- Tự Do Tôn Giáo & Nhân Quyền
- Posted On
Để khai dụng các biện pháp trừng phạt trong luật nhân quyền của Hoa Kỳ
Chúng ta ở trong và ngoài nước cần đổi cách làm
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 21 tháng 1, 2017
Hôm nay là ngày trọn vẹn đầu tiên mà đất nước Hoa Kỳ được điều hành bởi Hành Pháp mới. Trong những ngày tháng tới đây, Hành Pháp này sẽ phải triển khai và thực thi hai đạo luật nhân quyền được Quốc Hội thông qua và Tổng Thống Obama ban hành cuối năm ngoái: Luật tăng cường bảo vệ tự do tôn giáo quốc tế và luật trừng phạt thủ phạm đàn áp nhân quyền.
Sau niềm phấn khởi lúc ban đầu, câu hỏi lớn được đặt ra cho các người quan tâm đến nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam là: Làm sao để khai dụng các biện pháp trừng phạt trong các luật mới này đối với Việt Nam?
Trong mấy tuần qua, có người ở trong và ngoài Việt Nam phổ biến tên tuổi của một số lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam, đã mãn nhiệm hay còn đương nhiệm, với gợi ý rằng họ phải là đối tượng của các biện pháp chế tài của Hoa Kỳ. Thực tế không đơn giản như vậy. Luật Hoa Kỳ rất chặt chẽ và đặt nặng nguyên tắc “vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội”, và nguyên tắc “nói có sách, mách có chứng”. Chúng ta không thể nêu tên khơi khơi mà hy vọng là sẽ có kết quả.
Giai đoạn triển khai luật
Tuy các luật mới này đã được ban hành, nhưng chúng chưa thực sự hiệu lực vì các cơ quan hữu trách còn phải triển khai các quy định, điều lệ, tiêu chuẩn và thủ tục thích ứng. Tiến trình này sẽ phải mất từ 3 đến 6 tháng và đòi hỏi sự phối hợp giữa Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ với nhiều cơ quan chính quyền thuộc Bộ Nội An, Bộ Ngân Khố, v.v. Họ sẽ phải quy định rõ ràng về định nghĩa thế nào là vi phạm nghiêm trọng; những tiêu chuẩn để chứng minh sự liên can của giới chức chính quyền với hành vi đàn áp nhân quyền; những thể thức nhận diện thủ phạm để các toà lãnh sự Hoa Kỳ ngăn chặn nhập cảnh và, quan trọng không kém, để tránh chế tài lầm người; thủ tục trục xuất các thủ phạm hay thân nhân của họ nếu đã có mặt ở Hoa Kỳ, v.v.
Đốc thúc tiến độ triển khai luật
Chiến thuật của chúng tôi (BPSOS) là nộp sớm cho Bộ Ngoại Giao các thông tin hữu ích cho việc triển khai luật và đồng thời vận động Quốc Hội đôn đốc để việc triển khai được tiến hành nhanh chóng.
Cuối tháng 12 năm ngoái, chúng tôi bắt đầu trao đổi với một số giới chức Bộ Ngoại Giao và nhân viên Quốc Hội về việc thực thi 2 đạo luật mới kể trên.
Đầu tháng 1 chúng tôi nộp danh sách 75 tù nhân tôn giáo và yêu cầu Bộ Ngoại Giao đưa vào bản phúc trình cho năm 2016, theo đòi hỏi của luật tăng cường tự do tôn giáo quốc tế mới được ban hành.
Ngày 1 tháng 2, BPSOS sẽ triệu tập buổi hội thảo tại Quốc Hội để trình bày một số hồ sơ điển hình.
Đầu tháng 2, chúng tôi sẽ gởi cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ khoảng 20 hồ sơ đàn áp tôn giáo và các nhân quyền khác, kèm với danh tính thủ phạm. Mục đích của chúng tôi là đưa Việt Nam vào danh sách các “quốc gia phải theo dõi đặc biệt” vì vi phạm quyền tự do tôn giáo một cách nghiêm trọng.