Thiên Thơ
Phụ trách Chương Trình CADV
Trong một tài liệu của Bonnie Brandl tại Liên Hỉệp Wisconsin Chống Bạo Hành Gia Đình (Wisconsin Coalition Against Domestic Violence – WCADV), tác giả kể lại câu chuyện hai vợ chồng Edward và Shirley điển hình như sau:
Một đêm khuya, Edward giận vợ, Shirley. Ông ta bắt đầu la vợ ầm ĩ trong nhà. Ông ta liệng chiếc ghế suýt trúng bà ấy, thét lên là bà vợ sẽ chết thôi. Rồi ông ta bắt đầu gây sóng gió trong nhà, lục lọi tìm khẩu súng. Bà Shirley trốn ra cửa sau lẩn vào bóng đêm, chỉ mặc vỏn vẹn chiếc áo ngủ. Bà ta đi chân không, không tiền bạc, không dự tính gì cả. Bà ta có thể đi đâu, và phải làm gì đây?
Chúng ta thử hình dung lại câu chuyện này vào năm 1942, lúc ấy bạo hành trong gia đình chưa được luật pháp khám phá và can thiệp. Hiếp dâm trong hôn nhân vào thời ấy được xem như chuyện bình thường vì phục vụ tình dục cho chồng là bổn phận của người vợ, chứ không phải là một hình tội như ngày nay. Không ngôn ngữ nào mô tả nổi kinh nghiệm của bà Shirley vào thời điểm ấy: không luật sư để nói chuyện, không nhà tạm trú để nương thân. Để đáp ứng các vấn đề nan giải này, giới phụ nữ đã cùng nhau họp mặt vào cuối năm 1970 và 1980 để tìm hiểu về những động lực, quyền hành đã kiểm soát và chi phối cuộc sống của nhiều phụ nữ trong gia đình. Bạo hành gia đình đã được thay đổi bộ mặt từ một vấn đề gia đình riêng tư thành một tội ác trong quốc gia. Các nhà tạm trú và đường dây khẩn cấp 24 giờ mỗi ngày được thiết lập. Những nhóm hỗ trợ, cố vấn; những người bênh vực pháp lý được thành lập bởi phụ nữ trẻ tuổi và cho phụ nữ trẻ tuổi. Đến năm 1982, bà Shirley vẫn sống chung với chồng và tính tình Ông Edward vẫn thô bạo như vậy. Bây giờ, bà Shirley đã 60 tuổi, đã chịu đựng sự ngược đãi 40 năm. Bà cũng vẫn không biết phải làm gì, phải đi đâu để giải quyết những ngược đãi gia đình. Trong vài tiểu bang, phụ nữ có thể hội đủ điều kiện hưởng các dịch vụ xã hội khi họ trên 60 tuổi. Tuy nhiên, hầu hết các cơ quan dịch vụ xã hội lại không cung cấp nhà tạm trú khẩn cấp, cũng không có ban hành lệnh bảo vệ (restraint order or protective order), tham vấn với những người cùng tuổi, hỗ trợ pháp lý, hay những nhóm hỗ tương cho phụ nữ cao tuổi bị ngược đãi. Vào năm 2002, rất nhiều phụ nữ trên 80 tuổi bị bạo hành vẫn không được giúp đỡ, và họ cũng không biết nên tìm đến đâu để nương tựa. Đáng tiếc là lúc bấy giờ trên đất Mỹ vẫn chưa có các chương trình chống bạo hành trong gia đình, và các bác cao niên vẫn thấy mình không được giúp đỡ gì cả. Vào tuổi 80, hình thức ngược đãi của những người bạo hành có thể đã thay đổi nhưng tính thích khống chế của họ có thể sẽ không giảm đi chút nào. Có khi các phụ nữ trọng tuổi không còn bị ngược đãi sau khi dọn ra sống riêng hay khi chồng đã chết, nhưng họ lại thấy mình bị các con hay bạn trai/gái của con phá hại. Phụ nữ cao niên sống chung với con cháu cũng có thể bị khai thác tiền bạc, đánh cắp chi phiếu an sinh xã hội hay những đồ dùng cá nhân của họ. Những Trở Ngại Hiện Nay Đối Với Nạn Nhân Cao Niên Những giải đáp của các chương trình chống bạo hành gia đình cho những người cao niên không có tiến triển gì nhiều trong đa số cộng đồng từ 1940 đến 1980. Điển hình là ít nạn nhân trọng tuổi tìm đến các chương trình bạo hành trong gia đình. Nhiều cơ quan quảng bá dịch vụ chống bạo hành có khuynh hướng giúp đỡ phụ nữ trẻ tuổi nhiều hơn, với hình ảnh người mẹ trẻ tuổi trên trang bìa các tài liệu phân phối đến cộng đồng. Các bậc cao niên thường coi đó là những dịch vụ dành cho con cháu họ, không phải cho bản thân họ. Các chương trình chống bạo hành gia đình thường hướng dẫn nạn nhân tiến đến "tự lực" nên ít khi thấy các người trọng tuổi kém Anh ngữ, không biết lái xe đến với chương trình này. Phương hướng tự lực quen thuộc đối với phụ nữ đông con và trẻ tuổi hơn. Quan niệm "tự lực" có hơi khó khăn đối với những người cao niên. Ngoài ra, ý niệm gọi điện thoại đến một người lạ để thảo luận những vấn đề gia đình cá nhân thường được xem như trái ngược với những tập tục mà phụ nữ trọng tuổi gìn giữ lâu nay. Ý kiến nên bỏ nhà ra đi để sống ở một nơi nào đó có thể rất khó khăn, khó chấp nhận đối với phụ nữ trọng tuổi bất luận là họ có bị hành hạ hay không. Kẻ bạo hành đã gây ra mọi vấn đề thì chỉ nên mời ông ấy ra khỏi nhà hay yêu cầu ông ấy sửa đổi lại tánh tình để mọi việc dễ dàng, tốt đẹp hơn cho vợ con, đúng không? Vì sao phụ nữ tuổi tác đã cao lại phải ra đi, bỏ lại cháu nội, cháu ngoại, vườn tược hay mèo, chó thân quen đến một nơi xa lạ, chưa biết an toàn hay không để sống? Nếu phụ nữ trọng tuổi gọi đến nhà tạm trú, bà ta sẽ dễ được tiếp nhận không? Một vài nhà tạm trú xem "ngược đãi người lớn tuổi" là một vấn đề khác biệt, không nằm trong tiêu chuẩn phục vụ của nhà tạm trú, cho dù kẻ bạo hành là người chồng hay người tình. Nhân viên nhà tạm trú cũng có thể từ chối không cho những người bị thân nhân bạo hành (chứ không phải chồng hay tình nhân bạo hành) vào nhà tạm trú. Vì vậy, dù các hình thức bạo hành tương tự như nhau, các dịch vụ chống bạo hành có thể rất lợi ích, phụ nữ trọng tuổi vẫn có thể bị từ chối, không được nhận giúp đỡ vì lý do này hay lý do khác. Nam giới trọng tuổi chiếm 1/3 các trường hợp bị người thân ngược đãi, và bị các cơ quan liên hệ từ chối giúp đỡ. Phụ nữ lớn tuổi rất ít thích thay đổi chỗ ở, tạo ra những thử thách gian nan cho họ. Nếu có cầu thang dẫn đến phòng ngủ, các bác cao niên thà phải ngủ trên ghế sofa nơi tầng trệt. Các bác cao niên có thể không muốn vào nhà bếp hay những nơi công cộng để vui với mọi người nếu phải dùng cầu thang. Nhà tạm trú có thể là một môi trường hỗn độn, ầm ĩ đối với người trọng tuổi. Chỉ một số ít phụ nữ cao niên vẫn ưa thích lân cận với phụ nữ, trẻ em và thích có cơ hội sinh hoạt với giới trẻ. Nhiều phụ nữ khác có thể không chịu đựng được tiếng ồn ào và sự chộn rộn nơi nhà tạm trú, phải trở về nhà sống với những cảnh ngược đãi cũ. Phụ giúp vào việc nấu ăn, hút bụi, và làm những việc vặt vãnh có thể là một trở ngại khác. Một vài bác cao tuổi có thể không có khả năng làm việc vặt trong nhà. Các bác cao niên nhận trách nhiệm săn sóc con cái của giới trẻ trong khi giới trẻ năng nổ làm việc, tìm việc làm, sắp đặt mọi việc trong nhà hay ra ngoài làm việc xã hội. Vài phụ nữ lớn tuổi vẫn thích sống hữu dụng và thích săn sóc trẻ em. Những người khác lại bực tức vì bị lợi dụng hoặc vì năng lực của họ đã bị tận dụng nên họ không còn muốn tham gia vào bất cứ công việc nào khác. Thái độ và kinh nghiệm của nhân viên hỗ trợ có thể tạo thêm trở ngại cho các nạn nhân trọng tuổi. Những bác trọng tuổi đến khu vực công cộng thường thấy hình ảnh phụ nữ trẻ cùng tuổi với con cái của họ, không thấy hình ảnh phụ nữ cao niên. Các nhân viên giỏi về huấn nghiệp có thể không biết làm thế nào xin tiền an sinh xã hội cho người trọng tuổi. Các nhân viên xã hội có thể không được chuẩn bị đầy đủ để giải quyết những vấn đề y tế hay tâm bệnh cho người lớn. Các phụ nữ trọng tuổi thường nói các nhân viên trẻ tuổi hay lớn tiếng, tưởng rằng những người trọng tuổi đều lãng tai. Như vậy có khi vô tình các nhân viên đã coi thường người trọng tuổi, lại còn dùng ngôn ngữ xa lạ với họ, không tôn trọng văn hóa, tôn giáo của họ. Người trọng tuổi có thể cảm thấy bị cô lập nơi các cơ quan hỗ trợ và đôi khi chỉ muốn quay về nhà, tiếp tục chịu đựng những hà hiếp bất công trong gia đình mà thôi. Cải Thiện Các Dịch Vụ Cho Phụ Nữ Cao Niên Chúng ta cần nói chuyện nhiều hơn với các bác cao niên trong cộng đồng để tìm hiểu về những kinh nghiệm của họ vì chính họ là những chuyên gia có khả năng hoạt động hữu hiệu cho các chương trình cộng đồng. Chúng ta có thể gởi bảng nghiên cứu, dùng các tổ công tác, thực hiện các buổi họp nhóm để thăm dò ý kiến hay dùng các phương thức khác để tìm những thiếu sót cần được bổ khuyết không những trong các chương trình mà còn trong những nguồn thông tin cộng đồng. Hãy để bậc cao niên trong vị trí có quyền hạn trong tổ chức. Sự thay đổi sẽ xuất hiện khi những người có quyền hạn hiểu rõ những gì cần làm. Có tình nguyện viên lớn tuổi giúp đỡ khi cần là một bước tốt nhưng để có thể thay đổi nguyên tắc căn bản của tổ chức, hãy tìm kiếm và gìn giữ một số thành viên quản trị và nhân viên cao niên trong tổ chức. Những cá nhân này có thể nhìn vào chánh sách, thực hiện cùng nhận dạng những cách thức có thể cải thiện những gì đang làm trong hiện tại để hỗ trợ tốt hơn cho các bác cao niên. Kiểm soát lại các tiêu chuẩn tiếp nhận hồ sơ để người trọng tuổi có thể được hưởng dụng các dịch vụ liên hệ. Nếu cơ quan của bạn chỉ phục vụ nạn nhân bị chồng hay người tình hành hung, hãy cứu xét nới rộng các tiêu chuẩn phục vụ đến nạn nhân trọng tuổi bị con lớn hay thành viên trong gia đình bạo hành. Nạn nhân trọng tuổi cũng cần được hưởng dụng nhà ở trong tình huống khẩn cấp, đường dây nóng 24 giờ một ngày, bênh vực pháp lý, các nhóm hỗ trợ, tham vấn, thông tin và giới thiệu. Cũng nên cứu xét lại xem có phải bị nguy hiểm khẩn cấp mới được nhận sự giúp đỡ hay không. Vài nạn nhân trọng tuổi sống nhiều năm trong tình trạng bạo hành có thể không bị nguy hiểm cấp thời, do kẻ hành hung đã chết hay bị bệnh hoạn. Tuy thế, những phụ nữ già yếu này có thể mang tâm bệnh khó trị, có thể ảnh hưởng không tốt đến con cháu của họ. Họ cũng cần nhận được những lợi ích từ các nhóm hỗ trợ hay thông tin về những động lực bạo hành. Thông thường bạo hành xảy ra về phương diện xúc cảm hơn là thể xác. Các nạn nhân trọng tuổi bị bạo hành về phương diện xúc cảm vẫn cần hưởng dụng những lợi ích thiết thực từ những dịch vụ chống bạo hành gia đình của các cơ quan liên hệ.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]