- Gần 50% đã hoặc đang được giải quyết tái định cư tính từ 2022
Mạch Sống, ngày 28 tháng 11, 2024
Chỉ vài tháng sau khi Tổng Thống Joe Biden nhậm chức, BPSOS vận động ráo riết việc tái định cư người tị nạn ở Thái Lan, nhưng phải đến đầu năm 2022 mới tạo được sự chú ý đáng kể từ chính quyền Hoa Kỳ.
Cuối năm 2022, Trợ Lý Ngoại Trưởng đặc trách chương trình tị nạn, Bà Julieta Valls Noyes, đến Thái Lan quan sát tình hình và tiếp xúc với người đại diện BPSOS tại đây. Từ đó, Bà quan tâm thúc đẩy tái định cư người tị nạn, đặc biệt người Việt và người Miến Điện, ở quốc gia này. Trước khi rời nhiệm sở đầu tháng 10 năm nay, Bà đã căn dặn thuộc cấp tiếp tục phối hợp với BPSOS và quan tâm người Việt tị nạn ở Thái Lan.
Số người Việt tái định cư tăng vọt
Tính từ đầu năm 2022 đến giờ, 450 người Việt có quy chế tị nạn đã tái định cư hoặc đang trong dòng chờ tái định cư đến Hoa Kỳ, Canada, Úc và New Zealand, gần bằng nửa số người Việt có quy chế tị nạn lúc cuối năm 2022 -- con số này thường xuyên thay đổi vì có người ra đi, lại có người mới được công nhận tư cách tị nạn.
Hình 1 -- Gia đình anh Sùng A Bình đến San Antonio, được các thành viên trong cộng đồng đón tiếp nồng hậu, ngày 8/11/2024
Riêng trong tháng 11 và 12, có ít ra 14 gia đình, tổng cộng 61 người, lên đường tái định cư. Chắc chắn trong tháng 12 sẽ có thêm một số gia đình nhận được thông tin chuyến bay.
Hiện nay, vẫn còn 194 hồ sơ, tổng cộng hơn 500 người, đã có quy chế tị nạn nhờ văn phòng Center for Asylum Protection (CAP), hiện có 6 luật sư do BPSOS tài trợ, giúp pháp lý. Trong đó, 60 hồ sơ đã nộp đơn theo chương trình Welcome Corps và 25 hồ sơ theo chương trình của các chính phủ và chương trình bảo trợ tư nhân Canada.
Welcome Corps
Hiện nay đã có 23 hồ sơ, gồm 72 người, hoàn tất mọi thủ tục, và 11 hồ sơ đã được chấp thuận. Mới chỉ một hồ sơ được phỏng vấn và khám sức khoẻ, với hy vọng tái định cư vào đầu năm.
Đầu tháng 11, 2 đại diện của một mạng lưới các tín đồ Tin Lành người Mỹ ở Bắc Texas đến Thái Lan tiếp xúc 5 gia đình người Thượng và người Hmong qua sự hướng dẫn của nhân viên BPSOS để thu thập thông tin cho việc bảo lãnh. Mạng lưới này cam kết sẽ bảo lãnh 21 gia đình Tin Lành Thượng và Hmong và sẽ cung cấp đất đai cho họ lập nghiệp khi đến Hoa Kỳ.
Khi Welcome Corps ra đời, BPSOS dự phóng nếu đến cuối năm 2024 có được 30 người tị nạn Việt Nam đặt chân vào Hoa Kỳ theo chương trình này thì xem là may mắn. Thực tế cho thấy có thể không có người nào trong năm nay.
Bảo lãnh tư nhân Canada
BPSOS đã giúp tổng cộng 31 gia đình, gồm 79 người, lập hồ sơ bảo lãnh tư nhân. Tuy nhiên, 5 hồ sơ đã đóng vì chuyển sang tái định cư ở một quốc gia khác. Hồ sơ của Bà Thạch Thị Phay đã đóng sau khi bà qua đời ngày 20 tháng 9 vừa qua.
Chính phủ Canada cho biết tiến trình tái định cư hiện bị chậm lại vì Canada đang phải đối phó tình trạng di dân nhập cư ồ ạt.
Hình 2 – Cô H’Thai Ayun đến phi trường Raleigh, North Carolina, ngày 8/11/2024
Thay đổi trong chính sách Hoa Kỳ
Dưới Hành Pháp của Tổng Thống Trump trước đây, chương trình tái định cư tị nạn bị cắt giảm đáng kể. Người quyết định cắt giảm lúc ấy, Ông Stephen Miller, sẽ quay lại ở cấp cao hơn -- Phó Chánh Văn Phòng về Chính Sách của Tổng Thống. Giới bảo vệ tị nạn e rằng ông ta sẽ lại mạnh tay cắt giảm chương trình tái định cư người tị nạn vào Hoa Kỳ.
BPSOS đang cùng các tổ chức bảo vệ tị nạn và các nhóm Tin Lành, vốn là cử tri ủng hộ Tổng Thống Trump, vận động duy trì đỉnh số tái định cư người tị nạn ở mức 125.000 mỗi năm như hiện nay.