Liên minh chống tra tấn Việt Nam tham gia hội thảo phát triển XHDS

LTS - Hưởng ứng lời kêu gọi của BPSOS, một số đồng bào có tâm huyết tại hải hải ngoại đã tập hợp với nhau để thành lập những nhóm kết nghĩa nhằm đẩy mạnh sự phát triển hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự trong nước. Các nhóm hoạt động tại hải ngoại này được gọi là nhóm kết nghĩa nhằm thể hiện sự gắn bó sâu đậm và dài lâu giữa mỗi nhóm với một cộng đồng hay tổ chức ở trong nước. Ngày 1 tháng 2 năm 2017 vừa qua, đại diện của một số nhóm kết nghĩa này đã tham gia cuộc hội thảo với chủ đề "Phát triển xã hội dân sự tại Việt Nam - thử thách và cơ hội". Bài nói chuyện sau đây của một đại diện của Liên minh chống tra tấn Việt Nam giúp chúng ta thấy được một số những khó khăn của xã hội dân sự trong nước và đồng thời những nỗ lực và những thành quả đạt được mặc dù nhóm này chỉ mới vừa được thành lập chưa đến hai tháng.

Kính thưa quý vị,

Tôi vinh dự được có mặt ở đây hôm nay. Xin cám ơn sự ủng hộ của quý vị và ý muốn tìm hiểu thêm về nỗ lực phát triển xã hội dân sự tại Việt Nam.

1) BỐI CẢNH HÌNH THÀNH

Tôi xin được chia sẻ một vài chi tiết về quá trình hình thành Liên Minh Chống Tra Tấn – Việt Nam (VN-CAT) và vai trò của “nhóm kết nghĩa” trong việc giúp các nhà bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam vượt qua những thử thách gây ra do các biện pháp ngăn trở từ phía chính quyền.

Ý tưởng thành lập Liên Minh Chống Tra Tấn được khởi đầu ngay tại đây, Quốc Hội Hoa Kỳ, dưa trên một buổi thảo luận trong đợt vận động Quốc Hội vào tháng Sáu năm 2016. Trong phần trả lời câu hỏi được nêu ra bởi một nhà hoạt động nhân quyền tham gia trực tuyến từ Việt Nam, Tiến Sĩ Scott Flipse nhắc lại kinh nghiệm của cộng đồng người Nga đã lập hồ sơ các vụ tra tấn ở quốc gia của họ. Và với vô số bằng chứng, Quốc Hội cảm thấy thôi thúc cần phải có hành động. Câu trả lời đó được một vài nhà hoạt động tại Việt Nam ghi nhận, và họ chính là những người sau này đã góp phần thành lập Liên Minh Chống Tra Tấn – Việt Nam (VN-CAT).

Việt Nam ký Công Ước Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc năm 2013 và thông qua năm 2015. Tuy vậy, nạn bạo hành và tra tấn bởi lực lượng công an vẫn tràn lan tại Việt Nam. Do đó Liên Minh CHống Tra Tấn Việt Nam cảm nhận được sự cần thiết của một nhóm quan sát với vai trò:

1) Trước hết là hướng dẫn người dân tại Việt Nam hiểu về các luật chống tra tấn của Việt Nam và quốc tế và giúp họ nhận thức rõ về trách nhiệm của chính phủ Việt Nam trong việc tuân thủ Công Ước Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc trong tư cách của một quốc gia đã cam kết tham gia.

2) Và thứ hai là cung cấp phương tiện để người dân có thể báo cáo các vụ vi phạm.

Và đó là sự khởi đầu cuộc hành trình của chúng tôi.


2) QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH

- Tháng 7 2016: Tìm hiểu những khó khăn và nhu cầu của VN-CAT trong nước

- Tháng 9 2016: hình thành “nhóm lõi” và “nhóm kết nghĩa”

- Tháng 10 2016: tạo trang mạng song ngữ http://endtorturevn.org

- Tháng 11: bắt đầu chương trình huấn luyện

- Tháng 12 năm 2016: Công bố bản Thông Cáo Báo Chí: Liên Minh Chống Tra Tấn Việt Nam (VN-CAT) chính thức đi vào hoạt động

+ Tiếng Việt: http://endtorturevn.org/article.php?L=vi&CID=375&M=1&ORGID=0

+ Tiếng Anh: http://endtorturevn.org/article.php?L=en&CID=375&M=1&ORGID=0

- Tháng 1 năm 2017 cho tới nay: gia tăng nhận thức về tệ trạng tra tấn ở Viêt Nam, giới thiệu hoạt động của VN-CAT và kêu gọi sự tham gia, hỗ trợ của công chúng.

3) VAI TRÒ CỦA “NHÓM KẾT NGHĨA”

Công tác vận động xóa bỏ tra tấn trong một chế độ độc tài toàn trị như Việt Nam hiển nhiên là một thử thách. Do đó, việc xây dựng một “nhóm kết nghĩa” có tổ chức tốt và làm việc hiệu quả sẽ giúp đáp ứng những nhu cầu cần thiết của tổ chức trong nước.

- Hỗ trợ về tài chính: kêu gọi sự ủng hộ về tài chính từ công chúng để tạo phương tiện hoạt động và huấn luyện cho VN-CAT

- Hỗ trợ về kỹ thuật: thiết lập và bảo quản trang mạng song ngữ, cung cấp tài liệu huấn luyện, tạo mẫu đơn trên trang mạng để báo cáo các trường hợp vi phạm.

- Hỗ trợ về dịch thuật và lập hồ sơ xin hỗ trợ khẩn cấp cho nạn nhân hoặc các nhà hoạt động

- Phụ trách thu thập các hồ sơ vi phạm nghiêm trọng và thông tin về những kẻ vi phạm.

- Tham gia quốc tế vận trong trường hợp các thành viên VN-CAT trong nước bị chính quyền Việt Nam cấm xuất cảnh.

4) PHỐI HỢP HÀNH ĐỘNG

Vận động cho nhân quyền tại Việt Nam là một công cuộc chung. Không có một cá nhân hay đoàn thể nào có thể làm đơn lẻ được. Do đó sự phối hợp hành động là cần thiết và hữu hiệu. Là một tổ chức xã hội dân sự với chuyên môn về chống tra tấn, Liên Minh Chống Tra Tấn Việt Nam tạo sự liên kết chặt chẽ với các tổ chức XHDS khác và các cộng đồng tôn giáo độc lập. Chúng tôi giúp huấn luyện cách thu thập, phối kiểm thông tin và viết báo cáo.

Khi thảm họa môi trường biển xảy ra tại miền Trung, khu vực có giáo xứ Đông Yên, một điều phối viên của VN-CAT đã có mặt tại hiện trường để điều tra và hỗ trợ.

Một  ví dụ khác là VN-CAT đã phối hợp với Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam (HPNNQVN) và BPSOS để vận động can thiệp cho trường hợp bà Trần Thị Hồng:

-          HPNNQVN gửi hồ sơ báo cáo tới 5 cơ quan LHQ và vận động sự can thiệp khẩn cấp. Đồng thời giúp bà Hồng lập hồ sơ xin hỗ trợ.

-          BPSOS gửi hồ sơ đến Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ,  Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Quốc Tế, v.v … và phối hợp hành động với các tổ chức nhân quyền trên thế giới.

-          VN-CAT giúp nạn nhân gửi đơn tố cáo tới các cấp chính quyền tại Việt Nam và “leo thang” tới cấp trung ương, yêu cầu chính quyền phải điều tra và truy tố những kẻ vi phạm theo luật pháp Việt Nam và Công Ước Chống Tra Tấn của LHQ.

Chúng tôi vẫn đang tiếp tục thu thập bằng chứng cho thấy chính quyền Việt Nam hoàn toàn bất chấp luật pháp của họ cũng như luật pháp quốc tế. Chúng tôi đang lập danh sách những kẻ vi phạm trong trường hợp này để đề nghị chế tài theo Luật Chế Tài Nhân Quyền Magnitsky và Luật Tăng Cường Bảo Vệ Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Frank Wolf.

Chúng tôi xin kêu gọi quý vị hiện diện ở đây hôm nay hãy ủng hộ chúng tôi trong nỗ lực này và cùng chúng tôi gửi một thông điệp mạnh mẽ tới chính quyền Việt Nam rằng họ sẽ phải nhận lãnh hậu quả cho những hành động vi phạm nhân quyền.

 

Xin chân thành cám ơn quý vị.


Đây là đường link của đoạn video về lời phát biểu tiếng Anh tại buổi hội thảo.