Luật Tín Ngưỡng và Tôn Giáo: Bước Đi Lùi

Phản Đối Ý Định Xiết Chặt Thêm Sự Kiểm Soát Tôn Giáo

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 5 tháng 5, 2015

http://machsongmedia.com

Trước hạn chót là ngày hôm nay, 5 tháng 5, 2015, một số tổ chức tôn giáo độc lập ở trong nước đã gửi bản góp ý cho Quốc Hội Việt Nam về dự thảo 4 của Luật Tín Ngưỡng và Tôn Giáo: Nó là bước lùi về quyền tự do tôn giáo.

Chúng ta ở hải ngoại cần dùng quốc tế vận để khuếch tán và yểm trợ tiếng nói của họ. Và lúc này đang là thời điểm thuận lợi cho cho việc này.

Phái đoàn Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đang có mặt ở Việt Nam, chuẩn bị cho cuộc đối thoại nhân quyền lần 19, sẽ diễn ra ngày 7 tháng 5 ở Hà Nội. Trong phái đoàn Bộ Ngoại Giao kỳ này có Ông David Saperstein, Đại Sứ Lưu Động về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế. Chúng tôi đã kịp chuyển cho phái đoàn Bộ Ngoại Giao các bản góp ý của nhiều tổ chức tôn giáo ở trong nước cũng như bản dịch Anh ngữ toàn bộ dự thảo 4 của Luật Tín Ngưỡng và Tôn Giáo. Chúng tôi cũng gởi bản góp ý của mình và 2 tổ chức quốc tế cho họ. Như vậy, khi ngồi vào bàn họp vào ngày mốt ở Hà Nội, phái đoàn Hoa Kỳ đã nắm vững nội dung của dự thảo luật cũng như quan điểm của các tổ chức tôn giáo bị ảnh hưởng.

Nếu Việt Nam đi lùi

Các ý kiến đóng góp từ trong nước đều chỉ ra rằng dự thảo 4 của Luật Tín Ngưỡng và Tôn Giáo vi phạm trầm trọng quyền tự do tôn giáo chiếu theo tiêu chuẩn quốc tế, củng cố quan hệ xin-cho và là bước lùi so với tình trạng hiện nay, vốn đã tồi tệ. Các ý kiến này đề nghị sửa đổi nhiều điều khoản trong dự thảo và cũng có ý kiến yêu cầu huỷ luôn bản dự thảo.

Luật Tín Ngưỡng và Tôn Giáo trở thành thước đo thiện chí của chế độ ở Việt Nam trong sự tôn trọng quyền tự do tôn giáo của người dân. Trong trường hợp Quốc Hội Việt Nam không đáp ứng các ý kiến chính đáng từ những tổ chức tôn giáo, và phái đoàn Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trở về "tay không" thì chúng ta sẽ có căn cứ vững chắc cho cuộc tổng vận động sẽ diễn ra ngày 18 tháng 6 -- Ngày Vận Động Cho Việt Nam năm 2015. Khi Hành Pháp bó tay thì Lập Pháp có lý do can thiệp. Trong ngày 18 tháng 6, các nhà tranh đấu đến từ khắp nẻo đường của đất nước Hoa Kỳ sẽ đồng loạt vận động dân biểu và thượng nghị sĩ của mình để:

(1) Đòi hỏi Việt Nam phải chứng minh cải thiện tình trạng tự do tôn giáo trước khi được hưởng các lợi ích về mậu dịch đến từ Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP);

(2) Yêu cầu Bộ Ngoại Giao đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) vì vi phạm tự do tôn giáo một cách trầm trọng.

Vì đoán trước diễn tiến, chúng tôi đặt tự do tôn giáo làm trọng tâm cho cuộc tổng vận động này và đã bắt đầu các bước chuẩn bị từ giữa năm ngoái. Trong tuần này, một phái đoàn nhỏ đã bắt đầu cuộc vận động qua các buổi tiếp xúc ở Quốc Hội.


Chúng ta có triển vọng

Hiện nay, một dự luật quan trọng làm tiền đề để hoàn tất đàm phán Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, TPP) đang gặp trở ngại ở Quốc Hội dù đã thông qua các ban tài chính ở Hạ Viện và Thượng Viện: Đó là dự luật về Thẩm Quyền Phát Huy Mậu Dịch (Trade Promotion Authority, hay TPA).

TPA có thể sẽ thông qua Thượng Viện trong tháng 5 nhưng đang gặp trở ngại ở Hạ Viện. Theo sự đếm phiếu của văn phòng Chủ Tịch Hạ Viện, hiện nay không đủ phiếu để thông qua TPA. Có khoảng 70 dân biểu Cộng Hoà và 150 dân biểu Dân Chủ chống lại TPA, nghĩa là vượt đa số. Các cuộc tổng vận động của những phái đoàn người Mỹ gốc Việt đến từ khắp đất nước Hoa Kỳ trong 2 năm trở lại đây đã góp phần cho tình trạng này.

Đó là nói về TPA. Số dân biểu chống đối TPP có thể còn cao hơn nữa ở Hạ Viện. Và ở Thượng Viện thì một số Thượng Nghị Sĩ đã hăm doạ dùng một số thủ tục đặc biệt để chặn đứng nó.

Điều này đặt Hành Pháp vào thế là phải thoả đáng một số đòi hỏi của các dân biểu và thượng nghị sĩ, ở mức đủ để chuyển một số phiếu từ chống thành thuận. Chúng ta phải tăng tối đa mức vận động và đòi hỏi điều kiện nhân quyền cho Việt Nam là vậy.

Tháng 6 là thời điểm quyết định về TPA, TPP và CPC. Đó là lý do chúng tôi chọn 18 tháng 6 làm Ngày Tổng Vận Động Cho Việt Nam năm nay.

Cuộc vận động này sẽ yểm trợ cho tiếng nói của các giáo hội và tổ chức tôn giáo độc lập ở Việt Nam trong nỗ lực đẩy lùi tính chuyên chế của chế độ đối với các tôn giáo.

Để ghi danh tham gia Ngày Vận Động Cho Việt Nam, xin liên lạc: http://www.cfdvn.org/?page_id=84


Bài liên quan:
Các tổ chức tôn giáo trong nước cần lên tiếng (19/04/2015)
http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=3025

Bản góp ý của BPSOS và một số tổ chức quốc tế:
http://dvov.org/wp-content/uploads/2014/07/Main-points-from-BPSOS-VETO-and-CSW.pdf

Bản góp ý của Khối Nhơn Sanh Cao Đài:
http://dvov.org/wp-content/uploads/2014/07/Gop-y-cua-Khoi-Nhon-Sanh-04-26-15.pdf

Bản góp ý của Giáo Phận Bắc Ninh:
http://dvov.org/wp-content/uploads/2014/07/GP-Bac-Ninh-Gop-Y-LTNTG-4.pdf

Bản góp ý của Giáo Phận Kontum:
http://dvov.org/wp-content/uploads/2014/07/Go%C2%B4p-y%C2%B4-lu%C3%A2t-t%C3%B4n-gia%C2%B4o-GM-Hoang-Duc-Oanh.pdf

Bản góp ý của Giáo Phận Vinh:
http://dvov.org/wp-content/uploads/2014/07/Gop-Y-LTNTG-GP-Vinh.pdf

Bản góp ý của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Việt Nam:
http://dvov.org/wp-content/uploads/2014/07/Ban-g%C3%B3p-%C3%BD-Du-thao-4-HDGMVN.pdf


Dự Thảo 4 Luật Tín Ngưỡng và Tôn Giáo -- Bản dịch Anh ngữ:
http://dvov.org/wp-content/uploads/2014/07/Law-on-Religion-4th-draft-English-translation-rough.pdf