Một Góc Đời Tị Nạn

Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích

Vợ chồng tôi và bốn đứa con qua Mỹ theo Chương Trình Tái Ðịnh Cư Cựu Tù Cải Tạo Ðợt HO8. Vì là diện “đầu trọc”, không có bạn bè thân nhân bảo lảnh, nên được phân bổ đến tiểu bang còn thưa dân của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ: Arizona. Hội thiện nguyện đón gia đình tôi tại Phi Trường Phoenix và đưa đến ở trong căn apartment hai phòng, cách thủ phủ của tiểu bang ba mươi phút lái xe.

Nhờ theo mấy khoá luyện Anh ngữ trước khi ra đi, nên con tôi đứa nào cũng bập bẹ được tiếng Mỹ. Chỉ qua vài ngày “nhập gia” là chúng nó kết bạn với một nhóm Mỹ con cùng dãy chung cư. Mấy hôm sau, cả đám tự động mang đến nhà tặng chiếc TV màu chín inches còn tốt. Con tôi mừng như được trúng số.

Ngày còn ở Việt Nam, cha mẹ không sắm nổi truyền hình dù là loại rẻ tiền đen trắng, nên hàng đêm chúng phải qua nhà láng giềng xem ké. Phiền một nỗi là ông cán bộ cằn nhằn mang bụi đất vào làm dơ cái nền nhà tráng cement mà ông lau chùi hàng ngày lên nước láng bóng. Hai đứa con nhỏ ông đưa từ Hà Nội về cứ để lưng trần nằm lăn trên nền mà ngủ. Sau này, mỗi lần mở truyền hình là ông đóng chặt cửa lại.

Mục Sư Hồ là người Việt duy nhất đến thăm chúng tôi. Ông ngỏ ý chở cả nhà đi xem thủ phủ tiểu bang và đến vườn hái nho. Nghe được hái nho là lủ con tôi mắt sáng lên. Chúng vội vã vọt lên xe chẳng cần đợi mời lần thứ hai.

Sáu mạng người ngồi trong thùng phía sau xe truck có mui. Trên đường đi, gió nóng quạt vào mặt như đến gần ngọn núi lửa khiến tôi nhớ đến truyện Tây Du Ký, đoạn thầy trò Tam Tạng sắp phải băng qua ngọn Hoả Diệm Sơn, Tề Thiên Ðại Thánh phải mượn quạt ba tiêu của Thiết Phiến Công Chúa quạt cho tắt lửa để Ðường Tăng tiếp tục trên con đường thỉnh kinh. Mục Sư Hồ không có quạt ba tiêu nhưng xe ông có máy lạnh. Tiếc rằng máy lạnh của xe pickup chỉ dành trong phòng lái nên sáu đệ tử của ngài bị nhốt trong thùng sau xe mệt ngất ngư vì cơn nóng thiêu người.

Nắng tháng Tám nám trái bưởi ở Việt Nam, có nghĩa gì so với cái nóng không có độ ẩm của vùng sa mạc này. Mồ hôi bị bốc hơi ngay từ trong lỗ chân lông nên làn da khô khốc. Xe chạy về hướng Tucson, mất hơn một giờ thì rẽ vào đường tắt, cánh đồng nho hiện ra xanh ngút mắt.

Mục sư liên hệ với chủ nhà vườn, mỗi người nhận một con dao nhỏ và chiếc giỏ đựng nho. Lần đầu tiên trong đời, lủ con tôi mới nhìn thấy tận mắt những chùm nho chín mọng đong đưa trên cành. Tha hồ ăn và tha hồ hái. Người nào cũng cố hái cho thật nhiều mang về nhà bỏ tủ lạnh để dành ăn cho đã đời, ngàn năm một thuở mà! Tôi nghĩ thầm: “Người Mỹ rộng rãi thật, nho còn đẹp thế này mà đã cho vào hái mót.”

Thằng Út nhà tôi thích quá, vui như sáo. Bụng đói và khát mà được ở giữa vườn nho thì khỏi chê vào đâu. Nó ham hố ăn ngấu nghiến không ngừng nghỉ, những trái nho chín mọng, ngọt lịm cứ liên tiếp ngốn vào mồm. Ðược một lúc, bỗng cu cậu ôm bụng, mặt tái xanh, ngã quỵ xuống gốc nho, mắt trợn trừng. Ông mục sư hoảng hốt vội vàng vác nó lên vai định đưa vào phòng người coi vườn cấp cứu, chợt nó mữa thốc mữa tháo trên ngực áo ông, rồi từ trong quần shorts của nó chảy dầm dề phân lỏng, tuôn cả trên lưng áo của vị mục sư khả kính.

Sau khi ộc ra hết cả ký lô nho đã lên men trong dạ dày, cu cậu khỏe lại ngay. Tội nghiệp cho Mục sư phải đứng tắm ngoài trời bằng vòi nước tưới cây và mặc bộ đồ ướt lái xe về nhà.

Tập trung số nho của gia đình hái được là 30 pounds, tiền phải trả là 60 đô, chúng tôi nhìn nhau ngỡ ngàng. Mục Sư Hồ không nói rõ ràng là đi mua nho tự hái ngoài vườn, khiến chúng tôi cứ tưởng đi hái mót nho như ở quê nhà mót bắp, mót dưa. Hẳn nhiên là không có tiền để mua, nhưng bù lại, người nào cũng được đầy một bụng nho, chỉ trừ thằng Cu Út đã trả lại hết cho chủ vườn.

Với tấm lòng hào hiệp, Mục sư chi ra 10 đô-la mua nho biếu chúng tôi mang về. Vị chủ chiên đã “tốn than còn tan lưỡi cày!”

Hai tuần lễ sau, hội thiện nguyện giới thiệu vợ chồng tôi vào làm hãng may áo quần ở một thành phố khác, cách nhà nửa giờ chạy xe trên xa lộ. Nếu đi bằng xe bus phải qua nhiều trạm mất cả tiếng rưỡi đồng hồ.

Chán nản và thất vọng, tôi không còn tinh thần để lập nghiệp trên vùng đất khô cằn đầy những cây xương rồng và khí hậu khắc nghiệt này.

Dò la tin tức, tôi biết được một số bạn bè đi trước đã đến đây rồi bỏ đi. Tình cờ nhặt được một lá thư viết dở dang trong ngăn kéo bàn học, tôi giật mình nhận ra người gởi là Phan Anh Tuấn HO7, bạn cùng quê sang đây trước tôi hai tháng. Trong thư anh báo cho thân nhân sẽ bỏ tiểu bang này sang Florida. Theo ngày tháng trong thư, Tuấn rời khỏi căn apartment đúng một tuần lễ trước khi tôi tới. Như vậy, gia đình tôi là kẻ kế thừa căn nhà anh thuê nửa chừng.

Tôi như người ở giữa đại dương mênh mông, bát ngát chẳng biết hướng nào tìm. Một hôm, bất ngờ tôi bắt gặp trong cuốn sổ tay có ghi số phôn của Huỳnh Thị Phương Thanh là bạn học với em gái tôi hồi còn ở quê nhà. Hiện giờ gia đình Thanh đang định cư tại Miền Bắc Tiểu Bang California. Nhờ điện thoại của gia đình thằng Mỹ con, tôi liên lạc ngay và may mắn gặp được cả hai vợ chồng. Họ hứa sẵn sàng giúp đỡ, nếu gia đình tôi di chuyển đến thành phố San Jose. Như người sắp chết đuối chụp được phao, chúng tôi mừng vô hạn.

Ông Mục Sư Hồ rất cảm thông sự khó khăn của gia đình tôi ở cái đất “khỉ ho cò gáy này”. Và chính ông đã giúp tôi hoàn thành ý nguyện đi tìm một vùng đất khác. Phương tiện di chuyển là loại xe bus xuyên bang. Ðúng hai mươi ngày kể từ khi đặt chân trên miền đất cực nam nước Mỹ, chúng tôi lại gánh gồng hành lý lên xe bus Greyhound thẳng đến quận hạt Santa Clara nằm về hướng tây bắc Hoa Kỳ.
Vượt gần hai ngàn kílômét, qua một ngày một đêm, chuyến xe bus sau cùng đến thành phố San Jose vào trưa Chúa nhật. Vợ chồng Thanh đã có mặt lúc xe vừa cập bến, chúng tôi mừng rơi nước mắt.

Căn nhà Thanh biệt lập, có rào gỗ chung quanh gồm năm phòng rộng rãi. Chủ nhà dành cho gia đình tôi một phòng trên lầu ở tạm, đợi đến ngày đầu tháng sẽ dọn vào một căn apartment hai phòng do người cậu của Thanh đứng tên mướn hộ.

Chỉ còn một ngày nữa là chúng tôi dọn đến căn nhà thuê, bỗng người cậu báo tin chủ apartment huỷ bỏ hợp đồng mướn nhà với lý do gia đình sáu người không thể ở hai phòng.

Tôi vô cùng lúng túng. Thời gian ở đậu nhà Thanh không thể lâu hơn được nữa, mà tìm mướn nhà khác thì phải chờ đầu tháng sau. Lục tìm cầu may trong báo Việt ngữ mục nhà cho thuê, may mắn tôi phát hiện một căn apartment hai phòng còn trống, Thanh vội vàng điện thoại hẹn người quản lý cho tôi đến xem nhà.

Từ Thành Phố Milpitas đến San Jose, tôi và thằng con trai lớn thay nhau chở trên chiếc xe đạp đòn dông không có ba-ga gắn phía sau. Người địa phương nhìn cha con tôi ôm nhau trên chiếc xe đạp với cặp mắt kinh dị. Ðối với họ, có lẽ đây là hiện tượng lạ lùng đầu tiên mà họ mục kích. Chúng tôi vô tình đùa cợt với luật lệ đi đường ở Mỹ và gây khó chịu cho những người kỳ thị giới đồng tính luyến ái.

Chúng tôi di chuyển như thế nhiều lần trên những con đường tấp nập xe hơi mà chưa lần nào gặp cảnh sát và cũng may mắn là không chạy lạc ra ngoài freeway. Sau này có ông bạn HO, còn chân ướt chân ráo như tôi, đi xe đạp bên rìa xa lộ bị gió cuốn hút ra giữa đường, dòng xe cán nát thân thể ông còn chiếc xe đạp bị văng trở lại vào lề đường.
Khu nhà apartment nằm gần đường Senter, phía sau là con suối cạn. Người thuê trước vừa dọn đi cách một  ngày. Chúng tôi quyết định mướn căn apartment hai phòng này với giá 650 đô-la mỗi tháng. Tiền deposit cũng 650 đồng được ông chủ nhà là một bác sĩ Việt Nam cảm thông cho khất lại tháng sau mới nộp.

Không chờ đợi chủ nhà quét dọn, sơn sửa mà vợ chồng, con cái tôi tự chà rửa phòng tắm, vách tường và bếp núc, chỉ yêu cầu chủ nhà kêu thợ giặt thảm mà thôi.

Ðêm đầu tiên vợ chồng tôi ở lại căn nhà mới thuê. Hai căn đối diện dảy nhà tôi đều là người Việt. Bà Chín Nam Bộ mang biếu chúng tôi một tấm đắp cũ. Ông Bang Bắc Kỳ 54 cho bốn gói mì ăn liền, hai cái chén và hai đôi đũa. Ðược sự giúp đỡ trong cơn túng quẫn, lòng chúng tôi vô cùng cảm kích và củng cố thêm lập trường người Việt mới tị nạn chọn tiểu bang có đông đồng hương là cần thiết.

Ðêm đó, vợ chồng tôi ôm nhau ngủ trên sàn nhà với tấm đắp vừa làm chiếu vừa làm mền, cuộn tròn như cặp sâu trong trái kén mà xót xa nhớ về quê hương. Trước khi qua Mỹ, chúng tôi không ngờ lại có những ngày tháng gian truân đến thế.

Người mới đến định cư cảm thấy đỡ cô đơn nhờ vào những nơi tập trung thường xuyên của đồng hương, như địa điểm cà phê bình dân ở trong khu chợ Senter, có tên rất thời thượng: Quán Cà-phê HO. Nơi đây được coi là đất tụ hội để tìm gặp bạn bè cũ, để học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, để được giới thiệu các loại dịch vụ cần thiết như bán xe, mua xe... và để biết tin tức ở quê nhà.

Một hôm, tôi đạp xe lần mò tìm đến cà phê HO. Một quán giải khát bình dân đúng nghĩa, bàn ghế đơn sơ, khách hàng mộïc mạc, đậm đà tình quê hương. Kêu ly cà phê đen ngồi nhâm nhi trong một góc, tôi nghe rầm rì những mẩu đối thoại với nhau:

- “Này, đằng ấy còn nhớ thằng H. không? Nó tù cùng trại với bọn mình đó. Vợ nó vượt biên qua Mỹ hồi năm 82. Vừa rồi nó qua đợt HO 5, nghe nói ngày H. tới phi trường, cô vợ đến chúc mừng và trao cho nó một phong bì đựng 500 đô-la rồi quay lưng thản nhiên bước lên chiếc xe lộng lẫy có người chồng mới ngồi chờ sau tay lái. Lòng H tê tái. Một khắc sau, người đại diện hội thiện nguyện mời H. lên xe. Nhìn cảnh vật qua màn lệ mà H. tưởng bầu trời Mỹ quốc phủ lớp sương mờ.

- “Sao chuyện xảy ra giống tiểu thuyết quá vậy. Ông qua đây lâu rồi mà có nghe tin tức gì về thằng R.  cùng phố với bọn mình không?”

- “Trên đất nước mênh mông này mà cậu tưởng như ở ngã ba Long Khánh của cậu đấy. Nó đi HO mấy?”

- “HO 6, ở quê mình đồn reo về chuyện vợ nó mới qua Hoa Kỳ chưa đầy năm mà đã bỏ chồng, bỏ con theo thằng triệu phú da đen.

- “Ôi, cứ tưởng bở, bộ Mỹ nó khoái mấy bà vợ đói cơm lâu ngày từ cái đất nước sống trên rẫy bắp, đồi sắn sao? Ðó chẳng qua là đòn tuyên truyền của VC bôi xấu anh em HO mình đấy. Cậu nhớ hồi bọn mình còn trong tù, mấy anh Vẹm áo vàng tuyên bố: “Số đàn bà con gái chạy qua Mõỹ bị “bè lũ đế quốc” dồn vào một nơi làm điếm cho lính GI. Mấy anh chồng đau quá, kéo nhau biểu tình đòi trả về Việt Nam, nhưng Ðảng và nhà nước ta đâu có chịu nhận...”

Bỗng, bàn bên kia tiếng vỗ tay nổi lên đôm đốp, ông bạn đang nói chuyện vội cầm ly cà-phê chạy vụt qua đó thu thập tin tức. Lát sau, quay về anh tường thuật lại:

- “Anh chàng mặc áo xanh ngồi quay lưng là dân HO mới tới, hắn kể chuyêïn ngày “Liên Xô Vĩ đại” sụp đổ. Buổi họp hàng đêm của hợp tác xã, bỗng dưng, lần đầu tiên anh được “đồng chí” chủ nhiệm mời lên ghế ngồi, anh từ tốn thưa: “Cho tôi được ngồi dưới đất như từ bao lâu nay, ngồi trên ghế không quen có ngày bị ngã.”

Và một buổi sáng nọ,ï tên công an xã đột ngột đến nhà vồn vã mời anh thuốc hút, lại là hiện tượng lạ, thay vì chờ đợi bà vợ anh chạy sang quán bên kia đường mua vài điếu có cán mời cán bộ. Anh công an than thở:

- “Mình vì cuộc sống, chứ làm cái ngành này bị đồng bào hiểu lầm rồi thêm thù ghét.
Anh bạn “chơi” ngay:

- “Dân hiểu lầm, đến khi họ biết họ hiểu lầm thì họ... bỏ sót, có sao đâu”! Anh bạn mượn câu “Giết lầm hơn bỏ sót” để nói kháy tên công an.

Như thế đấy. Lần đầu tôi đến thăm tiệm cà phê HO, quả thật tiếng đồn không sai. Nơi đây được mệnh danh là “Hãng thông tấn Senter”.

Nhờ người bạn mới quen tại quán cà phê HO giới thiệu cho tôi ông thầy “dạy lái xe tư gia”.Với giá giúp đỡ người đồng hương, ông thầy lấy công 250 đô tập cho từng người, đến khi đậu được bằng lái.

Sau khi đưa cha con tôi đến DMV thi lấy bằng viết, ông cho thực tập ngồi sau tay lái, mỗi ngày vài tiếng đồng hồ trong vòng một tuần lễ. Thằng con lớn của tôi thi lần đầu là đậu ngay. Riêng tôi đã từng lái xe dodge, xe jeep gần chục năm trong quân đội thế mà qua lần thứ năm mới pass. Ông thầy dạy lái với khuôn mặt thảm nảo bắt tay tôi. Ông bảo: “Không phải chúc mừng anh đậu mà chúc mừng anh khỏi phải ghi tên vào trường dạy lái chính thức.”

Luật thi lái xe ở Cali, cứ ba lần thi lái không đậu phải thi lại bằng viết và tiếp tục thi ba lần nữa. Thấy tay lái quá yếu, vị chủ khảo có thể bắt buộc thí sinh phải ghi tên học tại trường lái xe chuyên nghiệp. Hú hồn, nếu không, tôi phải mất bộn tiền và tốn thêm thời gian để tiếp tục học lái xe tại trường.

Trước khi từ giã, tôi bắt tay ông thầy dạy lái, không phải ngỏ lời cảm ơn mà chúc mừng ông thoát được “của nợ” đã hành ông mất bảy lần lui tới nha lộ vận. Nhờ kinh nghiệm chua chát về tôi mà sau này ông thầy tăng tiền dạy lái gấp đôi cho ông HO nào tự xưng mình lái xe lâu nhất và hay nhất ở Việt Nam.

* * *

Vợ tôi được bà láng giềng giới thiệu học nghề nấu ăn trên xe lunch, một phương tiện bán thức ăn lưu động tại các hãng xưởng. Sáng sớm bà chở giúp nhà tôi đến hãng IFCO, chiều về chịu khó lên xe bus. Dù học nghề, nhưng được chủ trả 30 đô mỗi ngày. Cuối ngày phải rửa xe, lau chùi các tủ kính, bếp nấu, tính ra còn khổ hơn người thợ chính. Lương trả cho cook chính mỗi ngày 80 đô, khi xe về đến bến là cook thảnh thơi lái xe về nhà.

Vợ tôi làm suốt mười hai tiếng đồng hồ trên xe lunch, đã nhọc mệt mà chiều về còn phải đứng ngoài trời lạnh đón xe bus qua hai ba trạm. Vì vậy, tôi nghĩ đến chuyện mua xe, một mặt đưa đón vợ, một mặt cho con tôi có phương tiện đi làm. Một hôm, bất ngờ tôi nhận được thơ của Trần Chung, một thuộc cấp cũ gởi thơ thăm và có nhã ý lấy vé máy bay mời chúng tôi qua tham quan vùng Houston, nơi anh có ngôi chợ bán seafood. Anh còn đề nghị tôi nên chuyển gia đình qua vùng đó ở, anh sẵn sàng giúp đỡ “ông thầy”.
Ðược tin đó, vợ chồng cô Thanh góp ý kiến là thay vì ông bạn cho tiền mua vé máy bay khứ hồi từ Cali sang Texas, chỉ xin họ cho mượn 2000 đô-la để mua chiếc xe, hầu có phương tiện cho cả nhà đi lại, rồi trả góp từng tháng một. Bà chủ chợ Trần Chung là bạn cùng quê với vợ tôi, ông chồng là nhân viên của tôi khi chưa mất nước, cả hai đều thân tình cả. Họ qua đây từ năm 79, có mấy cơ sở làm ăn vững vàng ở Houston . Nghe lời góp ý của Thanh, chúng tôi “hồ hởi” gọi điện thoại ngay.

Cú phôn xuyên bang đối với gia đình đang ăn trợ cấp cũng xót xa lắm. Bà chủ chợ nhận điện thoại, nghe tiếng vợ tôi, bà vui mừng rối rít. Bà hỏi thăm đủ người, nào là bà nội ông ngoại, các bà dì ông dượng của bà ấy rồi đến láng giềng, cả cái nhà thờ của ông chồng để lại cho đứa cháu kêu bác ruột có sửa sang đẹp đẽ không, ngày chạp mả hàng năm đều gởi tiền về mà nó tổ chức có rình rang không? Chờ cho bà bạn cũ nghỉ lấy hơi, vợ tôi mới dám mở lời mượn tiền mua xe. Bà bạn bảo:

- “Ồ tiếc chưa, phải chi gia đình bồ qua đây trúng mùa xuân, lúc ấy chợ mình đông khách hàng lắm, gặp mùa này chợ nào cũng ế ẩm cả. Ðể mình hội ý với ông xã rồi trả lời bồ sau. Phôn cúp, mất trọn một giờ gọi long-distance, nhưng niềm hy vọng chỉ còn năm mươi phần trăm ở người chồng.

Nhà tôi thao thức chờ đợi tiếng phôn “độ trì” từ thành phố Houston, nhưng vẫn im re. Tôi nghĩ có thể bạn mình bận rộn công việc ở chợ nên đã quên khuấy lời khẩn khoản của vợ mình. Vì vậy, tôi đánh liều gọi điện qua để được trả lời dứt khoát. Lần này tôi không nghe giọng líu lo của vợ chồng bạn tôi mà chỉ nghe tiếng nói chắc nịch của tổng đài báo cho biết số điện thoại đó không xài nữa.

Vợ chồng Thanh sống trong xã hội Mỹ đã mười năm mà đưa ý kiến mượn tiền là đùa cợt trên sự đau khổ của người chưa am tường đời sống thực tế ở đây. Không biết nên trách người hay tội nghiệp cho bản thân mình. Vợ tôi nước mắt đầm đìa, khóc vì tủi phận.
Bà kể lể: “Ngày trước nó đi buôn quân tiếp vụ bị quân cảnh hốt, chạy tới trường mình đang dạy đòi mượn tiền, phải bỏ lớp về nhà vét sạch đưa cho nó, giờ trong cơn túng quẫn nơi quê người nó lại làm ngơ”.

Tôi sùng máu nạt vợ:
- “Bà có điên không mà kể lể ngược đời. Hồi đó bà cho nó mượn nhiều lắm là năm chục ngàn, còn ở đây hai ngàn đô-la tính ra trên hai mươi triệu đồng Việt Nam đó, sợ bà mới qua không trả nổi nên người ta làm lơ là đúng thôi”.

Bà chủ xe lunch muốn giữ vợ tôi làm với bà lâu dài nên cho chúng tôi mượn 1050 đô mua chiếc xe Supra hai cửa, đời 81 bị tông móp bên hông tay lái. Con tôi chê xe bị tai nạn trốc sơn loang lổ. Tôi giải thích:

- “Giai đoạn đầu khó khăn, mình cần xe đi, đâu cần xe đẹp. Người ta nói hiệu xe này bền lắm, đi cả chục năm nữa vẫn còn tốt chán, vả lại, nó vừa với túi tiền của gia đình mình”.
Nghe tôi sắm xe, nhiều người khuyên mới có bằng lái phải mua bảo hiểm hai chiều. Nghe rồi chỉ ậm ừ chứ tôi biết cóc gì về chiều với hướng. Sau khi làm xong thủ tục ở cơ quan lộ vận, tôi vội đến văn phòng bảo hiểm của ông chủ người Việt, nguyên là bạn học với vợ tôi. Vị chuyên viên đầy kinh nghiệm này khuyên tôi chỉ nên mua insurance một chiều rưỡi thôi, lý do xe cũ và tiết kiệm tiền. Anh giải thích: “Bảo hiểm chiều rưỡi là khi xe anh tông xe người ta thì hãng bảo hiểm của tôi sẽ bồi thường cho xe phía bên kia và nếu xui xẻo xe người khác đụng xe anh mà xe họ không mua insurance, thì bảo hiểm của tôi sẽ đền cho anh”. Tôi đồng ý.

Tính tới tính lui trên máy điện toán, anh bạn kéo ra tờ giấy dài như lá sớ. Phần tổng cộng một năm bảo hiểm phải đóng 1250 đô. Chân tay rã rời, tôi thì thào bên tai vị chuyên viên bảo hiểm: “Tiền mua chiếc xe có 1050 đô, sao bảo hiểm tới 1250 đô”? Anh ôn tồn giải thích:

- “ Hiệu Supra là loại xe thể thao, cha con anh mới có bằng lái và cậu con trai hai mươi hai tuổi, đó là ba yếu tố khiến tiền mua bảo hiểm phải cao. Tuy nhiên, không phải đóng một lần mà có thể đóng từng tháng một  cộng thêm tiền lời.” Tôi ôm đầu ra về thông báo với bà xã. Ngày hôm sau nhà tôi mượn về 150 đô-la đóng tháng bảo hiểm đầu tiên.
Buổi sáng, tôi đưa vợ đi làm từ lúc bốn giờ, rồi vội vã quanh về cho hai con lớn đi làm hãng điện tử. Cái job điện tử nghe kêu thật. Ông bà ngoại đọc thơ thấy cháu mình mới qua Mỹ mà sao học hành giỏi quá, chưa được bao lâu mà đã đạt được cái nghề điện tử! Một giờ 3 đô, ngày làm tám tiếng vị chi là 24 đô. Một tháng hai mươi ngày tính ra làm được 480 đô chưa trừ thuế. Ông bà ngoại bên nhà nhẩm tính lương mỗi đứa cháu hàng tháng gần năm triệu bạc Việt Nam. Con gái, chàng rể rồi đây sẽ giàu to ở xứ người, ông bà mừng rơn đi khoe cùng bà con láng giềng.

Giàu đâu chưa thấy, nhưng tiền trợ cấp vừa đúng sáu tháng là bị cắt bớt, chỉ còn cái check 650 đô với 108 đồng food stamps cho mỗi tháng dành cho cha mẹ và đứa con út dưới mười tám tuổi.

Từ ngày về đây, gia đình tôi ở tầng lầu, tầng dưới vắng vẻ không người ở, nhưng đêm đến lại thường nghe tiếng khua động. Những tiếng cộp cộp, bình bịch như có người đục vách, tiếng lào xào như tiếng nước chảy.

Vợ tôi thầm thì : “Ma ông à”.

Tôi áp nạp: “Ngủ đi, mai còn đi làm, thợ sửa nhà đấy. Ở Mỹ nguời ta làm việc đâu kể ngày đêm.”

Lâu ngày rồi cũng quen tai, vả lại, những tiếng động đó cũng không xảy ra thường xuyên.
Buổi sáng đi làm sớm, chúng tôi hay bắt gặp cặp nam nữ thiếu niên người Á đông ngồi ôm nhau trên ban-công tầng gác đối diện.

Bà xã tôi thắc mắc: “Con nhà ai mà trốn cha trốn mẹ yêu đương sớm thế ?”

Sáng nay như thường lệ, đúng bốn giờ sáng là tôi phải chở vợ đi làm. Xe vừa ra khỏi đường hẻm, chợt một cảnh sát mặc sắc phục chận lại. Ông ra lệnh vợ chồng tôi ra khỏi xe, đồng thời đưa hai tay lên đầu. Họ đẩy chúng tôi úp mặt trên nắp ca-pô xe, rồi bắt đầu lục soát trên người, trong xe. Xong, họ chụp hình cả người lẫn xe. Sau cùng họ hỏi chúng tôi đi đâu. Câu trả lời rất rõ ràng của tôi là đi làm. Ông ta khoát tay bảo lên xe, không cho bật đèn sáng. Ra khỏi khu vực, chúng tôi mới thấy xe cảnh sát đậu rải rác trên những con lộ gần khu chung cư của chúng tôi ở.

Khi tôi quay về, mọi người trong khu chung cư hầu như đều thức dậy, kẻ đứng lấp ló trong cửa, người ra hẳn ngoài sân, mắt hướng về căn apartment của tôi. Cảnh sát mặc thường phục đang lục soát tầng dưới nhà, một số khác, vũ khí cầm tay xục xạo dọc theo con suối cạn.

Ông Bang láng giềng đang đứng hút thuốc trước mái hiên ngoắc tôi lại nói nhỏ vào tai: “Một ổ cướp có súng, khiếp thật. Chúng nó đục vách nhét hàng điện tử lấy trộm được, khoét sàn bên trong tủ đựng áo quần bỏ cả vũ khí vào trong đó. Tôi đếm được mười thằng, toàn dân Á châu bị còng liệng lên xe, nghe đâu một thằng chạy thoát. Cặp trai gái thường ôm nhau ngồi trên ban-công lúc về sáng cũng có mặt trong số đó. Hàng điện tử chúng cướp ở đâu mà nhiều đến khiếp, chất đầy một xe van, vậy mà chưa hết, cảnh sát còn tiếp tục tháo vách lục tìm.”

Tôi thật sự bàng hoàng. Từ chỗ ngạc nhiên đến lo sợ. Mấy tháng trời sống trên hang kiến lửa mà chẳng hay biết gì cả. Xế trưa, một cảnh sát Mỹ gốcViệt đến nhà tôi.

Ông ấy hỏi: - “Cái nhóm băng đảng ở tầng dưới hoạt động đã gần một năm rồi mà gia đình ông không hay biết gì sao?”

Tôi trung thực trả lời: -“Chúng tôi là những người tỵ nạn mới sang, thuê căn nhà này chưa đầy bảy tháng.”

Ông cảnh sát nhìn tôi một chặp lâu như để dò xét rồi tiếp tục tra vấn:

-“Bảy tháng sống ở đây, ông không phát hiện được một hiện tượng nào khác lạ?”

Tôi thẳng thắn: -“Chúng tôi bận rộn suốt ngày, hết chỗ làm part time rồi đến trường học, thì giờ đâu mà để ý đến những sinh hoạt của người khác.”

Khi ông cảnh sát đi rồi tôi mới giật mình. Tay này nghi mình bao che hoặc tiếp tay cho bọn cướp. Trái lại bọn cướp nhìn tôi như là mật báo viên. Hang ổ bị phá vỡ, tự nó đã chĩa mũi dùi vào kẻ ở tầng trên. Ðúng là một cổ hai tròng! Chiều tối cùng ngày, lực lượng FBI lại đột nhập vào căn gác đối diện nhà tôi, bắt thêm được ba tên nữa và tịch thu ba khẩu súng ngắn.

 Ðêm đó, tôi bàn với vợ và hai đứa con lớn là phải dọn nhà đi gấp, chần chờ là chúng đến nhà “phơ” hết cả đám. Ðồng đảng chắc chắn sẽ nghi gia đình mình mật báo cho lực lượng an ninh hành tung của chúng. Nghe tôi phân tích, mọi người đều sợ xanh máu mặt.
Chỉ trong vòng hai ngày là chúng tôi lặng lẽ dọn nhà không báo trước. Ra đi âm thầm trong đêm, bỏ lại tất cả những vật dụng nặng nề, bỏ cả tiền deposit, nghĩa là bỏ của chạy lấy người.

                * * *
Mấy tháng sau, nhân cuối tuần, tôi ghé vào quán cà-phê HO để kiếm tờ báo Việt ngữ, bất ngờ gặp người bạn láng giềng hồi ở apartment của ông bác sĩ. Ông Bang bắt tay tôi mừng rỡ, nói:

- Ông may mắn thật.

- Chuyện gì thế? Tôi ngạc nhiên hỏi.

Bang thì thầm:

“Ông dọn nhà đi là có cặp vợ chồng già và đứa cháu nhỏ đến mướn ngay. Người vợ bị bệnh thần kinh tê liệt. Ông biết không, đúng một tuần lễ, vào nửa đêm, bọn chúng xông vào căn gác ông ở cũ gặp người mướn mới, hỏi ông chồng:

- Các người mướn nhà này bao lâu?

- Chúng tôi đến đây chưa đầy tuần lễ, ông cụ trả lời.

- Mấy người có biết gia đình người mướn trước dời đi đâu không?

- Già cả lại bệnh hoạn, tụi tôi làm sao biết được.

Chúng kéo bà lão tê liệt rớt xuống sàn nhà, giật tấm đắp xem mặt thằng nhỏ đang ngủ, mở cửa tủ áo quần lục soát, xong chúng nhìn mặt từng người trong nhà một lần chót rồi vội vã ra xe đang nổ máy chờ.

Sáng hôm sau ông già kể lại cho hàng xóm nghe sự việc đêm qua mà chẳng biết chuyện gì đã xảy ra trước kia trong nhà ông đang ở.”

Ông Bang nhìn tôi với ánh mắt như ngưỡng mộ một vị anh hùng, tiếp: “Bà con cả khu apartment đều phục ông là người can đảm. Nói không phải chỗ xin ông bỏ qua cho, chỉ có người cộng tác viên gan lì như ông mới dám đưa gia đình đến sống trà trộn với bọn cướp. Mà phải có người như ông may ra xã hội này mới diệt hết được những băng đảng tội phạm. Từ ngày tiểu trừ được bọn cướp, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm và luôn luôn nhớ ơn ông.”

Nghe đến đó, tôi sợ tháo mồ hôi. Chính những người bạn láng giềng còn nghi tôi là người của FBI, huống hồ bọn cướp làm sao nghĩ khác đi được! Và tôi tự nhủ sẽ không bao giờ trở lại cái khu “Thông Tấn Xã Senter” này nữa. Ðến đấy biết đâu, chẳng có ngày mang họa vào thân!

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]