CAP (Center for Asylum Protection, tức Trung tâm Bảo vệ Tỵ nạn), do People Serving People Foundation điều hành, là một trong hai văn phòng cung cấp tư vấn pháp lý và hỗ trợ cho người tỵ nạn và người xin tỵ nạn tại Thái Lan, và một trong năm tổ chức được Cao ủy Tỵ nạn LHQ công nhận là đối tác.
BPSOS đã hỗ trợ thành lập CAP tại Bangkok cách đây vài năm, và hiện nay tiếp tục hỗ trợ các hoạt động của văn phòng này.
Sau đây là một số câu hỏi và trả lời về văn phòng CAP.
Hỏi: CAP giúp người tỵ nạn như thế nào?
Trả lời: Theo một nhân viên của CAP, tạm gọi là A vì lý do an toàn, công việc của CAP chủ yếu thuộc hai nhóm: hỗ trợ quá trình quyết định tư cách người tỵ nạn (refugee status determination), và các hoạt động bảo vệ người tỵ nạn.
Hỏi: CAP làm gì trong quá trình quyết định tư cách người tỵ nạn?
Trả lời: Các cố vấn pháp lý của CAP hỗ trợ quá trình ghi danh với Cao ủy Tỵ nạn LHQ, làm hồ sơ, chuẩn bị phỏng vấn, viết văn bản pháp lý (legal brief), quan sát cuộc phỏng vấn của Cao ủy Tỵ nạn/ LHQ để bảo đảm thông tin chính xác và đầy đủ, v.v.
Văn phòng CAP có thể giúp người tỵ nạn từ giai đoạn đầu tiên, khi ghi danh với Cao ủy Tỵ nạn, cho tới những bước cuối cùng trước khi rời khỏi Thái Lan.
Hỏi: Công việc bảo vệ người tỵ nạn của CAP là gì?
Trả lời: Văn phòng CAP giúp người tỵ nạn tiếp cận các chương trình hỗ trợ tài chính, nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục…
Một nhân viên khác của CAP, tạm gọi là B, cho biết “Khi một khách hàng liên lạc với chúng tôi và hỏi xin hỗ trợ tài chính, chúng tôi xem xét trường hợp của họ và xem ai có thể giải quyết vấn đề đó.”
Người có quy chế tỵ nạn chính thức từ Cao ủy Tỵ nạn/ LHQ có thể có hỗ trợ tài chính từ Bangkok Refugee Center (Trung tâm Tỵ nạn Bangkok); ai không có quy chế chính thức có thể nhận giúp đỡ từ Jesuit Refugee Service (Tổ chức phục vụ người tỵ nạn Dòng Tên).
Các luật sư của CAP cũng hỗ trợ pháp lý khi người tỵ nạn bị cảnh sát bắt, phải trả tiền bảo lãnh để ra khỏi IDC (trại giam của Sở Di trú Thái Lan) hoặc tiền phạt để rời khỏi Thái Lan.
Người tỵ nạn bị bắt vào IDC phải trả 50,000 baht (tức gần 1,500 USD) để được trả tự do, hoặc sẽ bị giam tới khi được tái định cư sang nước thứ ba hoặc quyết định hồi hương. Vì Thái Lan không ký Công ước 1951 về tư cách người tỵ nạn, và không công nhận người tỵ nạn, người tỵ nạn được tái định cư phải ra tòa và nộp phạt vì nhập cư bất hợp pháp hoặc ở quá hạn visa, để được ra khỏi đất nước Thái Lan.
Theo hai nhân viên của CAP (A và B), khi 11 người Thượng bị cảnh sát Thái Lan bắt vào tháng 11/2023, vài người trong số họ là “thân chủ” của CAP. Các luật sư CAP nói chuyện với nhân viên xuất nhập cảnh Thái Lan, phối hợp với các bên để giúp người tỵ nạn đóng tiền để được tự do, liên lạc với gia đình và giúp họ trao đồ dùng, thức ăn cho những người Thượng bị bắt, v.v.
Trong tháng 7/2024, một số người Thượng khác bị cảnh sát Thái Lan bắt. Các luật sư CAP nói chuyện với họ, với chủ của họ, và với cảnh sát, tìm cách thuyết phục cảnh sát trả tự do cho họ. Cuối cùng cảnh sát Thái Lan quyết định chỉ phạt tiền và thả họ ra, thay vì bắt giam vì nhập cảnh và và cư trú bất hợp pháp.
Gần đây, tất cả các luật sư và cố vấn pháp lý của CAP cũng làm việc về trường hợp ông Y Quynh Bdap, cùng với luật sư bên ngoài chuyên về vấn đề dẫn độ. Ông Y Quynh Bdap đồng sáng lập tổ chức Người Thượng vì Công lý, đã có quy chế tỵ nạn từ LHQ. Việt Nam cáo buộc ông đứng sau vụ xả súng ngày 11/6/2023 tại Đắk Lắk, tuyên án tù 10 năm. Cáo buộc này ông Y Quynh Bdap nhiều lần phủ nhận.
Ngày 30/9/2024 vừa qua, tòa án Thái Lan đã phán quyết dẫn độ ông Y Quynh Bdap, ông và các luật sư hiện nay đang trong quá trình kháng cáo.
Hỏi: CAP có giúp đỡ người tỵ nạn bằng tài chính không?
Ông Trương Thanh Quan (bên trái) cùng con gái tại khu gia cư tạm trú của Oklahoma City, Hoa Kỳ tháng 7/2024.
Trả lời: Không. CAP chỉ hỗ trợ về pháp lý. Nhưng, như đã viết, CAP có thể đưa hồ sơ sang Bangkok Refugee Center hoặc Jesuit Refugee Service cho những trường hợp cần hỗ trợ tài chính. Luật sư CAP cũng phối hợp với bộ phận xã hội dân sự (XHDS) của BPSOS để xin trợ cấp khẩn cấp từ tổ chức quốc tế hay các nhà hảo tâm cho một số trường hợp đặc biệt.
Còn về các khoản tiền phạt, văn phòng CAP có thể đẩy hồ sơ sang một bên thứ ba—chẳng hạn như BPSOS hoặc ACF—để kêu gọi quyên góp và giúp trả tiền phạt.
Một ví dụ là trường hợp ông Trương Thanh Quan, người Khmer Krom tái định cư sang Oklahoma, Hoa Kỳ vào tháng 7/2024. Theo nhân viên B, trước khi sang Mỹ cùng con gái nhỏ, ông Trương Thanh Quan vào IDC nhưng đổ bệnh, được BPSOS giúp khoản tiền 50,000 baht để ra khỏi IDC và vào bệnh viện.
Ngoài ra, ông Trương Thanh Quan cùng con gái cũng phải xét nghiệm DNA để chứng minh mình là cha con ruột. Văn phòng CAP giúp tìm dịch vụ xét nghiệm DNA và hoàn tất giấy tờ, BPSOS hỗ trợ chi phí.
Ông Lù A Da, người H’mông tỵ nạn tại Thái Lan, cho biết mình được BPSOS ứng trước tiền phạt ở tòa 3,500 baht (hơn 100 USD) khi bị bắt vào tháng 12/2023, và ứng trước tiền bảo lãnh 50,000 baht để ra khỏi IDC. Tiền hỗ trợ này ông sau đó nhận được từ RFF, và hoàn lại cho BPSOS.
Ngoài ra, trong thời gian bị giam ở IDC, ông Lù A Da cũng được BPSOS hỗ trợ 2 tháng, mỗi tháng 10,000 baht (khoảng 300 USD), cho vợ và con nhỏ.
Hỏi: CAP và BPSOS đã quyên góp và giúp đỡ người tỵ nạn được bao nhiêu?
Trả lời: Theo thông tin từ nhân viên C, chỉ riêng các khoản hỗ trợ để người tỵ nạn đóng tiền phạt để rời khỏi Thái Lan và sang tái định cư nước thứ ba, văn phòng CAP và BPSOS đã giúp tổng số tiền là 602,196 baht (hơn 18,000 USD) tính từ tháng 8/2023 đến nay, từ các nhà hảo tâm.
Theo dữ liệu từ nhân viên B, trong khoảng thời gian tháng 11/2023 – 8/2024, văn phòng CAP và BPSOS cũng đã quyên góp và giúp người Việt tỵ nạn một số khoản tiền khác như tiền bảo lãnh để ra khỏi IDC, tiền phẫu thuật, tiền kiểm tra DNA (cho ông Trương Thanh Quan), v.v., tổng số tiền là 257,035.50 baht (gần 7,000 USD).
Hỏi: CAP có liên quan gì tới BPSOS?
Trả lời: Văn phòng CAP là dự án được BPSOS tài trợ và yểm trợ. Các luật sư và cố vấn pháp lý của CAP đặc biệt làm việc chặt chẽ với BPSOS trong các trường hợp người tỵ nạn từ Việt Nam. Nhân sự của BPSOS họp mỗi tuần một lần để phối hợp công việc. Tuy nhiên, CAP hoạt đông biệt lập và chỉ chia sẻ thông tin với BPSOS khi được phép của “thân chủ”.
Hỏi: Làm thế nào để liên lạc với CAP?
Trả lời: Địa chỉ: Văn phòng E, tầng 6, Phayathai Plaza
128/58 Phaya Thai Rd
Thung Phaya Thai, Ratchathewi
Bangkok.
Số điện thoại: 02 662 8510 (9 giờ sáng – 5 giờ chiều).
Số điện thoại trong trường hợp khẩn cấp: 086 398 1016.
Địa chỉ email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..
Trang web: https://capthailand.org/
Xem thêm thông tin về văn phòng CAP tại trang web của Cao ủy Tỵ nạn: https://help.unhcr.org/thailand/our-partners/