- Người tị nạn ở Thái Lan gửi lời tri ân đồng bào ở hải ngoại
Mạch Sống, ngày 6 tháng 10, 2023
Anh D, 38 tuổi, cùng vợ là M, 31 tuổi, có 4 người con 12 tuổi, 11 tuổi, 4 tuổi và 3 tuổi cùng với 2 người cháu 19 tuổi và 18 tuổi sẽ lên đường đến Minneapolis, Minnesota ngày 25 tháng 10 này.
Quê quán ở Sa Lông, Mường Chà, Điện Biên, Việt Nam, gia đình này đã được Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) công nhận tư cách tị nạn nhờ sự can thiệp pháp lý của các luật sư do BPSOS tài trợ từ những đóng góp quý báu của đồng hương người Việt trong nhiều năm qua.
Anh D sinh ra và lớn lên trong gia đình theo phong tục thờ cúng tổ tiên. Bản thân anh D là một giáo viên từ năm 2010 đến năm 2017. Năm 2015, gia đình anh tin và theo Chúa. Từ đó họ bắt đầu những ngày tháng khổ ải do bị sách nhiễu, đe dọa liên tục bởi chính quyền.
Năm 2016 anh D quyết định tham gia vào hoạt động bảo vệ những tín đồ Tin Lành sắc tộc Hmong bị chính quyền Việt Nam sách nhiễu, đập phá nhà cửa, trục xuất khỏi thôn làng. Năm 2017, gia đình anh bắt đầu trở thành đối tượng của sự sách nhiễu bởi cộng an địa phương.
Đoàn người Việt do BPSOS hướng dẫn tham gia Hội Nghị Xã Hội Dân Sự ASEAN, Manila, Philippines, ngày 7 tháng 11, 2017
Để tìm hiểu phương thức vận động quốc tế hiệu quả, vợ chồng anh D quyết định tham gia Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin Vùng Đông Nam Á do BPSOS đồng tổ chức tháng 11 năm 2017 tại Manila, Philippines, và liền sau đó tham gia Hội Nghị Xã Hội Dân Sự ASEAN để lên tiếng tố cáo sự đàn áp của chính quyền Việt nam nhắm vào các tín đồ Tin Lành sắc tộc Hmong trước các giới chức quốc tế và Hoa Kỳ.
Ở Việt Nam chính quyền địa phương liên tục sách nhiễu, gây sức ép nhằm áp lực lên bố mẹ của anh D để yêu cầu anh D và vợ về nước gấp. Thấy sự nguy hiểm nếu quay trở lại Việt Nam, sau Hội Nghị họ đã quyết định sang Thái Lan xin tị nạn. Hai đứa con của vợ chồng anh sinh ở Việt Nam đã cùng với 2 người cháu sang Thái Lan sau. Ở Thái Lan vợ chồng anh sinh thêm 2 đứa con nhỏ, nay 4 và 3 tuổi.
Trong thời gian ở Thái Lan, anh D tiếp tục lên tiếng cho đồng bào Hmong bị bách hại ở Việt Nam. Anh và một số người Hmong trẻ ở Thái Lan thành lập Hội Hmong United for Human Rights (Người Hmong Đoàn Kết Cho Nhân Quyền). Nhóm của anh một mặt làm báo cáo vi phạm gửi LHQ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và nhiều tổ chức quốc tế; mặt khác hỗ trợ và đào tạo các nhóm người Hmong ở trong nước cách ứng xử trước sự đàn áp của nhà nước.
Đầu tháng 8, gia đình anh D được Chính Phủ Mỹ thông báo nhận tái định cư. Cả gia đình anh đã hoàn tất thủ tục tiêm chủng theo yêu cầu và chỉ chờ chuyến bay. Ngày bay sẽ là 25 tháng 10 tới đây. Gia đình 8 người này sẽ đến Thành Phố Minneapolis.Gia đình của anh sẽ phải đóng số tiền phạt lên đến 60,390 Baht, tương đương 1,635 USD, để cả nhà không phải ngồi tù lên đến 40 ngày trước khi rời Thái Lan đi tái định cư.
May mắn, một mạnh thường quân, là cựu nhân viên của BPSOS cách đây 3 thập niên, đã rộng lượng giúp đỡ gia đình anh D trả toàn bộ chi phí đóng phạt cộng thêm ít tiền cho gia đình cầm theo phòng thân khi nhỡ ngại trên chuyến đi dài từ Bangkok đến Minneapolis.
Anh D và vợ gửi lời tri ân đến vị mạnh thường quân này và cộng đồng người Việt ở hải ngoại trong bao năm qua yểm trợ công việc bảo vệ quyền tị nạn cho hàng nghìn đồng bào ở Thái Lan.
Bài liên quan:
Cùng một ngày, 3 gia đình tị nạn sẽ tái định cư ở Hoa Kỳ
https://machsongmedia.org/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/2031-cung-mot-ngay-3-gia-dinh-ti-nan-se-tai-dinh-cu-o-hoa-ky.html