- Hoa Kỳ cố gắng tái định cư 100.000 người tị nạn trong tài khóa 2024
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 6 tháng 9, 2024
Cứ mỗi 3 tháng nhóm chúng tôi, gồm đại diện của những tổ chức định cư hoặc bảo vệ người tị nạn, lại họp với Bà Julieta Valls Noyes, Trợ Lý Ngoại Trưởng trách nhiệm chương trình tái định cư tị nạn của Hoa Kỳ. Buổi họp định kỳ mới nhất là ngày 4 tháng 9 vừa rồi. Đây cũng là buổi họp chia tay với Bà Noyes, người đã dành tâm huyết để tạo cơ hội tái định cư cho nhiều trăm nghìn người tị nạn trên thế giới.
Chương trình tái định cư căn bản
Tại buổi họp, Bà Noyes cho biết trong 11 tháng đầu của tài khoá 2024 -- từ 1 tháng 10 năm ngoái đến 31 tháng 8 năm nay, Hoa Kỳ đã tái định cư 85,078 người tị nạn, con số cao nhất tính từ giữa thập 1990 đến nay, nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với đỉnh số do Tổng Thống chỉ định là 125.000 cho tài khóa 2024. Trong 4 tuần còn lại, Bà Noyes cho biết sẽ cố gắng đạt con số 100 nghìn, nghĩa là tái định cư thêm 15 nghìn người tị nạn.
Trong khi đó, việc tái định cư người tị nạn Việt Nam ở Thái Lan đã bị chững lại từ tháng 3 năm nay. Tôi yêu cầu Bà Noyes, trong mấy tuần còn lại của tháng 9, hãy quan tâm đặc biệt đến các hồ sơ người Việt bị nguy hiểm mà tôi đã cung cấp vì nhà nước Việt Nam đang đặt họ trong tầm ngắm.
Hình 1 – Hình lưu niệmsau một buổi họp với Bà Julieta Valls Noyes (ở giữa), Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ngày 17/05/2022
Chương trình Welcome Corps
Bà Noyes cho biết đến nay có 375 người tị nạn đến Hoa Kỳ theo chương trình này, tất cả thuộc Giai Đoạn 1, là giai đoạn mà nhóm bảo lãnh chỉ được bảo lãnh hồ sơ do chính phủ Hoa Kỳ chỉ định. Bộ Ngoại Giao cố gắng nâng con số này lên 1.000 tính đến cuối năm. Trong khi đó mục tiêu ban đầu là 5.000 cho năm 2023 và 10.000 người cho năm 2024.
Bà Noyes và tôi trao đổi khá sâu về thời hạn dứt điểm 30 tháng 9, 2023 để tham gia Welcome Corps – những ai đến quốc gia tạm dung sau ngày này không được tham gia ngoại trừ số trường hợp đặc miễn rất hiếm hoi. Bà Noyes cho biết đang BNG cứu xét đẩy lùi mốc điểm này. Còn hiện nay, điều kiện đặc miễn được nới rộng cho những ai chứng minh được đã rời quốc gia nguyên quán trước ngày 30 tháng 9, 2023 và đến quốc gia tạm dung sau đó.
Vận động các quốc gia khác tái định cư người tị nạn
Bà Noyes cho biết, cuối tháng 9 này, Ngoại Trưởng Antony Blinken sẽ gặp gỡ, bên lề của cuộc họp Đại Hội Đồng LHQ ở New York, một số lãnh đạo quốc gia tạm dung và quốc gia viện trợ để thảo luận các sáng kiến bảo vệ người tị nạn khi họ chưa có triển vọng tái định cư.
Tôi chia xẻ là tháng 7 vừa qua khi ở Tokyo, tôi tiếp xúc cơ quan định cư tị nạn của chính phủ Nhật để đề xuất Nhật Bản đón nhận thêm người tị nạn như một biện pháp đáp ứng tình trạng thiếu người lao động. Các giới chức tôi tiếp xúc hoan hỉ đón nhận ý kiến nhưng họ không là người làm chính sách.
“Bà hoặc Ngoại Trưởng Blinken nên nói chuyện trực tiếp với giới lãnh đạo Nhật Bản về triển vọng này,” tôi nhắc.
Một giới chức có tâm
Bà Noyes là viên chức Bộ Ngoại Giao kỳ cựu, với 40 năm phục vụ qua nhiều chức vụ. Bà được Tổng Thống Joe Biden bổ nhiệm làm Trợ Lý Ngoại Trưởng đứng đầu văn phòng Dân Số, Tị Nạn và Di Dân, nơi làm quyết định về tái định cư người tị nạn.
Khi vừa nhậm chức Bà Noyes đã gặp chúng tôi để tham khảo ý kiến và từ đó cứ 3 tháng lại gặp nhau.
Hình 2 – Trợ Lý Ngoại Trưởng Julieta Valls Noyes tại Thái Lan, ngày 8/12/2022
Hưởng ứng lời kêu gọi của tôi, cuối năm 2022 Bà Noyes đến Thái Lan để tiếp xúc với chính phủ Thái, với Cao Uỷ Tị Nạn LHQ và với một số tổ chức chăm lo và tranh đấu cho người tị nạn. Thoạt tiên, Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Bangkok không lên chương trình tiếp xúc các tổ chức này, nhưng chính Bà Noyes hứa với tôi sẽ gặp họ và yêu cầu Toà Đại Sứ đưa vào chương trình.
Sau chuyến đi ấy, số người tị nạn được tái định cư từ Thái Lan đã tăng vọt. Riêng người Việt từ đầu năm 2023 đến nay, gồm 20 tháng, đã có 140 người tái định cư vào Hoa Kỳ, so với tổng cộng chỉ có 26 người trong 24 tháng của 2 năm 2021-2022.
Bà Noyes đã đề ra nhiều sáng kiến để củng cố và phát triển chương trình tái định cư tị nạn của chính phủ Hoa Kỳ. Chằng hạn, bà cho thiết kế thể thức phỏng vấn trực tuyến ở một số quốc gia tạm dung -- thay vì các nhân viên này phải luân lưu công tác ở khắp thế giới, họ ngồi một chỗ phỏng vấn người tị nạn ở nhiều nơi trên thế giới, tiết kiệm được tiền bạc và thời gian.
Sáng kiến đáng kể thứ hai là tiến hành song song các thủ tục cứu xét hồ sơ khi các thủ tục này không tùy thuộc nhau. Kết quả là thời gian cứu xét một hồ sơ được rút ngắn từ 2 hoặc 3 năm xuống còn 4 đến 6 tháng.
Sáng kiến nữa là vận động các quốc gia dân chủ phú cường góp tay tái định cư người tị nạn đã nói đến ở trên. Nhiều quốc gia như Úc, Tân Tây Lan, Pháp, Tây Ban Nha... đã hưởng ứng.
Sáng kiến Welcome Corps
Sáng kiến nổi bật và được giới truyền thông phổ biến nhiều nhất là chương trình bảo lãnh tư nhân Welcome Corps. Bà Noyes đầu tư nhiều tâm huyết vào đó và chịu khó tiếp thu ý kiến của chúng tôi từ khâu thiết kế đến phần thực hiện.
Tiếc là, do một số yếu tố về thiết kế và phân bổ nhân sự, chương trình này đã không tiến triển như mọi người mong muốn. Sau 2 năm thực hiện, chỉ mới 375 người tị nạn, tất cả thuộc Giai Đoạn 1, được tái định cư thay vì tổng cộng là 15.000 như dự trù.
Giai đoạn 2, khi nhóm bảo lãnh có quyền chọn người tị nạn để bảo lãnh, thì đến cuối năm 2024 may ra vài chục người được tái định cư. Đó là con số trên toàn thế giới.
Một đề xuất mà tôi đưa ra từ đầu là cho phép các doanh nghiệp tham gia bảo lãnh. Trong tình hình Hoa Kỳ neo nguồn lao động, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tham gia bảo lãnh người tị nạn và có thể đầu tư huấn nghiệp trước cho người tị nạn trong khi chờ đợi tái định cư. Bà Noyes tiếp nhận đề xuất này và mở ra bộ phận Welcome Corps at Work, nhưng đến nay bộ phận này chưa kịp phát huy tác dụng vì mở ra khá trễ.
Hình 3 – Tấm hình lưu niệm buổi giã từ, ngày 4/09/2024
Lời giã biệt
Cuối buổi họp, Bà Noyes tuyên bố sẽ về hưu vào cuối tháng 9. Bà cảm ơn các nhân viên dưới quyền và cảm ơn chúng tôi, những người luôn quan tâm bảo vệ người tị nạn. Bà Noyes không cầm được nước mắt khi ngỏ lời chia tay. Mọi người đều bùi ngùi vì sau nhiều năm cộng tác chúng tôi xem bà như người đồng hành cùng lý tưởng.
Nhiều người trong chúng tôi ghi nhận những cống hiến của Bà cho chương trình tái định cư người tị nạn. Bà Noyes trả lời ngắn gọn: “Bố mẹ của tôi là người tị nạn đến từ Cuba. Giúp cho người tị nạn là nghĩa vụ, là sự trả ơn của tôi.”
Như linh tính được buổi chia tay, trước khi vào họp tôi gợi ý với mọi người: “Rất có thể đây là buổi họp cuối với Julieta, chúng ta nên chụp tấm hình lưu niệm chung để ghi nhớ hành trình mấy năm qua cùng nhau tranh đấu cho người tị nạn.”
Và chúng tôi đã chụp tấm hình chung để giã từ một giới chức có tâm với người tị nạn.
Bài liên quan:
Bảo vệ đồng bào tị nạn ở Thái Lan trong tầm ngắm của công an Việt Nam
https://machsongmedia.org/2212-bao-ve-dong-bao-ti-nan-o-thai-lan-trong-tam-ngam-cua-cong-an-viet-nam.html
Cập nhật nỗ lực vận động tái định cư đồng bào tị nạn
https://machsongmedia.org/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/2193-cap-nhat-no-luc-van-dong-tai-dinh-cu-dong-bao-ti-nan.html