Hải Di Nguyễn
Gần đây, tôi đã có hai bài viết về chuyến đi của công an Việt Nam đến gặp người tỵ nạn tại Thái Lan ngày 14/3/2024. Có mặt trong phái đoàn là Thiếu tướng Rahlan Lâm (còn viết là Rah Lan Lâm), Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai và Trung tá Y Lương Niê, Phó Trưởng phòng Công an đối nội tỉnh Đắk Lắk.
Hỏi han về tình hình và điều kiện sống ở Thái Lan, ông Rahlan Lâm tìm cách lôi kéo, thuyết phục người tỵ nạn hồi hương, hứa hẹn sẽ không truy tố, hứa hẹn sẽ cho tiền ăn trên đường về, sẽ đào tạo nghề, sẽ cung cấp đất đai. Không chỉ vậy, theo một trong các video chúng tôi có được, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai cũng nói một đoạn đáng chú ý:
“Ở đây làm sao giàu bằng Việt Nam mình được? Mình thất học đúng không? Nghèo, nghèo, mình không học làm sao mình giàu được? Làm sao mà không đi quét rác được, đúng không? Ở Thái Lan cũng thế thôi, suốt đời con mình không được học, phải đi quét rác… Muốn tốt thì phải học.”
Quyền đi học
Nói thế thì ông Rahlan Lâm nghĩ gì về những đứa trẻ người Thượng hoặc H’mông ở Việt Nam không được cấp giấy khai sinh và không được đi học, chỉ vì cha mẹ thuộc các hội thánh Tin lành độc lập? Hoặc những trường hợp như anh Vừ Bá Súa, người H’mông thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc, tức hội thánh được nhà nước công nhận, nhưng vẫn bị cưỡng ép bỏ đạo và nhiều lần bị từ chối làm giấy khai sinh cho con mình?
Quan trọng hơn, ông Rahlan Lâm nghĩ gì về hàng loạt những đứa trẻ ở Tiểu khu 179, Tiểu khu 181, và nhiều tiểu khu khác của cộng đồng người H’mông ở huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, lớn lên như cỏ dại, giấy tờ không có, trường học thiếu thốn? Những đứa trẻ bị đẩy vào tình trạng vô quốc tịch trên chính quê hương mình vì cha mẹ liên tục bị đàn áp, lưu lạc, bị đẩy từ nơi này đến nơi khác chỉ vì là người H’mông theo đạo Tin lành?
Trong bài viết tháng 9/2023 phỏng vấn hai người H’mông từ Tiểu khu 179, tôi đã viết lại lời kể của ông Ma Seo Cháng “Năm 2012, cả làng chúng tôi, con em không được đi học, nên bà con chúng tôi dựng lên một cái trường. Nếu chính quyền không đưa giáo viên đến dạy, anh em chúng tôi có thể thuê người ngoài để dạy con em cái chữ đầu tiên.”
Lúc đầu xã không cho, nhưng ông nói “Con em lớn lên rồi, không được tiếp xúc con chữ.”
Tới khi họ dựng trường, Phòng giáo dục mới tới khảo sát và gửi giáo viên, tuy nhiên,trường chỉ dạy bậc tiểu học và dạy hai môn là Toán và Tiếng Việt.
Đó là Tiểu khu 179. Trong tháng 11/2023 vừa qua, Truyền hình Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, tung ra bản tin về Tiểu khu 179, khẳng định mọi điều chúng tôi đã nói về điều kiện khốn khó, không hộ khẩu, không giấy tờ tùy thân, không điều kiện học hành ở đó.
Về Tiểu khu 181, tác giả Song Chi viết:
“Tiểu khu 179 như vậy còn đỡ hơn Tiểu khu 181, không có giáo viên nào chịu vào dạy nên bà con phải cho trẻ đi học xa nhà cách vài chục cây số. Thuê phòng trọ mất khoảng 600.000–700.000 VNĐ/tháng (khoảng hơn 25 cho tới hơn 29 USD) cho một phòng 3, 4 em ở, nhưng với rất nhiều gia đình đồng bào thiểu số thu nhập của họ chỉ chừng 500.000 VNĐ/tháng (khoảng hơn 20 USD) nên họ cũng chẳng lo nổi, đành dựng chòi, lều trên đất của người dân ở các xã khác, có tốn phí dựng nhờ đất nhưng rẻ hơn.
Những cái chòi, lều dựng bằng đủ thứ vật liệu tạm bợ, từ nilon, bìa carton, ván ép, trong đó có 7 cho tới 10 đứa trẻ, tuổi từ 7, 8 đến 10, 12 sống với nhau, tự nấu ăn, tự lo liệu chăm sóc nhau. Sống như vậy rất không an toàn, đủ thứ tai nạn có thể xảy ra cho những đứa trẻ như cháy, lấy nước ở dưới giếng sâu có thể bị ngã xuống giếng, mưa bão v.v… Chuyện học hành cực khổ như vậy, lại không có gia đình ở bên cạnh bảo ban, nhắc nhở, nên lũ trẻ đi học bữa đực bữa cái, chữ chưa kịp vào đầu lại bay đi đâu mất, siêng lắm cũng chỉ vài năm là buông, lại về nhà phụ ba mẹ làm nương làm rẫy. Em nào ham học lắm mới học hết lớp rồi ra huyện, ra tỉnh học tiếp.”
Chúng tôi đã nhiều lần nhắc tới tình trạng của các trẻ em người H’mông ở Việt Nam, bị nhà nước từ chối cấp giấy tờ như một hình thức trừng phạt các bậc cha mẹ không chịu bỏ đạo Tin lành. Việc “trả thù” bằng giấy tờ không chỉ xảy ra với người bản địa và các sắc tộc thiểu số. Tháng 2/2024 vừa qua, tôi phỏng vấn chị Trần Phương Thảo, vợ nhà hoạt động môi trường Đặng Đình Bách hiện đang chịu án tù 5 năm: chị cho biết Cục Thi hành án can thiệp khiến chị không được cấp sổ hồng cho căn hộ họ mua trả góp, khiến gia đình không thể đăng ký hộ khẩu thường trú và đứa con 3 tuổi không được học trường công.
Thế ông nghĩ gì về những đứa trẻ này, Thiếu tướng Rahlan Lâm?
Một trong các bản báo cáo BPSOS soạn thảo (cùng Hmong Human Rights Coalition, Người Thượng vì Công lý, Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, và Thân hữu của Thiền Am) cho phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) cho Việt Nam vào tháng 5/2024 tập trung vào quyền trẻ em và nhắc đến những vấn đề này.
Điều kiện sống hiện nay của người tỵ nạn
Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai Rahlan Lâm nói với các công an Việt Nam "Quay cái phòng" (hình chụp từ video chúng tôi có được).
Để thuyết phục người tỵ nạn về nước, ông Rahlan Lâm liên tục hỏi và nhắc tới điều kiện cực khổ, thiếu thốn của họ ở Thái Lan.
Đó là thực tế. Tôi đã nói chuyện với nhiều người tỵ nạn ở Thái Lan: ngay cả khi có thẻ của Cao ủy Tỵ nạn LHQ, họ vẫn bị xem là nhập cư bất hợp pháp, vẫn không được đi làm; việc làm chui không phải khi nào cũng có, tới khi có đôi khi bị quỵt tiền. Ông Sơn Doành, ở Thái Lan từ năm 2012, nói “Tôi ra đống rác lượm đồ về ăn, lượm đồ bán chút ít, lây lất sống qua ngày.” Chị Lầu Y Hua, lánh nạn cùng con và hai chị gái, kể “Em là người tỵ nạn, không được phép ra ngoài đi làm… Là một người mẹ đơn thân, nuôi con nhỏ, lại không biết tiếng, không ra ngoài được, không có tiền để mua thức ăn, mua sữa cho con.” Ông Trần Thanh Mẫn, sang từ năm 2000, nói “Không có giấy tờ hợp pháp, mình làm gì cũng lo sợ”, nghe nhạc Việt không dám mở lớn, gặp người Việt ngoài đường không dám nói chuyện. Bà Nguyễn Uyên Thùy của nhóm Hiến Pháp, bị tống vào trại giam IDC dù có giấy Cao ủy; sau khi tại ngoại, mỗi tháng phải hai lần mất tiền đi trình diện ở Sở Di trú.
Ngoài ra là nỗi lo bị bắt cóc hoặc trục xuất về Việt Nam.
Đồng bào ở Việt Nam không nên nghĩ rằng cứ sang Thái Lan được vài tháng, một năm là sẽ được tái định cư nước thứ ba. Có người được đi sau vài năm. Có người chờ 10 năm. Có người cả đời sống ở Thái Lan vẫn không có quy chế tỵ nạn.
Thế nhưng các câu nói của ông Rahlan Lâm có ba cái sai.
Thứ nhất, người Việt sang Thái Lan là để lánh nạn, là vì không thể tiếp tục sống ở Việt Nam—nói chuyện giàu nghèo không có nghĩa lý gì.
Thứ hai, người tỵ nạn phải quét rác hoặc làm các việc nặng nhọc không nhất thiết do “thất học”.
Thứ ba, đã có nhiều người tỵ nạn từ Việt Nam, người Thượng, người H’mông, người Khmer Krom, người Kinh được tái định cư sang Mỹ, Úc, Canada…
Câu hỏi đặt ra là: ông Rahlan Lâm và công an Việt Nam tìm cách thuyết phục người tỵ nạn hồi hương để làm gì?
Bài liên quan: