39 đồng bào chết thảm ở Anh, chúng ta phải làm gì?

  • Giải trừ nạn buôn người và buôn lậu người khả thi nhưng cần một nỗ lực tổng hợp và kiên trì

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 2 tháng 11, 2019

http://machsongmedia.com

Ngày 23 tháng 10, cảnh sát Anh phát hiện thi thể của 31 người nam và 8 người nữ, tất cả là người Việt, trong một container đông lạnh ở thành phố Essex. Họ tử vong trên đường nhập cảnh lậu. Lương tâm nhân loại đã rúng động trước thảm cảnh này. Người Việt ở trong và ngoài không thể không chạnh lòng cho thân phận của các đồng bào xấu số.

Ngoài sự biểu tỏ nỗi xót xa, chúng ta cần hành động. Tôi mong rằng những người Việt quan tâm sẽ cùng nhau dấy lên phong trào giải trừ vấn nạn đã và sẽ tạo ra hàng vạn nạn nhân. Điều này đòi hỏi sự kiên trì, chiến lược hành động, và sự phối hợp rộng rãi trong xã hội. Với 20 năm hoạt động trong lĩnh vực chống buôn người, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, sự hiểu biết và những hướng dẫn cho nỗ lực chung này.

Buôn người và buôn lậu người

Đây là 2 phạm trù khác nhau tuy có sự liên đới chặt chẽ.

Hiểu cách đơn giản, buôn người là khi có yếu tố bóc lột về lao động hoặc tình dục và nạn nhân không thoát ra được. Như thế, buôn người có thể xảy ra trong phạm vi một quốc gia, và trong trường hợp buôn người xuyên quốc gia, việc xuất cảnh và nhập cảnh hợp pháp hay bất hợp pháp không là yếu tố cấu thành định nghĩa.

Buôn lậu người là đưa người lậu từ quốc gia này sang quốc gia khác. Thường thì những người nhập cảnh lậu dễ trở thành nạn nhân buôn người vì tình trạng cư trú bất hợp pháp, vì không có chọn lựa về sinh kế, vì các khoản nợ lớn ở quê nhà, hay vì bị khống chế bởi băng đảng tội phạm. Tuy nhiên cũng có những người nhập cư lậu không bị rơi vào tình cảnh bị bóc lột sức lao động và do đó họ không là nạn nhân buôn người. Trường hợp của 39 nạn nhân chết trong container là buôn lậu người. Nếu sống, thì có những người có thể trở thành nạn nhân buôn người.

 

Các công nhân trong hoàn cảnh nô lệ được giải cứu ở Algerie, tháng 9, 2014

Các đường dây buôn người và buôn lậu người


Qua 20 năm theo dõi, chúng tôi khá am tường cách vận hành của các đường dây buôn người và buôn lậu người ở Việt Nam, phần lớn hoặc có sự tham gia trực tiếp hoặc được bảo kê bởi các quan chức Việt Nam. Trong 20 năm qua, BPSOS đã thực hiện trên 70 cuộc giải cứu và đã trực tiếp tham gia giải cứu khoảng 5 nghìn nạn nhân ở 20 quốc gia, cũng như vận động và hỗ trợ cho việc giải cứu 6,000 nạn nhân chỉ riêng ở Nga.

Chương trình xuất khẩu lao động của Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội tạo môi trường cho cả một kỹ nghệ buôn người theo con đường hợp pháp. Các đường dây xuất khẩu lao động thường bao gồm 4 thành phần chủ yếu: các tay “cò” địa phương tuyển người ở các làng, xã; các môi giới để móc nối người có ý định xuất khẩu lao động với nơi vay tiền, nơi học ngoại ngữ, nơi khám sức khoẻ và rồi dẫn mối cho các doanh nghiệp dịch vụ; doanh nghiệp dịch vụ thu phí, ký hợp  đồng 3 chiều với người lao động và chủ sử dụng lao động, lo thủ tục xuất cảnh và đưa người xuất cảnh; các quan chức cấp trung ương bảo kê nhằm tạo dễ dãi về giấy tờ và thủ tục, và che chắn cho đường dây khi xảy ra “sự cố”. Vụ BPSOS giải cứu 250 người Việt bị xuất khẩu sang đảo American Samoa của Hoa Kỳ năm 1999 hoặc cuộc giải cứu hơn 200 công nhân Việt ở Jordani năm 2008 minh hoạ cách vận hành của các đường dây xuất khẩu lao động. Xem: http://www.viendongdaily.com/buon-nguoi-hinh-thuc-no-le-moi-thoi-hien-dai-ky-9-6fDVgI90.html; http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1240

Mỗi đường dây buôn lậu người là lãnh địa của một nhóm xã hội đen có sự móc nối và ăn chia với các quan chức địa phương để dễ dàng đưa người lậu xuyên biên giới. Họ cũng sử dụng cò và môi giới để tìm các con mồi. Họ chắp nối cơ hội với những nhóm buôn lậu người ở từng quốc gia tạo nên một xâu chuỗi dẫn từ quốc gia khởi thuỷ đến quốc gia mục tiêu. Rất khó để phá một đường dây chắp nối như vậy; tuy nhiên nếu phá vỡ được đường dây ở quốc gia gốc, tức Việt Nam, thì nguồn cung sẽ cạn và số nạn nhân sẽ giảm. Cuộc giải cứu hàng nghìn người Việt lao động như nô lệ ở các xưởng may do người Việt ở Nga làm chủ đã phanh phui một số đường dây buôn lậu người từ Việt Nam sang Nga. Xem: https://vietbao.com/p122a197502/5192/camsa-tiep-tuc-giai-cuu-dong-bao-bi-ban-sang-nga

 

Ts. Thắng điều trần ở Quốc Hội Hoa Kỳ, kêu gọi xếp Nga vào hạng 3 về buôn người, ngày 18/04/2013

Chúng ta phải làm gì?

Ngay trước mắt, hãy tập trung vào đường dây buôn lậu người liên quan đến 39 nạn nhân tử vong để truy quét toàn bộ thành phần xã hội đen và mọi quan chức liên can. Có 5 công việc cần thực hiện song song.

(1)    Thu thập thông tin về đường dây buôn lậu người: Từ số nạn nhân đồng ý hợp tác, chúng ta cần thu thập thông tin chi tiết về đường dây buôn lậu người, từ nơi tiếp cận đến nơi vay tiền, nơi đóng tiền, địa điểm tập kết người… cho đến những thông tin cuối cùng nhận được từ nạn nhân. Qua đó chúng ta biết tên, số điện thoại, nơi cư trú (nếu có) và các thông tin nhận diện của những tay cò trong đường dây; từ đó sẽ truy dần lên những cấp cao hơn. Các thông tin này cần tập trung về một mối để tổng hợp và phân tích.


(2)    Bảo vệ các gia đình nạn nhân: Tổ chức buôn lậu người sẽ tìm mọi cách để phủ dụ, hứa hẹn, hoặc đe doạ để gia đình của nạn nhân không tố giác họ. Trong trường hợp các quan chức bị dính líu, họ sẽ huy động công an, côn đồ và cả truyền thông để tác động lên tâm lý của các gia đình. Các gia đình này cần được động viên, và được cắt cử người thường xuyên theo dõi ngõ hầu báo động ngay khi có dấu hiệu hăm doạ. Mục đích báo động là kéo quốc tế và công luận vào cuộc, nhằm đẩy lùi mối đe doạ.


(3)    Giải cứu các nạn nhân còn sống: Ngoài số 39 nạn nhân tử vong, có thể còn nhiều người đi cùng chuyến giờ đang lạc loài, trốn tránh đó đây hoặc đang bị khống chế trong hoàn cảnh nô lệ bởi xã hội đen ở quốc gia đến. Gia đình của họ ở Việt Nam cần được hướng dẫn cách tiếp cận với các cơ quan hay tổ chức chuyên giải cứu nạn nhân. Ở hầu hết các quốc gia, chính quyền đều có bộ phận chuyên về giải cứu nạn nhân và trong xã hội cũng có nhiều tổ chức dân sự hỗ trợ nạn nhân sau khi được giải cứu.


(4)    Phá vỡ đường dây buôn lậu người: Thông tin thu thập được từ nạn nhân hoặc gia đình của nạn nhân sẽ được được dùng để tạo áp lực quốc tế lên chính quyền Việt Nam, đòi hỏi họ thực sự điều tra tận gốc và khởi tố các thành phần chủ chốt trong đường dây buôn người, kể cả các quan chức bảo kê, nếu có. Năm nay, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi về tình trạng buôn người. Nếu không chứng minh thiện chí cải thiện, Việt Nam có thể bị xếp hạng 3 (Tier 3) trong năm 2020 và, như vậy, sẽ bị chế tài về mậu dịch với Hoa Kỳ.


(5)    Phòng ngừa: Phòng ngừa là phương cách chống buôn người và buôn lậu người tận gốc. Người dân càng ý thức về các rủi ro và biết cách phòng thâ thì càng ít người trở thành nạn nhân. BPSOS đã soạn nhiều tài liệu hướng dẫn, nay chỉ cần phổ biến thật rộng đến người dân.

Các công việc kể trên đòi hỏi sự nhập cuộc của các tổ chức tôn giáo, các tổ chức xã hội dân sự, các văn phòng luật sư, các bloggers, các Facebookers, các văn nghệ sĩ có nhiều fan theo dõi… Ai ai quan tâm cũng đều có thể tiếp một tay. Xem: http://www.camsa-coalition.org/vi/


Một trong số hơn 200 nạn nhân buôn người ở Jordani, tháng 2, 2008

Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới ở Á Châu (CAMSA)

BPSOS bắt đầu nỗ lực chống buôn người năm 1999 với cuộc giải cứu 250 nạn nhân người Việt và 30 nạn nhân người Hoa bị buôn sang đảo American Samoa. Nỗ lực này được nới rộng năm 2008 khi BPSOS hình thành Liên Minh Bài Trừ Nộ Lệ Mới Ở Á Châu (CAMSA) với các văn phòng đặt ở Taipei, Đài Loan; Penang và Kuala Lumpur ở Malaysia; và Bangkok, Thái Lan. Tính đến năm 2015, CAMSA đã thực hiện hơn 70 vụ giải cứu và giải cứu 5,000 nạn nhân ở 20 quốc gia. Bắt đầu năm 2012 CAMSA cũng đã cung cấp thông tin và vận động quốc tế lên tiếng về tình trạng người Việt làm nô lệ lao động trong các xưởng may ở vùng Moscow và phụ cận; năm 2014 cảnh sát liên bang Nga đã giải cứu hơn 6,000 nạn nhân Việt. Xem: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/victoria-co-changes-name-4-repatriation-tq-12062012141431.html

Năm 2011, Tổng Thống và Chủ Tịch Quốc Hội Đài Loan trao giải thưởng cho BPSOS để ghi nhận những thành quả về chống buôn người trong khu vực Á Châu – Thái Bình Dương.

Tuy CAMSA thành công trong việc giải cứu nạn nhân, đấy vẫn chỉ là đối phó đằng ngọn. Để giải quyết đằng gốc, năm 2011 CAMSA hỗ trợ Dòng Chúa Cứu Thế ở Thái Hà mở văn phòng chống buôn người, chủ yếu giúp người dân phòng ngừa để không trở thành nạn nhân, và khi có người thân đã là nạn nhân thì biết cách cầu cứu. Ngoài việc truyền thông, văn phòng này đã góp phần giải cứu một số nạn nhân từ Trung Quốc và Đài Loan. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm văn phòng này giải tán vì thiếu nhân sự làm việc. Cho đến nay vẫn không có một nỗ lực thay thế nào.

Ở Việt Nam có một ít tổ chức từ Hoa Kỳ và từ Úc được phép hoạt động chống buôn người. Tuy nhiên họ chỉ đối phó các vụ “cò con” và tuyệt nhiên tránh đụng chạm các đường dây buôn người hay buôn lậu người được các quan chức bảo kê. Chính quyền Việt Nam đã khôn ngoan kể công về các tổ chức này để chứng tỏ với thế giới thiện chí chống buôn người.

Năm 2015, chúng tôi tạm đình chỉ chương trình CAMSA vì xét thấy không thể cứ mãi mãi giải cứu đồng bào mà thiếu hẳn nỗ lực ngăn ngừa tận gốc. Chúng tôi hy vọng rằng cái chết thảm khốc của 39 đồng bào mới đây sẽ đủ sức đánh động sự quan tâm của người Việt ở trong và ngoài nước để cùng nhau dồn sức diệt tận gốc đường dây buôn người liên can. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ thông tin và kinh nghiệm.

Với kinh nghiệm tích luỹ được, chúng tôi hy vọng, một số nhóm sẽ tiếp tục hoạt động và tạo thành liên minh dài lâu để giải trừ tận gốc nạn buôn người và buôn lậu người ở Việt Nam. Khi có một nỗ lực nghiêm chỉnh và rốt ráo ở trong nước, chúng tôi sẵn sàng mở lại chương trình CAMSA để phối hợp hành động.

Xin liên lạc với chúng tôi tại: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..

 

Tổng Thống và Chủ Tịch Quốc Hội Đài Loan trao giải thưởng cho BPSOS, ngày 10/12/2011