cưỡng chế theo Luật Đất 2003
Luật Đất 2003 cho phép chính quyền cưỡng chế đất của dân. Khi thực hiện cưỡng chế, các chính quyền địa phương hay tỉnh thành đã xâm phạm tài sản của công dân Hoa Kỳ. Lấy Giáo Xứ Cồn Dầu làm ví dụ. Năm 2010 chính quyền thành phố Đà Nẵng ra lệnh cưỡng chế toàn bộ 110 mẫu đất của xứ đạo Công Giáo này; họ không ngờ là ít ra 20 trường hợp công dân Mỹ có tài sản trong vùng bị cưỡng chế, được phân loại như sau:
(a) Khi bỏ nước ra đi, họ để lại nhà, đất cho thân nhân sử dụng, nhưng chưa bao giờ chuyển giao quyền sở hữu; họ đã trở thành công dân Mỹ trước năm 2010;
(b) Họ sống ở Mỹ và có quốc tịch Mỹ từ lâu, và đã thừa kế nhà đất ở Cồn Dầu khi cha mẹ qua đời.
Cồn Dầu không là ngoại lệ; chắc chắn nhiều vùng đất bị cưỡng chế khác cũng có tài sản của công dân Hoa Kỳ lọt ở trong đó.
Một căn nhà của công dân Mỹ trong phạm vi thẩm quyền giải quyết của Uỷ Hội FCSC (ảnh BPSOS)
Một số cơ sở tôn giáo bị chính quyền cưỡng đoạt cũng là tài sản của công dân Hoa Kỳ. Có những nhà nguyện, những thánh thất, những đạo tràng, những độc giảng đường, những cơ sở hội thánh… do thí chủ xây cất cho đồng đạo sử dụng. Họ định cư và trở thành công dân Mỹ, nhưng vẫn giữ quyền sở hữu trên cơ sở tôn giáo để lại ở Việt Nam. Khi chính quyền địa phương cưỡng đoạt các cơ sở tôn giáo ấy, họ đã xâm phạm tài sản của công dân Hoa Kỳ.
Thành phần 2: Nhà, đất của người di tản năm 1975 hay bỏ nước ra đi sau đó
Khoảng 130,000 người Việt đã di tản trong những ngày cuối của cuộc chiến. Họ được Hạm Đội 7 của Hoa Kỳ vớt. Sau một thời gian tạm trú ở đảo Guam, họ được nhận định cư tị nạn và rồi trở thành công dân Hoa Kỳ. Những năm sau đó, khoảng nửa triệu người vượt biên tìm tự do đã định cư ở Hoa Kỳ. Tiếp theo là những người ra đi theo chương trình đoàn tụ gia đình, chương trình HO, chương trình định cư con lai, chương trình ROVR... Khi ra đi, họ bỏ trống nhà, đất; chính quyền địa phương đã quản lý các bất động sản “vắng chủ” ấy. Cũng có những trường hợp đi chính thức, chủ nhân phải “giao” nhà, đất cho chính quyền địa phương quản lý.
Quản lý không có nghĩa là tịch thu hay quốc hữu hoá, mà chỉ là trông nom tạm thời; các văn bản của chính quyền lúc ấy ghi rõ là “khi người chủ về, nhà nước sẽ giải quyết với họ”.
Mãi đến tháng 10 năm 1991, qua Quyết Định 297/QĐ-CT, nhà nước cộng sản mới có chính sách quốc hữu hoá nhà, đất mà họ đang quản lý. Lúc ấy 250,000 người Việt tị nạn đã có quốc tịch Hoa Kỳ, tương đương khoảng 60,000 hộ gia đình; nếu chỉ 10% trong số này để lại tài sản “vắng chủ”, thì cũng đã có 6,000 hồ sơ đủ tiêu chuẩn để FCSC giải quyết.
Con số hội đủ tiêu chuẩn của Uỷ Hội FCSC thực ra nhiều hơn nhiều vì chính phủ Việt Nam lúc ấy không ấn định thời hạn thi hành Quyết Định 297/QĐ-CT, và các giới chức địa phương lơ là việc hoàn tất thủ tục “xung công” các nhà, đất mà họ đang chiếm dụng. Trong số hồ sơ mà chúng tôi có trong tay, một tỉ lệ khá lớn thuộc loại “bị lơ là” như vậy.
Nhằm giải quyết tình trạng lùng bùng ấy để thu hút các công ty ngoại quốc đến Việt Nam hoạt động, năm 2003 Quốc Hội Việt Nam ban hành Nghị Quyết 23/2003/QH11 để “hoàn thành thủ tục pháp lý về sở hữu toàn dân đối với các loại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng”. Ngày 10 tháng 10, 2005 chính phủ ra nghị định hướng dẫn thực hiện, ấn định ngày 1 tháng 7, 2009 là thời hạn hoàn tất việc quốc hữu hoá. Trong khoảng thời gian từ 2005 đến 2009, số người Việt có quốc tịch Hoa Kỳ đã tăng từ 800,000 lên trên 1,000,000. Với con số trung bình là 4 người một hộ, và chỉ 10% số hộ là có tài sản bị tịch thu sau khi người chủ hộ đã có quốc tịch Hoa Kỳ thì số hồ sơ nằm trong tiêu chuẩn của Uỷ Hội FCSC là từ 20,000 đến 25,000. Đây là con số rất “nhẹ tay”. Con số thực có thể nhiều lần hơn, lên đến cả trăm nghìn.
Thành phần 3: Nhà, đất của những người di cư năm 1954
Những công dân Hoa Kỳ gốc Việt mà gia đình di cư vào Nam năm 1954 và để lại nhà, đất ở ngoài Bắc phần lớn cũng có thể hội đủ tiêu chuẩn để được Uỷ Hội FCSC can thiệp. Những người di cư năm 1954 ra đi hợp pháp dưới sự bảo trợ của quốc tế. Theo Hiệp Định Geneva, họ tạm thời lánh nạn ở miền Nam để chờ tổng tuyển cử 2 năm sau đó thì sẽ trở về quê hương. Tổng tuyển cử đã không xảy ra, và chiến tranh không cho phép họ hồi hương. Khi cuộc chiến tàn, nhiều người Bắc di cư năm 1954 đã đến Hoa Kỳ định cư và rồi trở thành công dân Hoa Kỳ.
Nhà, đất của họ (hoặc của cha mẹ, ông bà họ) để lại ở miền Bắc không bị tịch thu mà được xử lý theo Quyết Định 297/QĐ-CT (năm 1991) và Nghị Quyết 23/2003/QH11 (năm 2003), giống như đã trình bày ở trên đối với nhà, đất “vắng chủ” ở miền Nam. Các tài sản để lại ở miền Bắc này có thể lên đến nhiều chục nghìn.
Kết luận
Theo Quyết Định 111/CP của chính phủ năm 1977, chỉ có 2 thành phần bất động sản bị tịch thu:
(a) “tài sản của nước trực tiếp tham gia chiến tranh xâm lược Việt Nam, của ngoại kiều trực tiếp phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, và của nước ngoài đã được sử dụng vào mục đích của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.”
(b) “nhà cho thuê của tư sản mại bản, của địa chủ, của tư sản gian thương lớn, của những người phạm tội nặng về chính trị và kinh tế của các tổ chức phản động”.
Năm 1980 Quốc Hội Hoa Kỳ ban hành luật HR 5737, chỉ định Uỷ Hội FCSC can thiệp cho những công dân Hoa Kỳ bị tịch thu tài sản trong nhóm (a). Năm 1995, nhà nước Việt Nam chấp nhận bồi thường 208 triệu Mỹ Kim cho 192 hồ sơ, điều kiện để thiết lập bang giao với Hoa Kỳ. Luật này không bao gồm các hồ sơ tài sản của người Việt tị nạn hay di dân sau cuộc chiến. Chương Trình Đòi Tài Sản của BPSOS sẽ vận động để Uỷ Hội FCSC mở hồ sơ cho nhiều chục nghìn người Mỹ gốc Việt.
Song song, chúng tôi sẽ thực hiện giải pháp kiện ra toà án, đã được giải thích trong một bài trước, đối với nhiều hồ sơ của công dân Hoa Kỳ bị mất tài sản, nhưng chưa có quốc tịch vào thời điểm tài sản bị cưỡng đoạt. Đó là trường hợp các giáo dân Cồn Dầu phải chạy sang Thái Lan lánh nạn, rồi sau đó đến Hoa Kỳ định cư và giờ đây đã có quốc tịch Hoa Kỳ. Khi nhà, đất của họ bị cưỡng chế bởi chính quyền Thành Phố Đà Nẵng, họ còn ở Việt Nam hay còn đang lánh nạn ở Thái Lan và dĩ nhiên chưa có quốc tịch Hoa Kỳ.
Chọn con đường nào?
Nếu đã là công dân Hoa Kỳ khi tài sản bị cưỡng đoạt thì khổ chủ có thể dùng hoặc con đường toà án hoặc con đường Uỷ Hội FCSC. Những công dân Hoa Kỳ chưa nhập tịch khi tài sản bị cưỡng đoạt thì chỉ có thể dùng con đường toà án (với một số điều kiện đính kèm). Chúng tôi sẽ phải nghiên cứu từng hồ sơ để thẩm định con đường nào phù hợp nhất. Chương trình Đòi Tài Sản còn con đường thứ ba, dành cho những hồ sơ không thể áp dụng 2 con đường kể trên, sẽ được giải thích trong một bài sau.
Chúng tôi đã khởi động cả 3 con đường kể trên từ đầu tháng 6 năm nay. Cách làm của chúng tôi là dùng luật pháp và hệ thống chính trị Hoa Kỳ để bảo vệ tài sản của công dân Hoa Kỳ, bất chấp thái độ, luật pháp và chính sách của chế độ ở Việt Nam.
Các thông tin về Chương Trình Đòi Tài Sản được lưu trữ tại: http://www.doitaisan.org. Nếu cần thêm thông tin, xin liên lạc This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. hoặc 703-538-2190.
Bài liên quan:
Công dân Mỹ gốc Việt đòi tài sản: thể thức phán quyết hành chính
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1250-2017-09-11-01-10-19.html
BPSOS công bố chương trình công dân Mỹ gốc Việt đòi tài sản
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1245-2017-08-30-22-18-18.html
Đòi bồi thường tài sản bị cưỡng đoạt: Khai thác luật Hoa Kỳ
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1246-2017-08-31-04-16-57.html
Đòi bồi thường tài sản bị cưỡng đoạt: Thế kẹt của chính quyền khi bị kiện
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1247-2017-09-01-17-16-30.html
Đòi bồi thường tài sản bị cưỡng đoạt: Người ở trong nước có thể tiếp tay
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1248-2017-09-05-01-10-13.html