Quy tắc và công thức phát triển XHDS
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 25 tháng 10, 2015
(Ghi chú: Bài này thuộc Chương 3 “Sách Lược Tạo Lực”, trong loạt bài “10 năm dân chủ hoá Việt Nam”:http://www.machsongmedia.com/chinhtri/vandechinhsach/1009-pho-bien-ke-hoach-5-va-100.html )
Dạo gần đây cụm từ “xã hội dân sự” trở nên thông dụng trong ở trong và ngoài nước. Điều này thể hiện nhận thức đang tăng về tầm quan trọng của XHDS cho nền dân chủ tương lai và sự phát triển đất nước trong mọi lĩnh vực.
Qua XHSD người dân có cơ hội và phương tiện tập hợp để tăng khả năng đối trọng và kiểm soát chính quyền. Muốn có dân chủ thì XHDS phải phát triển đủ mạnh.
Thế nào là đủ mạnh?
Có nhiều kinh điển về vấn đề này, nhưng nôm na thì sức mạnh của một XHDS được đo lường bằng khả năng tập hợp của người dân, thể hiện qua số tổ chức có quy củ và quy mô, do chính người dân thành lập, và hoạt động một cách độc lập với chính quyền.
Ở xã hội Hoa Kỳ, khi chúng ta nhận xét về thực lực của một cộng đồng sắc dân thì chính là đang nói đến khả năng tập hợp của cộng đồng ấy. Chẳng hạn, cộng đồng Do Thái, Hoa, Ấn, Hàn... có sức mạnh và tầm ảnh hưởng cao vì trong cộng đồng họ có nhiều tổ chức bề thế ở các cấp địa phương, vùng và quốc gia. Trong một bài viết cách đây trên 10 năm tôi đã phân tích sự yếu kém của cộng đồng Việt ở Hoa Kỳ ngay cả so với các cộng đồng nhỏ bé như Cambốt, Lào và Hmong (xem Thông Điệp Hy Vọng và Trách Nhiệm: Phát Triển Xã Hội Dân Sự Trong Lòng Cộng Đồng). Cách đo lường mà tôi dùng là số tổ chức thuộc mỗi cộng đồng mà nhận được cấp khoản Liên Bang -- khi nhận cấp khoản liên bang thì chí ít phải có văn phòng, nhân viên, và hệ thống quản trị tài chính vững chãi. Số tổ chức như vậy trong cộng đồng người Việt thua xa các cộng đồng nhỏ hơn kể trên.