- Cộng Đồng
- Posted On
Hết thuyền nhân vẫn còn BPSOS: Báo Đời Nay phỏng vấn Ts. Nguyễn Đình Thắng về các cáo buộc trên internet thời gian gần đây
Hình 1 – Ts. Nguyễn Đình Thắng đã có mặt tại các trại cấm Hồng Kông ngay sau khi chính quyền Anh Quốc tuyên bố đóng cửa trại và xem thuyền nhân là di dân kinh tế để bị hồi hương, tháng 12 năm 1998 (ảnh của Đinh Quang Anh Thái)
LTS: Có rất nhiều nghĩa trong tiếng Anh khi dùng chữ SOS. Bắt nguồn từ tín hiệu Morse cầu cứu của thuỷ thủ ngoài khơi biển cả hoặc một chút mang tính cách tôn giáo “cứu vãn linh hồn” (save our souls), tổ chức mà TS Thắng tiếp nhận năm 1990 có tên gọi thật phù hợp cho sứ mạng nhân đạo của mình đối với làn sóng thuyền nhân tị nạn CSVN kéo dài hơn ba thập niên: BP (Boat People – Thuyền Nhân), SOS: Cầu cứu. Thế nhưng, với những việc làm nhỏ lớn vẫn đi theo các tiếng bấc tiếng chì mà gần đây nhất còn xuất hiện nhiều tin tức, các bài viết trên diễn đàn youtube, facebook… với hầu hết nội dung chửi rủa, ngoài ra còn có cả những lời đe doạ tính mạng, đối với TS Nguyễn Đình Thắng và BPSOS. Để làm sáng tỏ một số vấn đề đã gây nhiều tranh cãi sôi nổi, bổn báo ĐPV Phú Cường thực hiện cuộc phỏng vấn TS Thắng lúc 4 giờ chiều ngày 15-8-23 tại văn phòng của tổ chức BPSOS, Falls Church, Virginia.
PV Phú Cường: Được biết TS vừa kết thúc chuyên thăm các người tỵ nạn Việt còn sót lại ở Thái Lan, chuyến đi mang mục đích gì?, những thu thập tin tức, tài liệu có hiệu quả như thế nào và có được gửi đến chính phủ Canada để trình báo vấn đề gian lận, nếu có?
TS Thắng: Chuyến đi Thái Lan 3 tuần của tôi vào cuối tháng 6 có 3 mục đích: (1) phát triển Mạng Lưới Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin Khu Vực Đông Nam Á mà BPSOS đồng khởi xướng năm 2015; (2) vận động tái định cư nhanh và nhiều số 1000 đồng bào đã có quy chế tị nạn; (3) thu thập thông tin để vận động định cư nhân đạo khoảng 30 – 40 cựu thuyền nhân bị bỏ rơi lại Thái Lan sau khi chương trình định cư nhân đạo mà chính phủ Canada lập ra cho họ bị đóng lại.