Đo ván ngay tại sân nhà

 

Muốn khai dụng thế công dân, phải vượt qua luỹ tre làng

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 9 tháng 5, 2015

http://machsongmedia.com

Thông tin về Hội Nghị Xã Hội Dân Sự ASEAN tổ chức ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia cuối tháng tư vừa qua giúp nhiều người Việt trong và ngoài nước bắt đầu ý thức rằng, trong rất nhiều năm, các tổ chức XHDS thật đã bị tiếm danh và quốc tế đã bị qua mặt bởi các tổ chức quốc doanh do nhà nước Việt Nam dựng lên.

Tình trạng bi tiếm danh và qua mặt không chỉ xẩy ra cho XHDS hãy còn phôi thai và phải hoạt động trong môi trường bị bưng bít và be bờ ở trong nước; nó còn xẩy ra ngay ở hải ngoại này, sân nhà của những người Việt tị nạn cộng sản.

Chuyện xưa


Năm 1995, chúng tôi vận động cho dự luật của Dân Biểu Christopher Smith nhằm chống cưỡng bách hồi hương thuyền nhân Việt Nam. Lúc ấy nhiều vị dân biểu thuộc Đảng Dân Chủ, bình thường rất quan tâm đến nhân quyền và người tị nạn, lại chống dự luật này. Họ đã bị thông tin sai lạc bởi những thành phần đang thúc đẩy tiến trình bình thường hoá ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.


Phái đoàn đa tôn giáo cùng với DB Frank Wolf tại sinh hoạt do nhóm "Bàn Tròn" tổ chức ở Quốc Hội Hoa Kỳ, ngày 19 tháng 9, 2014

 

 

Trong bài trước, tôi đã kể về hai trong số các vị dân biểu ấy: Howard Berman và Tom Lantos. Ở đây tôi muốn nói đến nữ Dân Biểu Nancy Pelosi, hiện là thủ lãnh Đảng Dân Chủ ở Hạ Viện và đã từng là Chủ Tịch Hạ Viện. Vùng cử tri của Bà là San Francisco, California, nơi có nhiều nghìn người Việt cư ngụ.

Tuy được Uỷ Ban Đối Ngoại của Hạ Viện thông qua, dự luật của DB Smith có nguy cơ bị trở ngại khi ra toàn thể Hạ Viện. Bộ Ngoại Giao đã tung người liên tục đến Quốc Hội để vận động chống lại nó. Thậm chí có cả một tổ chức mang danh đại diện cho người tị nạn Đông Dương cũng hùa theo. Bà Pelosi là một dân biểu gạo cội về nhân quyền; nếu Bà chống lại nó thì sẽ lôi cuốn được rất nhiều đồng viện hùa theo. Chúng tôi bằng mọi giá phải tranh thủ sự ủng hộ của Bà.

Chúng tôi thành lập phái đoàn nhỏ, gồm 4 người, đến gặp Bà Pelosi ngay tại văn phòng ở Quốc Hội. Trong phái đoàn có Hoà Thượng Thích Giác Lượng và một Phật tử là cử tri của Bà. Khi biết rằng chúng tôi chống lại chính sách cưỡng bức hồi hương của Hồng Kông và các quốc gia Đông Nam Á, Bà tỏ ra vô cùng ngạc nhiên và nói: "Tôi lại tưởng rằng cộng đồng của quý vị ủng hộ cưỡng bức hồi hương thuyền nhân và mong muốn bang giao với Việt Nam."

Bà giải thích rằng có một người Việt vẫn tới lui văn phòng của Bà, nhận là đại diện cho cộng đồng Việt ở vùng San Francisco. Người này vận động Bà chống lại dự luật của DB Smith.

Tôi biết về con người ấy. Đến Mỹ du học trước 1975, ông ta tham gia phong trào phản chiến. Khoảng đầu thập niên 1990, ông ta phát hành tờ báo địa phương chuyên quảng cáo cho các dịch vụ làm ăn buôn bán với Việt Nam. Có lúc ông ta làm đại lý phổ biến một tờ báo Anh ngữ xuất bản ở Việt Nam với mục đích tuyên truyền cho chế độ.

Hoà Thượng Thích Giác Lượng bày tỏ sự bực bõ về vụ mạo nhận này, làm Bà Pelosi chưng hửng. Tôi nhân đó giải thích thêm về các bất cập và vi phạm nhân quyền trong chương trình "thanh lọc" tư cách tị nạn của thuyền nhân và mối nguy cho những ai bị cưỡng bức hồi hương.

Bà Pelosi ngớ người khi biết mình bị qua mặt từ bấy lâu nay và trở nên thân thiện hơn hẳn với phái đoàn chúng tôi. Bà khoe là có cô con dâu là người Việt nên thích các món ăn Việt Nam. Bà cho biết muốn gặp gỡ phái đoàn người Việt trong vùng cử tri của Bà. HT Thích Giác Lượng hứa sẽ tổ chức phái đoàn đến gặp Bà (và sau đó có thực hiện điều này).

Nhờ sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Bà Pelosi cùng với hai Ông Berman và Ông Lantos -- họ là ba con chim đầu đàn về nhân quyền trong Đảng Dân Chủ -- mà dự luật của DB Smith, Đảng Cộng Hoà, được cả Hạ Viện thông qua với đa số áp đảo, bất chấp các nỗ lực vận động ngược lại một cách ồ ạt của Bộ Ngoại Giao. Kết quả là chương trình ROVR (Resettlement Opportunity for Vietnamese Returnees) ra đời, và gần 20 nghìn thuyền nhân đã đến Hoa Kỳ sau khi hồi hương về Việt Nam hay tạm dung nhiều năm tại Phi Luật Tân.

Việc Nay


Cách đây 3 năm, một số tổ chức Hoa Kỳ quan tâm đến tự do tôn giáo quốc tế thành lập nhóm "Bàn Tròn" (roundtable) để phối hợp vận động cho tự do tôn giáo ở nhiều quốc gia trên thế giới. Họ gồm nhiều tổ chức lớn và có ảnh hưởng với cả Hành Pháp lẫn Lập Pháp Hoa Kỳ. Cứ 3 tháng họ họp “bàn tròn” một lần để cùng lên tiếng về những vấn đề nóng sốt. Diễn đàn này âm thầm trong hậu trường nhưng có ảnh hưởng lên chính sách quốc gia hơn nhiều sinh hoạt ầm ĩ nhưng chỉ mang tính khoa trương.

Tuyệt nhiên không một tổ chức người Việt nào tham gia các buổi họp bàn tròn này. Tổ chức duy nhất lên tiếng về Việt Nam lại là một tổ chức Hoa Kỳ đang nhận tài trợ của Bộ Ngoại Giao để phát huy tự do tôn giáo ở Việt Nam. Trong những lần tôi ra điều trần ở Quốc Hội, thỉnh thoảng họ cũng được mời điều trần. Họ luôn luôn nhận định rằng Việt Nam có tiến bộ và chống lại việc đưa Việt Nam vào danh sách CPC.

Khi biết rằng họ là tiếng nói duy nhất về tình trạng tôn giáo ở Việt Nam tại “Bàn Tròn”, tôi vận động ngay để BPSOS được tham gia. Phải mất hơn nửa năm và với sự ủng hộ của hai tổ chức đã là thành viên, cuối cùng BPSOS được mời tham gia "Bàn Tròn". Từ đó, các thành viên trong "Bàn Tròn" bắt đầu nhận được thông tin về các vụ đàn áp tôn giáo ở Việt Nam do tôi chuyển. Và rồi nhiều tổ chức tham gia "Bàn Tròn" đã cùng ký các văn thư chung gửi Hành Pháp và Lập Pháp Hoa Kỳ để lên tiếng về các vụ đàn áp tôn giáo ở Việt Nam.

Gần cuối năm ngoái, tôi sắp xếp cho một phái đoàn đa tôn giáo người Việt tham gia sinh hoạt của nhóm “Bàn Tròn”, tổ chức ở Quốc Hội. Qua đó nhiều tổ chức Hoa Kỳ và quốc tế càng hiểu thêm về tình trạng đàn áp tôn giáo đang diễn ra trầm trọng ở Việt Nam. Ít ra tại diễn đàn "Bàn Tròn" này, chúng ta không bị mất tiếng nói nữa và đã xua tan được những ngộ nhận về thực trạng tôn giáo ở Việt Nam.

Tự hỏi

Cách đây 40 năm, Việt Nam Cộng Hoà không thua ở chiến trường miền Nam mà thua ở nghị trường Hoa Kỳ. Lúc ấy nào đã có cộng đồng người Việt để vận động Quốc Hội, để phản công phong trào phản chiến, để tranh thủ dư luận năm châu. Nay thì chúng ta đã có 4 triệu người Việt ở hải ngoại. Chúng ta đã hấp thụ bao tinh hoa của thế giới. Chúng ta không thiếu người thành đạt và giỏi giang. Thế nhưng chúng ta vẫn không tăm hơi ở nhiều diễn đàn quan trọng.

Tại các buổi họp "Bàn Tròn" ba tháng một lần vẫn chỉ lẻ loi có tôi. Lẽ ra chỗ ấy phải là của các vị lãnh đạo tôn giáo, các nhà hoạt động cho tự do tôn giáo cơ chứ. Tôi đã nhiều lần mời gọi, nhưng vẫn chẳng có ai bỏ giờ, bỏ công đi họp. Trong khi ấy tuyên ngôn thì nhiều, hội thảo không ít, biểu tình cũng nhiều nhưng là viết cho nhau đọc, nói cho nhau nghe, làm cho nhau xem -- quanh quẩn trong thế giới của mình với ta.

Chúng ta phải học bài học của 40 năm trước. Chúng ta phải thay đổi cách làm, phải vượt qua những sinh hoạt quanh quẩn sau luỹ tre làng. Hãy dùng vị thế công dân Hoa Kỳ hay công dân của các quốc gia định cư, hãy dùng khả năng sinh ngữ, quyền tự do đi lại và các phương tiện tân tiến của các xã hội văn minh nhất hoàn vũ để đưa tiếng nói của đồng bào trong nước đến với thế giới và làm điểm tựa cho họ thực hiện quốc tế vận.

Ở trong nước, đồng bào bị bưng bít và cô lập. Ở ngoài này chúng ta có cả thế giới bao la, thì hãy khai dụng thế công dân quốc tế của mình, cho dân tộc và quê hương Việt Nam.

Bài liên quan:


Gom vốn cho đại cuộc

http://www.machsongmedia.com/chinhtri/vandechinhsach/972-gom-vn-cho-i-cuc.html