- Nỗi khốn cùng của đồng bào và các thiên thần phù trợ
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 26 tháng 11, 2017
Mấy ngày nay nhiều người liên lạc với tôi và ngỏ ý muốn giúp chị Nguyễn Thị Tuyết Nga sau khi đọc bài viết của anh Nam Lộc: “Đoạn Trường Tuyết Nga có thua gì Đoạn Trường Tân Thanh?”. Thật tuyệt vời, tấm lòng nhân ái của những người Việt trong thế giới tự do. Chị xứng đáng để được cưu mang vì là hiện thân cho những mất mát vô bờ bến mà gia đình của những chiến sĩ bảo vệ miền Nam tự do đã phải gánh chịu.
Chỉ vài ngày nữa thôi chị sẽ ở trong vòng tay bảo bọc của cộng đồng, chấm dứt 42 năm đoạn trường. Tôi mừng cho chị, chúng ta mừng cho chị. Nhưng tôi không khỏi ái ngại cho gần 2 nghìn đồng bào xin tị nạn khác còn kẹt ở Thái Lan, và mong rằng người Việt ở hải ngoại sẽ cùng chúng tôi bảo vệ và giúp đỡ họ; nhiều cảnh đời của họ cũng bi thương lắm.
Không thể khổ đau hơn
Chào đời năm 1970, Tuyết Nga, con của một sĩ quan mũ đỏ. Năm 2 tuổi, Tuyết Nga mất cha trong mùa hè đỏ lửa. Bất hạnh nối tiếp bất hạnh. Gia đình 3 mẹ con bị đuổi đi kinh tế mới ngay sau khi miền Nam thất thủ. Chẳng bao lâu sau sau, mẹ chết đuối và anh trai, chỉ hơn Tuyết Nga vài tuổi, chết vì đói và sốt rét. Một gia đình hàng xóm động lòng đã đem đứa bé gái mồ côi về nuôi.
Năm 1982, Tuyết Nga, lúc ấy 12 tuổi, theo gia đình nuôi sang lánh nạn ở Campuchia. Năm 1987 trên đường vượt biên sang Thái Lan, họ lạc mất Tuyết Nga. Bơ vơ một mình ở tuổi 17, cô bị nhóm lính Khmer Đỏ bắt và đưa lên đảo nơi đóng quân. Họ thay phiên nhau hãm hiếp cô gái Việt. Tuyết Nga mang thai và sinh con gái. Dù đang có con nhỏ, Tuyết Nga tiếp tục bị hãm hiếp bởi lính Khmer Đỏ.
Năm 1992, Tuyết Nga dắt con gái 2 tuổi trốn sang Thái Lan với hy vọng vào được trại tị nạn dánh cho thuyền nhân. Nhưng 2 mẹ con đã bị bắt cóc bởi một tổ chức hành khất. Họ bắt 2 mẹ con đi ăn xin. Sau một năm, Tuyết Nga bế con đi trốn nhưng bị một nhóm người lạ chặn bắt giữa một cánh đồng. Họ tạt át-xít vào chị và bắt đi mất đứa con gái 3 tuổi. Tuyết Nga bị mù cả đôi mắt và mặt trở thành dị dạng.
Chị Tuyết Nga tại căn phòng sống tạm do Cao Uỷ Tị Nạn LHQ sắp xếp