- Sự thật không thể là vu khống
Ngày 29 tháng 7, Luật Sư đại diện BPSOS lấy lời khai của Ông Lê Xuân Khoa, chuẩn bị cho vụ xử vào tháng 9 tới đây. Toàn bộ nội dung buổi lấy lời khai được ký tự tại Le Khoa 07.29.24-cft.
Ngày 11 tháng 5, 2021, Ông Lê Xuân Khoa nộp đơn kiện BPSOS và Ts. Nguyễn Đình Thắng với 4 cáo buộc vu khống. Toà án bác bỏ 3 cáo buộc, cho đó là Ông Khoa dựng chuyện, và phạt Ông Khoa phải bồi thường $39,237.59 cho bị đơn. Đã quá thời hạn 60 ngày nộp phạt, nhưng Ông Khoa vẫn chưa trả tiền phạt.
Cáo buộc duy nhất còn lại là, theo Ông Khoa, Ts. Thắng đã làm tổn thương danh dự khi viết trên Mạch Sống ngày 25 tháng 5, 2020: “DB Dornan gửi văn thư chính thức yêu cầu Tổng Thanh Tra của Bộ Ngoại Giao điều tra Ông Khoa và SEARAC về hành vi khai gian lý lịch để xin cấp khoản liên bang: Ông Khoa khai gian mình là Tiến Sĩ trong đơn xin cấp khoản của Bộ Ngoại Giao. Đấy là tội hình sự.” Ngày toà xử sẽ là 30 tháng 9, 2024.
Trước buổi lấy lời khai, Luật Sư đại diện bị đơn yêu cầu Ông Khoa cung cấp các tài liệu: (1) mọi thư từ trao đổi quanh việc khai gian học vị, (2) các hồ sơ SEARAC nộp để xin cấp khoản của chính phủ Liên Bang, (3) các ấn bản The Bridge, là bản tin của tổ chức SEARAC mà Ông Khoa là chủ bút.
Hình 1 – Lý lịch chính thức của Ông Khoa, dùng để nộp xin cấp khoản
Sự thật không bao giờ là vu khống
Tại buổi lấy lời khai, Luật Sư đại điện bị đơn đưa Ông Khoa xem văn thư của DB Dornan gửi Tổng Thanh Tra của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngày 30 tháng 4, 1996, với nội dung:
“Ông Khoa tự quảng cáo là một ‘Tiến Sĩ’. Tuy nhiên, ông ta gần đây đã thú nhận là không hề có bằng cấp ấy. Sự trình bày sai về học vị có thể đã dẫn đến việc ông ta nhận được cấp khoản của Bộ Ngoại Giao vượt qua những người nộp đơn khác. Nhân đây, tôi yêu cầu văn phòng Tổng Thanh Tra điều tra các vấn đề trên.” Xem văn thư của DB Dornan tại Exhibit 5.
Ông Khoa xác nhận đã từng thấy văn thư của DB Dornan nhưng đã không cung cấp cho Luật Sư theo yêu cầu. Xem: Le Khoa 07.29.24-cft, trang 66.
Trong buổi lấy lời khai, Ông Khoa cũng xác nhận là luật pháp Hoa Kỳ đòi hỏi phải ghi đúng sự thật khi nộp đơn xin cấp khoản của chính phủ liên bang. Xem: Le Khoa 07.29.24-cft, trang 23-24.
Tóm lại, Ông Khoa xác nhận những gì Ts. Thắng viết trên Mạch Sống là đúng sự thật: DB Dornan có viết thư cho Tổng Thanh Tra BNG Hoa Kỳ, lá thư yêu cầu điều tra Ông Khoa và SEARAC, nội dung điều tra là việc khai gian học vị trong hồ sơ xin ngân khoản của BNG, và khai gian lý lịch là vi phạm luật pháp Hoa Kỳ.
Khi nói đúng sự thật thì không thể là vu khống. Đến đây là đủ căn cứ để chuẩn bị cho phần còn lại vụ kiện.
Tuy nhiên, Luật Sư đại diện bị đơn muốn thấu đáo nên đã hỏi tiếp.
Có hay không việc Ông Khoa khai gian học vị khi xin cấp khoản Liên Bang?
Phần lấy lời khai ở trên xác định là DB Dornan có gửi ra văn thư với nội dung như Ts. Thắng trình bày trong bài viết trên Mạch Sống nhưng không khẳng định là Ông Khoa và SEARAC quả đã khai gian khi nộp hồ sơ xin cấp khoản của chính phủ Liên Bang.
Đáp ứng yêu cầu cung cấp tài liệu, Ông Khoa chỉ gửi cho Luật Sư của bị đơn một hồ sơ xin cấp khoản với Bộ Ngoại Giao vào tháng 8 năm 1996, nhưng cắt mất phần lý lịch của nhân sự SEARAC. Ông Khoa giải thích rằng, Bộ Ngoại Giao đã biết lý lịch của các nhân sự SEARAC từ trước, cho nên không cần nộp lại. Le Khoa 07.29.24-cft, trang 55-56.
Luật Sư trưng ra nhiều hồ sơ xin cấp khoản mà Ông Khoa đã không cung cấp. Trong đó, Ông Khoa đều liệt kê luận án tiến sĩ ở đại học Sorbonne. Xem Exhibit 1, Exhibit 2, Exhibit 3.
Bị chất vấn, Ông Khoa khai là học ở Sorbonne vào năm 1960, sau 1 năm hoàn tất các môn học thì về nước làm nghiên cứu cho luận án tiến sĩ, nhưng 15 năm sau vẫn chưa xong mặc dù quy định của nhà trường chỉ cho 10 nâm. Ông Khoa khai đã mất bản thảo luận án tiến sĩ ở phi trường trên đường di tản năm 1975. Le Khoa 07.29.24-cft, trang 32-33.
Luật Sư hỏi, sao không ghi chú trong tiểu sử là luận án chưa hoàn tất để tránh hiểu lầm? Câu trả lời đại thể là, hiểu lầm hay không là chuyện của người đọc, ông ta không việc gì phải minh định. Le Khoa 07.29.24-cft, trang 85-89.
Đến đây, Luật Sư trưng ra lý lịch chính thức của Ông Khoa in dưới tiêu đề IRAC (tên cũ của SEARAC) ghi Ông Khoa là Tiến Sĩ. Exhibit 6. Ông Khoa đổ lỗi cho nhân viên viết lý lịch. Le Khoa 07.29.24-cft, trang 78-79.
Nghĩa là Ông Khoa và SEARAC đã ghi sai học vị của Ông Khoa khi nộp đơn xin cấp khoản của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và của nhiều cơ quan Liên Bang khác.
Ấn bản The Bridge thì sao?
The Bridge là bản tin tiếng Anh của SEARAC xuất bản mỗi 3 tháng. Ông Khoa xác nhận mình là chủ bút và duyệt xét mọi bài vở trước khi xuất bản. Đáp ứng yêu cầu cung cấp các ấn bản của tờ The Bridge, Ông Khoa chỉ đưa ít trang sơ sài của vài số.
Luật Sư trưng ra ấn bản Hè 1995 của The Bridge, mà Ông Khoa đã không cung cấp. Ấn bản đó ghi Ông Khoa là Tiến Sĩ, được chính Ông Khoa duyệt xét. Exhibit 7.
Khi Luật Sư hỏi tại sao đã không cung cấp đầy đủ các số The Bridge, Ông Khoa đổ thừa là nhờ con cái soạn và chúng đưa cái gì thì ông ta nộp cái đó. Le Khoa 07.29.24-cft, trang 80-84.
Còn những nơi khác thì sao?
Cuối phần lấy lời khai, Luật Sư đưa ra nhiều tài liệu ghi học vị của Ông Khoa là Tiến Sĩ:
- Tài liệu chính thức của tổ chức Vietnamese American Education Foundation ghi Tiến Sĩ Lê Xuân Khoa là thành viên Hội Đồng Quản Trị. Exhibit 8.
- Báo cáo của Đại Học Georgetown gửi Bộ Giáo Dục về thực hiện đề án có cấp khoản, ghi Ông Khoa là Tiến Sĩ. Exhibit 9.
- Báo cáo của Bộ Ngoại Giao gửi Quốc Hội Hoa Kỳ tháng 9 năm 1985, có tấm hình của Ông Khoa, ghi chú là Tiến Sĩ Lê Xuân Khoa. Exhibit 10.
- Báo cáo tháng 11 năm 1985 của IRAC (tên cũ của SEARAC) gửi nơi cấp ngân khoản, ghi Ông Khoa là Tiến Sĩ. Exhibit 11.
- Văn thư ngày 16 tháng 11, 1987 của bộ phận cấp ngân khoản của Văn Phòng Định Cư Tị Nạn, thuộc Bộ Sức Khoẻ và Nhân Vụ (cơ quan Liên Bang), gửi “Tiến Sĩ Lê Xuân Khoa". Exhibit 12.
Khi bị chất vấn vì sao có danh xưng Tiến Sĩ trong các tài liệu trên, Ông Khoa trả lời là do người ta tự ý muốn gọi như thế, Ông Khoa không hề thắc mắc và chưa một lần cải chính. Le Khoa 07.29.24-cft, trang 89-96.
Ai là người gây sự?
Luật Sư hỏi, chuyện ROVR đã rơi vào quá khứ mấy mươi năm, thì ai là người đưa nó ra công luận gần đây? Ông Khoa nhận là chính ông ta, qua bài báo đánh kỷ niệm ngày 30 tháng 4, 2020, đã nêu lại chương trình ROVR. Trong đó có những điều vu khống về BPSOS và Ts. Thắng. BPSOS và Ts. Thắng chọn thái độ im lặng.
4 tuần sau, Ông Khoa bồi thêm bài thứ 2, với lời cáo buộc nặng nề và trực tiếp hơn, như: “... tôi cũng đã chứng minh cho DB Smith thấy rõ lề lối làm việc không ngay thẳng của TS Thắng và ý đồ lợi dụng tên tuổi của Dân biểu Smith vào việc xây dựng uy tín cá nhân và quyên tiền cho tổ chức của mình.”
Trước những vu khống ấy, Ts. Thắng phải hồi đáp và đã trình bày đúng sự thật. Ông Khoa nộp đơn kiện với 4 cáo buộc về vu khống. Toà đã bãi bỏ 3 cáo buộc mang tính cách dựng chuyện và Ông Khoa bị phạt hơn 39 nghìn Mỹ kim mà đến giờ này vẫn chưa nộp.
Cáo buộc duy nhất còn lại là lý do Luật Sư lấy lời khai của Ông Khoa ngày 29 tháng 7 vừa qua: Có hay không việc DB Dornan đã gửi văn thư yêu cầu Tổng Thanh Tra của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ điều tra Ông Khoa và SEARAC về khai gian lý lịch khi xin cấp khoản.
Hình 2 – Lý lịch - trang 2
Kết luận
Trên đây chỉ là một số trong kho tài liệu mà Luật Sư của bị đơn đã chuẩn bị cho phiên toà sắp đến. Các tài liệu này đủ để chứng minh:
- Điều Tiến Sĩ Thắng viết trên Mạch Sống phản ánh đúng nội dung văn thư của DB Dornan gửi Tổng Thanh Tra Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngày 20 tháng 4, 1996.
- Ông Khoa và SEARAC đã khai sai học vị của Ông Khoa trong các hồ sơ xin cấp khoản Liên Bang.
- Ông Khoa và SEARAC đã thông tin sai về học vị của Ông Khoa với nhiều người, nhiều cơ quan, nhiều tổ chức trong nhiều trường hợp và chưa hề một lần cải chính.
- Ông Khoa đã lọc lựa để không cung cấp cho Luật Sư của bị đơn những tài liệu bất lợi, vi phạm quy định của luật pháp.
- Khi bị chất vấn, Ông Khoa đổ thừa cho nhân viên, con cái, hoặc ai khác làm sai.
Vấn đề ở đây không là học vị tiến sĩ có quan trọng hay không mà là hành vi khai gian học vị tiến sĩ trong thời gian dài, ít ra từ 1985 đến 1996, để xin ngân khoản, để tạo ngộ nhận cho các thành phần đối tác, và để đánh lừa dư luận cộng đồng người Việt.
BPSOS biết tất cả những điều này và có tất cả những chứng cứ kể trên từ 3 thập niên qua nhưng không quan tâm. Do bị Ông Khoa kiện về vu khống, khai là bị tổn thương danh dự, và đòi bồi thương 998 nghìn Mỹ kim nên BPSOS chẳng đặng đừng phải dùng đến các chứng cứ này.
Chúng tôi sẽ cập nhật diễn tiến phiên toà tháng 9 tới đây.
Bài liên quan:
Những điều ít ai biết về chương trình ROVR: Một số việc làm của Ông Lê Xuân Khoa