CAMSA: Ả Rập Xê Út cần điều tra và cô lập thành phần bất hảo ở trại SAKAN

  • Việt Nam không thể chứng minh thực tâm phòng, chống buôn người bằng cách bịt miệng nạn nhân

Ngày 16 tháng 12, 2021

Tổ chức phòng chống buôn người CAMSA kêu gọi chính quyền Ả Rập Xê Út điều tra 2 nữ lao động VIệt Nam đang thao túng trung tâm bảo trợ xã hội SAKAN và đe doạ các nạn nhân buôn người đang tạm trú tại đây.

Bản báo cáo đã dựa vào lời khai của nhiều nữ lao động vừa hồi hương và những lời phát biểu và tin nhắn của chính 2 người này. Qua đó, có nhiều chỉ dấu cho thấy họ có liên hệ mật thiết với các đường dây buôn người của người Việt cũng như với một số viên chức toà đại sứ Việt Nam ở Ả Rập Xê Út.  

Hai nữ lao động này một mặt khống chế các nạn nhân đang tạm trú tại Trung Tâm SAKAN, mặt khác lên Facebook lăng mạ tất cả những nạn nhân nào lên tiếng tố giác tình trạng buôn người.

Screenshot of report

Các lời khai của nhân chứng và những đoạn thu âm cho thấy 2 người này liên tục chửi bới, đe doạ và hành hung một số nạn nhân đang tạm trú tại SAKAN, thậm chí đòi giết họ: “Tao mà biết là đứa nào là tao đập chết mẹ đứa đó, nói cho tụi bây biết, tao không phải nói mà không làm đâu nhe... Mày tới số thì ở đâu cũng chết à. ĐM như mày cái số chết là chết chắc rồi.”

Nhiều khi họ hành xử thô lỗ và mang tính cách khủng bố tinh thần như vậy ngay trước mặt của các viên chức toà đại sứ Việt Nam. Các viên chức này không hề lên tiếng can gián mà có khi tỏ vẻ đồng tình.

Một trong 2 người nữ này, sinh năm 1984 và đến Ả Rập Xê Út tháng 8 năm 2017, tự nhận là “đội trưởng” của tất cả các lao động Việt Nam tại Trung Tâm SAKAN. Trong một video livestream trên Facebook mới đây, cô ta khoe nắm thông tin cá nhân của tất cả chị em lao động tại đây, bao gồm ảnh chụp passport, exit visa, hình chụp nhận diện khi nhập trại, đơn trình bày gửi toà đại sứ Việt Nam… Điều này cho thấy Trung Tâm SAKAN và Toà Đại Sứ Việt Nam phi phạm nghiêm trọng nguyên tắc bảo mật thông tin cá nhân của người lao động.

Đáng quan ngại hơn nữa, nhân vật bất hảo này từng bị cáo buộc là đã hối lộ 2000 Rials cho một nhân viên của Trung Tâm SAKAN để đưa một số chị em ra ngoài làm việc, kể cả hành nghề mãi dâm.

Người thứ hai, sinh năm 1988 và đến Ả Rập Xê Út tháng 10 năm 2018, thường xuyên lên Facebook công kích những nạn nhân lên tiếng cầu cứu, gọi họ là “chó phản động,” “đồ phản quốc”. Người này đã từng ăn trộm tiền của 2 nữ lao động ở chung phòng, hành hung một nữ lao động (nay đã hồi hương) chỉ vì người này đã lỡ dùng nhà vệ sinh khi cô ta muốn đi vệ sinh, và thường xuyên báo cáo các chị em lao động khác với người của toà đại sứ Việt Nam. Ngày 9 tháng 12, người này lên Facebook livestream khoe là nhận được tài trợ của toà đại sứ Việt Nam để tổ chức bữa tiệc chia tay cho những người sắp hồi hương.

Việt Nam có không đầy 4 tháng để chứng tỏ thực tâm phòng, chống buôn người nếu không muốn bị Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xếp hạng 3, tức hạng chót, về buôn người. Quốc gia bị xếp hạng 3 sẽ phải chịu một số biện pháp chế tài nhắm vào cả chế độ và các cá nhân liên quan đến hành vi buôn người.

Thay vì bảo vệ nạn nhân, truy tố thủ phạm và triệt phá các đường dây buôn người, chính phủ Việt Nam đang sử dụng các thành phần bất hảo để bịt miệng nhân chứng. Do hớ hênh, các thành phần bất hảo này đã khoe ra quan hệ mật thiết của họ với toà đại sứ Việt Nam.

Tổ chức CAMSA đã lưu lại tất cả các đoạn thu âm lời phát biểu và bản chụp màn hình các bình luận trên Facebook của 2 nhân vật bất hảo kể trên. Một đoạn thu âm tiêu biểu: https://drive.google.com/file/d/1lznJxqtx-Hnj_n6_tfgrDia_fm7_tDcK/view?usp=sharing

Trong văn thư gửi Hội Đồng Nhân Quyền của Ả Rập Xê Út, CAMSA yêu cầu phải cô lập hai nhân vật bất hảo kể trên và giám sát chặt chẽ ban quản trị Trung Tâm SAKAN.

Trước đây, ngày 24 tháng 9, tổ chức CAMSA đã chuyển đến LHQ, chính phủ Ả Rập Xê Út và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ bản báo cáo về 3 đường dây buôn người do người Việt tổ chức tại Ả Rập Xê Út, có dính líu đến một viên chức Toà Đại Sứ Việt Nam.