Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 10 tháng 12, 2017
Tháng 8 vừa qua, BPSOS công bố chương trình Công Dân Mỹ gốc Việt Đòi Tài Sản, gọi tắt là “Chương Trình Đòi Tài Sản”. Mục đích của chương trình này là vận động chính quyền Hoa Kỳ can thiệp để bắt chính quyền Việt Nam phải bồi thường cho các tài sản mà họ đã tịch thu của công dân Mỹ gốc Việt. Trong thời gian qua, chúng tôi đã nhận được nhiều câu hỏi của đồng hương. Sau đây là câu trả lời chung cho những câu hỏi này.
Căn cứ nào để chính quyền Hoa Kỳ can thiệp?
Năm 1949 Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua luật bảo vệ tài sản của công dân khi bị một quốc gia khác tịch thu mà không bồi thường một cách hiệu quả, nhanh chóng và công bằng. Năm 1954, Hành Pháp Hoa Kỳ thành lập Uỷ Hội chuyên giải quyết các đòi hỏi bồi thường của công dân Hoa Kỳ, gọi tắt là Uỷ Hội FCSC (viết tắt của “Foreign Claims Settlement Commission), đặt dưới Bộ Tư Pháp. Đến nay Uỷ Hội FCSC đã giải quyết trên 660,000 hồ sơ đòi bồi thường của công dân Hoa Kỳ, và quyết định là 43 quốc gia liên can phải trả tiền bồi thường lên đến nhiều chục tỉ Mỹ kim. Nhiều quốc gia tiếp tục bị Hoa Kỳ “đòi nợ” vì chưa trả hay chưa trả hết nợ.
Nhà chiếm đoạt của công dân Mỹ biến thành cơ sở doanh nghiệp bán vé máy bay (ảnh BPSOS)
Tiêu chuẩn nào để được Uỷ Hội FCSC can thiệp?
Uỷ Hội FCSC chỉ cứu xét những hồ sơ tài sản của công dân Mỹ bị chính quyền ngoại quốc tịch thu. Có 2 thành phần người Mỹ gốc Việt nằm trong tiêu chuẩn này.
Thành phần thứ nhất là những gia đình rời Việt Nam trong những năm 1975-1996 theo các diện di tản, vượt biên, HO, HR, con lai... Nhà, đất mà họ để lại được xem là “vắng chủ” do nhà nước quản lý. Quản lý nghĩa là tạm thời giữ hộ; trên nguyên tắc chủ nhân có quyền đòi lại. Ngày 26 tháng 11 năm 2003 Quốc Hội Việt Nam ban hành Nghị Quyết 23/2003/QH11, một mặt tuyên bố sẽ không giải quyết việc trả lại nhà, đất mà nhà nước đang quản lý và mặt kia ra lệnh quốc hữu hoá chúng. Thời gian thực hiện thủ tục quốc hữu hoá kéo dài từ 10 tháng 10, 2005 đến 30 tháng 6, 2009. Vào thời điểm 2005, hầu hết những người Mỹ gốc Việt có tài sản “vắng chủ” ở Việt Nam đều đã nhập tịch Hoa Kỳ. Nói cách khác, năm 2003 Quốc Hội Việt Nam đã quyết định quốc hữu hoá hàng loạt tài sản của công dân Hoa Kỳ.
Thực ra năm 1991, chính phủ Việt Nam ban hành Quyết Định số 297/QD-CP, tuyên bố là các nhà, đất mà nhà nước đang quản lý thì trở thành tài sản của nhà nước. Tuy nhiên, quyết định này trái luật hiện hành là, tịch thu tài sản của công dân phải có lệnh của toà án. Sự bất cập này làm cho việc thực hiện Quyết Định 297/QD-CP trở thành tuỳ tiện, và là lý do ra đời của Nghị Quyết 23/2003/QH11.
Chúng tôi ước lượng khoảng 100,000 trường hợp thuộc thành phần thứ nhất, với trị giá tài sản lên đến 100 tỉ Mỹ kim.
Nhà chiếm đoạt của công dân Mỹ thành cơ sở của Đảng Uỷ, Hội Đồng Nhân Dân, Uỷ Ban Nhân Dân, tại Sài Gòn (ảnh BPSOS)
Thành phần thứ hai gồm những tài sản bị cưỡng chế theo Luật Đất 13/2003/QH11, được Quốc Hội Việt Nam thông qua cùng ngày với Nghị Quyết 23/2003/QH11. Luật này hợp pháp hoá chính sách cưỡng chế đất của dân, làm lan rộng tình trạng “dân oan”. Trong số dân oan có cả những người Mỹ gốc Việt. Đó là những người khi bỏ nước ra đi đã để lại nhà, đất cho người thân sử dụng, nhưng vẫn giữ quyền sở hữu; cũng có những trường hợp người Mỹ gốc Việt thừa hưởng nhà, đất sau khi bố mẹ qua đời ở Việt Nam. Chỉ riêng trong vụ Thành Phố Đà Nẵng cưỡng chế đất ở Giáo Xứ Cồn Dầu năm 2010, có ít ra 12 trường hợp công dân Mỹ bị mất tài sản. Chúng tôi cũng phát hiện một số trường hợp tương tự trong những vụ cưỡng chế đất khác.
Tài sản để lại ở miền Bắc thì sao?
Cũng vậy, nhà, đất của những người di cư từ Bắc vào Nam năm 1954 cũng bị nhà nước tạm thời quản lý mãi cho đến khi bị quốc hữu hoá theo Nghị Quyết 23/2003/QH11. Họ ra đi một cách hợp pháp, dưới sự bảo hộ của quốc tế trên căn bản Hiệp Định Geneva. Trên nguyên tắc, 2 năm sau sẽ có tổng tuyển cử để thống nhất 2 miền; họ sẽ trở về quê quán và lấy lại nhà đất. Nhưng tổng tuyển cử đã không xảy ra và chiến tranh đã cản trở không cho họ hồi hương. Nhiều người Bắc di cư đã bỏ nước ra đi sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 và đến Hoa Kỳ định cư. Phần lớn các trường hợp này cũng có tài sản ở trong Nam. Họ đã trở thành công dân Hoa Kỳ trước khi tài sản ở ngoài Bắc và trong Nam bị quốc hữu hoá theo Nghị Quyết 23/2003/QH11.
Căn nhà của công dân Mỹ, được xem là di sản văn hoá, bị chính quyền Hà Nội chiếm đoạt