Chụp màn hình từ buổi điều trần ngày 9/7/2024.
Hải Di Nguyễn
Ngày 24/6/2024, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố phúc trình về nạn buôn người (Trafficking in Persons Report hay TIP Report).
Trong đó, Việt Nam được đưa lên hạng 2 (Tier 2) và được rút khỏi Danh sách Theo dõi.
Ngày 9/7 vừa qua, Dân biểu Chris Smith, tác giả Đạo luật Bảo vệ Nạn nhân Buôn người (Trafficking Victims Protection Act) năm 2000, đã chủ trì một phiên điều trần quốc hội về bản phúc trình trên.
Ông vài lần nhắc tới Việt Nam và việc Việt Nam được Hoa Kỳ nâng hạng.
Phúc trình năm 2024 về nạn buôn người
Mặc dù tăng hạng cho Việt Nam và nói Việt Nam “đang có nỗ lực đáng kể để [xóa bỏ nạn buôn người]”, bản phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ nói “Chính phủ [Việt Nam] không chủ động và nhất quán báo cáo về việc sàng lọc, xác định, hoặc cung cấp các dịch vụ chuyên biệt cho nạn nhân bị buôn bán lao động hoặc tình dục trong số những người trở về từ các ổ lừa đảo trực tuyến, bao gồm những người được chính phủ trực tiếp hồi hương.”
Họ nói nhà nước Việt Nam “không xác định được nạn nhân buôn người nào có quốc tịch nước khác”.
Quan trọng hơn, họ nói Việt Nam “không báo cáo bất kỳ vụ điều tra, truy tố, hoặc kết án nào với các nhân viên chính phủ đồng lõa với tội phạm buôn người”; và “các cơ quan chức năng khép lại vụ điều tra một nhà ngoại giao bị cáo buộc trực tiếp tạo điều kiện buôn bán người lao động là công dân Việt Nam tại Ả Rập Xê Út năm 2021” và “đồng thời phục chức cho nhà ngoại giao này trong Cục Lao động, Thương binh và Xã hội”.
Dân biểu Chris Smith nói gì?
Tại buổi điều trần ngày 9/7/2024, Dân biểu Chris Smith nhắc tới các đường dây lừa đảo ở Miến Điện, Lào, và Campuchia, và nói “Các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore, và Việt Nam làm rất ít để chống nạn buôn người tràn lan trong và qua biên giới của họ.”
Ông nói mình đã thúc đẩy việc này nhiều năm nay, đã tới Việt Nam nhiều lần, đã gặp các nhà hoạt động nhân quyền và nạn nhân. “Việt Nam không có lý do xác đáng để được nâng cấp từ Danh sách Theo dõi Hạng 2 lên Hạng 2. Chúng ta không thể khen thưởng Đảng Cộng sản Việt Nam vì nhiều lần đánh lừa Hoa Kỳ về những nỗ lực yếu kém của họ trong việc chống buôn người.”
Sau đó tại cùng buổi điều trần, Dân biểu Chris Smith lại nhắc tới Việt Nam lần nữa, nói tới việc trước đây chính quyền Bush chỉ vì muốn ký thỏa thuận thương mại mà rút Việt Nam khỏi danh sách Quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) về tự do tôn giáo.
“Ngày [Việt Nam] có thỏa thuận thương mại, họ nói sẽ không có bất kỳ liên hệ gì tới nhân quyền, kể cả tự do tôn giáo. Tôi không thể tin được họ có thể trơ tráo và vô ơn đến vậy với sự khúm núm của George W. Bush.”
Ông cho rằng vấn đề buôn người cũng tương tự: Hoa Kỳ “muốn lấy lòng chính phủ Việt Nam” bằng cách làm ngơ “những vi phạm nhân quyền rất nghiêm trọng” như vấn đề tự do tôn giáo và tự do báo chí, vấn đề tra tấn, và nạn buôn người.
“Ngay cả vụ truy tố đầu tiên theo luật của tôi, Đạo luật Bảo vệ Nạn nhân Buôn người năm 2000, là truy tố chính phủ Việt Nam.”
TS. Nguyễn Đình Thắng cho biết, đây là vụ buôn người xảy ra ở American Samoa năm 1999 mà BPSOS đã khui ra. Khi Luật Bảo vệ Nạn nhân Buôn người vừa có hiệu lực đầu năm 2001, lập tức cơ quan FBI thực hiện cuộc giải cứu cho khoảng 150 nạn nhân người Việt và 30 nạn nhân người Hoa.
Thủ phạm chính, ông Kil Soo Lee, người Hàn Quốc, bị tuyên án tù 40 năm. Tòa án cấp cao của American Samoa tuyên phạt hai công ty xuất khẩu lao động quốc doanh của Việt Nam phải bồi thường 3.5 triệu USD cho các nạn nhân, nhưng họ quỵt tiền bồi thường và giải thể.
“Tại sao Việt Nam không ở Hạng 3?”, Dân biểu Chris Smith đặt câu hỏi cho bà Cindy Dyer, Đại sứ Lưu động Hoa Kỳ về việc giám sát và chống buôn bán người.
Đại sứ Cindy Dyer trả lời như thế nào?
Đại sứ Cindy Dyer giải thích “Việt Nam ở trong tình trạng là không thể tiếp tục nằm trong Danh sách Theo dõi Hạng 2, năm nay họ phải lên hạng hay xuống hạng.”
Bà nói, khi nhìn vào nhiều khía cạnh khác nhau, “[Việt Nam] đã tiến bộ so với năm ngoái.”
Đại sứ Cindy Dyer đưa ra một số con số và lập luận đã có trong bản phúc trình. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận là Việt Nam vẫn còn vấn đề trong cách phòng ngừa và đối phó với nạn buôn người, và nhắc tới việc một nhà ngoại giao bị điều tra rồi sau đó được phục chức.
Cáo buộc của Dự án 88
Ngày 20/6/2024, trước khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố bản phúc trình, Reuters đưa tin là Dự án 88 (Project 88) “cho biết rằng Việt Nam đã chỉ đạo các quan chức của mình giữ kín thông tin với phía Washington để đánh bóng những nỗ lực của nước này trong việc giải quyết nạn buôn người.”
Dự án 88 “đưa ra cáo buộc dựa theo các tài liệu chính thức của Việt Nam mà họ cho biết đã có được.” Họ cáo buộc Việt Nam “đưa thông tin sai lệch và cố gắng che đậy các vụ buôn người có dính líu tới các quan chức nhà nước.”
Dân biểu Chris Smith đặt “câu hỏi về sự trung thực và chính xác” của Việt Nam
Sau câu trả lời của Đại sứ Cindy Dyer, Dân biểu Chris Smith nhắc tới bài báo của Reuters và nói “Đang dấy lên câu hỏi về sự trung thực và chính xác trong cách Hà Nội cung cấp thông tin cho chúng ta. Khi một chính phủ nổi tiếng vi phạm [nhân quyền] trong vô số lĩnh vực khác nhau, cần phải có hoài nghi—hoài nghi lành mạnh—về những con số họ đưa ra.”
Ông nói Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ so sánh với năm ngoái, nhưng năm ngoái lẽ ra Việt Nam phải ở Hạng 3.
“Tôi lo ngại rằng những cân nhắc về địa chính trị đang lấn át quan ngại về quyền con người.”
Dân biểu Chris Smith cũng nhắc tới tổ chức BPSOS và TS. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc và Chủ tịch của BPSOS, có mặt tại buổi điều trần. Ông nói với Đại sứ Cindy Dyer BPSOS là một tổ chức có uy tín và đáng tin cậy về thông tin.
TS. Nguyễn Đình Thắng cho biết, sau buổi điều trần, ông đã tiếp xúc riêng với Đại sứ Dyer và giải thích rằng các con số Việt Nam cung cấp đều bỏ ra ngoài các trường hợp buôn người dưới chương trình xuất khẩu lao động do nhà nước quản lý. Ông cũng cho bà Dyer biết, chính BPSOS đã khui ra hai giới chức ở Đại sứ quán Việt Nam ở Ả Rập Xê Út dính líu tới đường dây buôn người, và bày tỏ thất vọng khi Việt Nam ngưng điều tra và phục chức họ. Ngược lại, các nạn nhân của họ khi về nước không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào; thậm chí có người còn bị đe dọa, bị cấm không được cung cấp thông tin cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hay các cơ quan LHQ.
Đại sứ Dyer hẹn sẽ mời TS. Thắng đến Bộ Ngoại giao họp để tìm hiểu thêm.