Chứng Rối Loạn Tâm Lý Hậu Chấn Thương Căng Thẳng Ở Người Tị Nạn

Ts. Hoàng Dương

Chứng Rối Loạn Tâm Lý Hậu Chấn Thương Căng Thẳng (PTSD- Post-Traumatic Stress Disorder) là một loại bệnh thần kinh nghiêm trọng ảnh hưởng đến con người do trải qua nhiều biến cố kinh hoàng và khủng khiếp. Những trải nghiệm khủng khiếp có nhiều dạng khác nhau, từ việc là nạn nhân của tội ác bạo lực cho đến việc chứng kiến vụ sát nhân; từ việc là nạn nhân của thiên tai cho đến việc bị lạm dụng thể chất bởi người thân trong gia đình; từ việc là một hành khách trong một tai nạn máy bay cho đến một hoàn cảnh mà bạn nghĩ là bạn có thể bị sát hại, v.v. Đặc biệt đối với người tị nạn Việt và người sống sót trong trại “cải tạo”, hoặc vượt biển bằng thuyền nhỏ từ Việt Nam trong các chuyến vượt biên, đói khát, bị hải tặc hãm hiếp hoặc lạm dụng tình dục, bị tra tấn, thẩm vấn, đánh đập, bệnh tật, v.v., những sự kiện này có thể gây chấn thương tâm lý quá mức.

Các triệu chứng của PTSD

Người mắc chứng PTSD thường gặp ác mộng hoặc có ý nghĩ lo sợ về những trải nghiệm khủng khiếp mà họ đã trải qua và họ sẽ cố gắng tránh né bất cứ điều gì gợi nhớ cho họ về các kinh nghiệm khủng khiếp của mình. Thỉnh thoảng, các nạn nhân của PTSD có thể cảm thấy tức giận và không thể tin tưởng người khác. Họ có thể luôn luôn cảnh giác, đề phòng nguy hiểm và cảm thấy lo lắng, bồn chồn khi có việc gì đó xảy ra đột ngột. Hầu hết những người mắc chứng PTSD thường hồi tưởng lại biến cố gây chấn động của mình và có thể trải nghiệm sự căng thẳng tâm lý nghiêm trọng và giống như sống lại về mặt tâm lý khi tiếp xúc với các tình cảnh tương tự hay một khía cạnh nào đó của biến cố khủng khiếp. Các triệu chứng khác bao gồm tránh trò chuyện, bày tỏ cảm xúc hoặc nghĩ về sự cố đau thương, khó ngủ hoặc khó ngủ sâu, hay cáu gắt hoặc đột nhiên nổi giận, khó tập trung tinh thần, cảnh giác quá độ và phản ứng quá đáng.

Các cuộc nghiên cứu cho thấy nhiều người tị nạn Việt Nam và người sống sót trong các trại “cải tạo” sẽ thường xuyên bị các chứng lo âu, hoảng sợ với triệu chứng biểu hiện là dễ bị nhức đầu (kèm theo cảm giác hồi hộp, lo sợ) hoặc chóng mặt khi đứng lên (tuột huyết áp kèm theo cảm giác hồi hộp, lo sợ). Theo các cuộc nghiên cứu, các triệu chứng nhức đầu và tuột huyết áp có thể làm cho người tị nạn Việt Nam hồi tưởng lại những kỷ niệm có sẵn do những cảm giác tương tự mà họ đã trải qua trong các biến cố đau thương. Thỉnh thoảng, PTSD có thể được chẩn đoán cùng với chứng rối loạn ám ảnh không cưỡng lại được tê dại cảm xúc, rối loạn lưỡng cực, nghiện rượu, ma tuý, lánh xa, ít tiếp xúc hay xã giao, trầm cảm, và rối loạn tâm thần hữu cơ.

Thời Điểm Phát Bệnh PTSD

PTSD có thể phát sinh ngay sau biến cố đau thương và tiến triển đều đặn hoặc có thể tự cải thiện và sau đó tái phát. PTSD thường phát sinh trong vòng ba tháng sau khi xảy ra biến cố gây chấn động tâm thần. Đối với một số người, thời điểm phát bệnh có thể sớm hơn. PTSD có thể xảy ra đối với mọi người ở mọi lứa tuổi. Một số người hồi phục trong vòng sáu tháng; những người khác có thể mắc bệnh trong khoảng thời gian dài hơn.

Điều Trị

Cách điều trị thường bao gồm tâm thần dược học kết hợp với liệu pháp tâm lý. Các cuộc nghiên cứu chính yếu cho thấy Liệu Pháp Tập Tính Nhận Thức (Cognitive Behavioral Therapy) là định hướng lý thuyết thực nghiệm tốt nhất để điều trị PTSD. Hậu Chấn Thương Căng Thẳng không còn là một chứng bệnh huyền bí nữa mà là một sự lo âu chúng ta trải qua bởi những chấn thương tâm lý trong quá khứ. Có rất nhiều nghiên cứu chứng minh rằng những ai có PTSD sẽ có nhiều cơ hội hồi phục nhưng điều trở ngại là họ không tìm đến chuyên gia để được điều trị. Là một nhân viên tâm lý trị liêu, tôi hiểu được sự lợi ích của mức trị liệu như thế nào và tôi kêu gọi những ai đang trong sự căng thẳng của PTSD, hãy tìm điều trị để giúp bản thân mình và những người thân yêu chung quanh.

Văn phòng BPSOS tại Falls Church, Virginia có dịch vụ tư vấn miễn phí (Funded by ORR-Office of Refugee) cho những vị cao niên trong tình trạng PTSD và mọi phục vụ sẽ được bảo mật.

Nguồn tài liệu trích dẫn

- Hiệp Hội Bệnh Tâm Thần Hoa Kỳ, Chẩn Đoán và Sách Thống Kê Rối Loạn Tâm Thần, 2000. (American Psychiatric Association, Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, 2000.)

- Hinton, D. E., Chau, H., Nguyen, L. Nguyen, M., Pham, T., Quinn, S., et al. (2001). Rối loạn lo âu ở người tị nạn Việt Nam có khám bệnh tâm thần: Mức độ phổ biến và các phân nhóm. Bệnh Viện Đa Khoa Tâm Thần, 23, 337-344. (Vietnamese refugees attending a psychiatric clinic: Prevalence and subtypes. General Hospital Psychiatry, 23, 337–344.)

- Hinton, D. E., Pham, T., Chau, H., Tran, M., & Hinton, S. D. (2003). “Ký Ức Ám Ảnh” và chứng lo sợ thời tiết thay đổi ở người tị nạn Việt Nam. Tâm Thần Học Liên Văn Hoá, 40, 342–376. (“Hit by the wind” and temperature-shift panic among Vietnamese refugees. Transcultural Psychiatry, 40, 342–376.)

- Hinton, D. E., Pham, T., Tran, M., Safren, S. A., Otto, M. W., & Pollack, M. H. (2004). CBT dành cho người tị nạn Việt nam để điều trị chống chứng bệnh PTSD và chứng lo sợ: Cuộc nghiên cứu thí điểm. Tập San Căng Thẳng Chấn Thương Tâm Lý, 17(5), 429-433. (Vietnamese refugees with treatment-resistant PTSD and panic attacks: A pilot study. Journal of Traumatic Stress, 17(5), 429-433.)

- Matkin, R. E., Nickles, L. E., Demos, R. C., & Demos, G. D. (1996). “Ảnh hưởng văn hoá đối với sự biểu hiện triệu chứng ở người vùng Đông Nam Á được chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương.” Tập San Tư Vấn Sức Khoẻ Tâm Thần, 18(1), 64-79. (“Cultural effects on symptom expression among Southeast Asians diagnosed with posttraumatic stress disorder. Journal of Mental Health Counseling, 18(1), 64-79.)

- Mollica, R. F., Mcinnes, K., Pham, T., Smith, F., Mary, C., Murphy, E., et al. (1998). Mối liên hệ liều lượng tác dụng giữa việc bị tra tấn và bệnh tâm thần ở các cựu tù nhân chính trị Việt Nam và một nhóm so sánh đối ứng. Tập San Thần Kinh và Bệnh Tâm Thần, 186,543–553. Học Viện Sức Khoẻ Tâm Thần Quốc Gia (The dose–effect relationship between torture and psychiatric symptoms in Vietnamese ex-political detainees and a comparison group. Journal of Nervous and Mental Disease, 186,543–553.)

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]