- BPSOS tiếp tục theo dõi và can thiệp để nạn nhân đòi công lý và bồi thường
Mạch Sống, ngày 9 tháng 11, 2022
Cô Mùa Thị La, 24 tuổi, đang trên đường hồi hương từ Vương Quốc Ả Rập Xê Út sau hơn 4 năm là nạn nhân của chương trình xuất khẩu lao động của nhà nước Việt Nam.
“Chúng tôi vui mừng được tin cô La sắp đoàn tụ với gia đình ở Việt Nam,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, chia sẻ. “Chúng tôi cảm ơn tổ chức quốc tế đã tài trợ tiền vé máy bay và chính phủ Ả Rập đã can thiệp về giấy tờ cho cô La hồi hương.”
Hình 1 -- Cô Mùa Thị La quá cảnh tại phi trường Philippines, ngày 9 tháng 11, 2022
Ngày 21 tháng 01 năm 2019, công ty VINAGIMEX gửi cô La đi làm ô-sin ở Ả Rập Xê Út với hứa hẹn công việc tốt. Nhưng thực tế không phải vậy. Cô được đưa đến thành phố Jeddah và giao cho một bà chủ độc ác. Cô bị bà chủ bắt làm việc tới 22 giờ mỗi ngày, bị bỏ đói và thường xuyên bị đánh đập. Có khi cô bị dìm nước, bị bóp cổ và bị đánh đến hôn mê. Có lần cô bị nhốt trong nhà vệ sinh suốt 20 ngày và chỉ được cho ăn đủ sống. Không được trả lương, mỗi lần cô La nhắc tiền lương thì bị bà chủ đánh đập, chửi mắng, làm nhục.
Có lần cô La chạy thoát và tìm đến đồn cảnh sát cầu cứu. Khi cảnh sát đưa cô về nhà bà chủ để thu dọn hành lý thì bà chủ bắt giữ cô lại và đuổi cảnh sát đi. Sau một năm rưỡi bị đày đoạ, một hôm không ai ở nhà, cô La leo cửa số trốn thoát thành công. Cô ra đi với 2 bàn tay trắng và phải bỏ lại tất cả hành lý và giấy tuỳ thân. Cô mất luôn 10 tháng lương không được trả.
Cô La gọi về cho người môi giới của VINAGIMEX để cầu cứu; người này cho biết sẽ nhờ người làm việc ở toà đại sứ Việt Nam ở Ả Rập Xê Út can thiệp. Tuy nhiên, không có sự can thiệp nào và cô La phải làm việc chỗ này chỗ kia qua them 3 đời chủ, xen kẽ những khoảng thời gian sống lang thang vỉa hè, vô gia cư.
Tháng 9 năm 2021, người thân của cô ở VIệt Nam bắt liên lạc được với BPSOS nhờ theo dõi các vụ giải cứu nạn nhân ở Ả Rập Xê Út. Lúc ấy cô La đang ở nhà của người chủ thứ tư.
Ngày 15 tháng 10, người chủ này bất ngờ đuổi cô ra khỏi nhà với ít tiền mặt. Ngay khi được báo tin bởi thân nhân ở Việt Nam của cô La, BPSOS đã báo động với cảnh sát Ả Rập. Cơ quan cảnh sát quốc gia đã gửi tin báo động tất cả các đồn cảnh sát ở thành phố Jeddah kèm với hình nhận diện do BPSOS cung cấp.
“Rất may mắn, đến cuối ngày thì chúng tôi nhận tin báo là một đồn cảnh sát đã nhận diện được cô La khi cô bước vào để xin trợ giúp,” Ts. Thắng tường thuật. “Thế là họ lập tức đưa cô vào trung tâm bảo trợ xã hội ở trong thành phố.”
Sau khoảng 6 tháng, cô La được chuyển về trại SAKAN ở thủ đô Riyadh. Thân nhân ở Việt Nam nhiều lần yêu cầu công ty VINAGIMEX nhanh chóng đưa cô hồi hương. Khi người nhà của nạn nhân liên tục hối thúc thì được trả lời là cô La phải ở lại Ả Rập Xê Út nếu muốn công ty đang đòi lại số tiền lương bị quỵt từ các người chủ.
“Lẽ ra họ phải giải quyết đưa nạn nhân về nước thật sớm và tự trích quỹ bồi thường cho nạn nhân khoản tiền lương bị quỵt,” Ts. Thắng giải thích. “Còn họ có thu hồi được đồng nào từ nhà chủ hay không thì đó việc họ phải tự giải quyết, không liên quan gì đến nạn nhân.”
Trước tình trạng tắc trách của công ty VINAGIMEX, BPSOS đề nghị chính quyền Ả Rập giải quyết giấy tờ và một tổ chức quốc tế trang trải chi phí hồi hương cho cô La.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ cô La để đòi cho kỳ được công lý và sự bồi thường thoả đáng từ công ty VINAGIMEX,” Ts. Thắng cho biết. “Chúng tôi cũng kỳ vọng là nhà nước Việt Nam sẽ hợp tác nếu không muốn tiếp tục bị chính phủ Hoa Kỳ xếp Hạng 3 về buôn người và phải đối mặt nhiều biện pháp chế tài.”
Thông tin liên quan:
Thân gái dặm trường: sau gần 3 năm bị dập vùi, nữ lao động Việt được cảnh sát Ả Rập bảo vệ: https://machsongmedia.org/vietnam/chong-buon-nguoi/1761-than-gai-dam-truong-nu-lao-dong-viet-duoc-canh-sat-a-rap-bao-ve-sau-gan-3-nam-bi-dap-vui.html
Video trần tình của cô La sau một trận đòn chí tử: https://www.facebook.com/CAMSA.International/videos/242652597844644