Tha Thứ Là Một Bổn Phận

Br. Huynhquảng

Gia đình ông bà An định cư tại Hoa Kỳ vào đầu thập niên 70 khi 6 người con của họ còn chưa trưởng thành. Sau hơn 35 năm, giờ đây những người con đã thành đạt với những tấm bằng bác sĩ, tiến sĩ, kỹ sư. Có thể nói, già đình ông bà An được cho là có phúc và gặp nhiều may mắn vì sự thành đạt của con cái. Nhưng thực ra, gia đình vẫn không có được sự bình an và hạnh phúc như mong ước. Ông bà vẫn muốn những người con của ông bà phải hoàn hảo hơn, làm nhiều tiền hơn và phải chu cấp cho ông bà đầy đủ hơn. Điều đáng buồn là ông bà thường hay nói xấu con cái mình với những người bạn. Việc này làm cho tình cảm giữa những người con với ông bà ngày càng rạn nứt. Họ quyết định cung cấp tiền bạc cho ông bà hằng tháng, nhưng sẽ không ghé thăm ông bà vì mỗi lần ghé thăm là mỗi lần diễn ra cãi vã do sự đòi hỏi của ông bà.

Thật không may, một trong những người con của ông bà là cô T. bị thất nghiệp và muốn về sinh sống với ông bà trong một thời gian. Ông bà nhận lời nhưng với điều kiện là cô T. phải trả tiền “thuê” nhà xòng phẳng. Cô T. chấp nhận điều kiện và một thời gian sau, cô đã tìm được việc làm và đã di chuyển về một tiểu bang khác.

Sau khi ổn định, cô T. đã suy nghĩ về ba má mình, về những hành động của ba má mình và đặt câu hỏi: “Tại sao ba má mình đã đối xử với mình như vậy”. Khi mình có tiền thì đối xử với mình như người con, khi mình thất bại trong cuộc đời thì đối xử mình như là người lạ. Cô T. đặt câu hỏi là mình có nên tha thứ cho ba má mình và tiếp tục giúp đỡ ông bà hay không. Gần đây, do thời tiết lạnh giá ở miền Bắc, cô T. lại nghĩ tới chuyện là mình có nên đưa ba má mình về sinh sống với mình hay không. Sau khi suy nghĩ, cô T. đã quyết định mời ba má mình về một tiểu bang ở Miền Nam sống chung với mình.

* * *

Thưa quí bạn, tưởng chừng như đó là câu chuyện không có thật, nhưng đáng buồn thay, đó là chuyện thật đang diễn ra trong cuộc sống chúng ta. Vậy động cơ  nào đã thúc đẩy cô T. từ thái độ tủi giận chuyển qua thái độ tha thứ và đặc biệt là sống tha thứ một cách cao thượng như vậy? Cô T. đã tâm sự rằng dù cô có giận ba má và lòng cô dù có chai đá bao nhiêu đi nữa, nhưng khi nghĩ đến giây phút ông bà nằm trên giường bệnh, thì không điều gì có thể ngăn cản việc cô đến thăm ông bà. Vậy nếu sự thật là như thế, thì tại sao mình không làm hòa và chu toàn bổn phận của người con ngay bây giờ hơn là phải đợi đến những giây phút cuối của đời ba má mình? Cô T. đã nhận ra sự thật rằng tha thứ nó không chỉ là một việc như trao tặng một món quà, nhưng còn hơn thế nữa, đối với cô T. tha thứ là một bổn phận. Chính điều này làm cho giá trị con người của cô T. lớn hơn và cao quí hơn.

Thật vậy, con người có lý trí và biết dùng lý trí cho đúng thì sẽ làm cho giá trị con người mình thêm đẹp và hoàn hảo. Người không ngoan là người biết nhìn ra sự thật của cuộc đời và hành xử nó theo tiêu chuẩn vĩnh cửu. Họ biết rằng, những ghen ghét, giận hờn chẳng qua cũng chỉ là những cách cư xử của những người chưa trưởng thành. Còn người trưởng thành nhận ra rằng, tha thứ là một bổn phận mà mình phải thực hiện để tiến trình làm người của mình được trọn vẹn hơn và hoàn mỹ hơn.

Sống Sao Cho Đẹp kỳ này mời gọi chúng ta suy nghĩ về bổn phận của mình, nhất là bổn phận của người con với cha mẹ, và bổn phận giữa anh chị em với nhau. Chính bổn phận giúp cho con người chúng ta sống đúng phẩm giá làm người, chứ không phải việc hơn thua nhau trong cách cư xử.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]