CAMSA Đẩy Mạnh Kế Hoạch Bảo Vệ Người Lao Động Ở Malaysia

Tiếp theo việc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách cần theo dõi về nạn buôn người, Liên Minh CAMSA chủ trương vô hiệu hoá việc chính phủ Việt Nam ngăn cấm công nhân lao động ngoài nước không được tham gia các tổ chức nghiệp đoàn ở quốc gia sở tại.

“Đây là một trọng tâm ngay trước mắt của CAMSA ở Malaysia,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành BPSOS và đồng sáng lập viên CAMSA, nhận định từ thủ đô Kuala Lumpur.

Tuần qua, Ông hướng dẫn phái đoàn từ Hoa Kỳ đến Malaysia để chuẩn bị kế hoạch hành động của CAMSA cho 12 tháng tới.

(Hợp đồng do Toà Đại Sứ Việt Nam Quy Định)

Theo Ông, từ trước đến giờ chính phủ Việt Nam ép các công ty môi giới phải cấm công nhân không được tham gia nghiệp đoàn ở quốc gia nơi họ lao động. Việc ngăn cấm này vi phạm luật pháp Malaysia vốn cho phép công nhân nước ngoài được toàn quyền tham gia nghiệp đoàn và cũng vi phạm điều kiện cho quy chế Hệ Thống Ưu Đãi Thuế Quan Tổng Quát (Generalized System of Preferences) mà Việt Nam đang vận động để được Hoa Kỳ ban cấp. Nếu được quy chế này thì Việt Nam sẽ được Hoa Kỳ miễn hoặc giảm thuế cho nhiều mặt hàng nhập vào Hoa Kỳ.

“Đáng quan tâm nhất, việc ngăn cấm này tạo điều kiện cho sự bóc lột và những đối xử bất công đối với công nhân đi lao động ngoài nước,” Ts. Thắng nói.

Tham gia nghiệp đoàn có thể đem lại sự bảo vệ trước những ngược đãi hay bóc lột của chủ sử dụng lao động. Ngăn cấm công nhân tham gia nghiệp đoàn đồng nghĩa với ngăn cấm họ tự vệ trước nguy cơ bị bóc lột hay buôn bán.

Bản phúc trình năm 2010 của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã chỉ trích điều ngăn cấm này trong các hợp đồng theo quy định của nhà nước Việt Nam.
 
Trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh BBC ngày 1 tháng 7 vừa qua Ông Nguyễn Văn Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn, phủ nhận rằng chính quyền Việt Nam có chính sách ngăn cấm công nhân lao động ngoài nước tham gia nghiệp đoàn.

“Tôi lấy làm ngạc nhiên về sự phủ nhận này bởi vì chúng tôi có chứng cớ hẳn hòi,” Ts. Thắng phát biểu.

Chứng cớ này là mẫu hợp đồng do Toà Đại Sứ Việt Nam ở Kuala Lumpur quy định chủ sử dụng phải áp dụng đối với công nhân Việt Nam. Điểm 18.5 của văn kiện này nêu rõ việc cấm đoán công nhân tham gia các hoạt động nghiệp đoàn ở Malaysia; nếu vi phạm thì chủ nhân có toàn quyền sa thải công nhân. Theo luật Malaysia, một khi bị sa thải thì công nhân ngoại kiều lập tức bị trục xuất và do đó không có cơ hội để đòi công lý.

Các chủ sử dụng lao động ở Malaysia thường khai thác tình trạng này để quịt tiền lương của công nhân: Sau nhiều tháng không trả lương, họ sa thải công nhân và giao công nhân cho cảnh sát trục xuất.

Tại buổi họp ngày 9 tháng 7 với Ông Syed Shahir, Chủ Tịch Nghị Hội Các Nghiệp Đoàn Malaysia (MTUC), phái đoàn CAMSA đã thảo luận kế hoạch vô hiệu hoá điều khoản ngăn cấm trong hợp đồng theo quy định của nhà nước Việt Nam.

“Một mặt chúng tôi hướng dẫn cho công nhân hiểu về sự vi luật của điều khoản này. Mặt khác chúng tôi tạo cơ hội để công nhân tham gia nghiệp đoàn nếu có ý muốn”, Ts. Thắng n ói.

Theo Ls. Daniel Lo, Quản Trị Viên toàn quốc của CAMSA ở Malaysia, trong 6 tháng qua CAMSA đã phối hợp với Nghị Hội Các Nghiệp Đoàn Malaysia để huấn luyện cho nhiều trăm công nhân về quyền và lợi ích của họ chiếu theo luật Việt Nam, luật Malaysia và luật quốc tế.

Ngoài việc huấn luyện công nhân, trong thời gian tới đây CAMSA còn phát triển mạng lưới ngày càng nở rộng với các hội thánh Tin Lành, các nhà thờ Công Giáo, các tổ chức dân quyền ở trên toàn quốc Malaysia. Qua đó CAMSA sẽ đưa tin tức cập nhật và bổ ích đến cho công nhân, nhận diện các nạn nhân cần cứu giúp, và phối hợp vận động chính quyền trong việc điều tra và truy tố thủ phạm.

Cùng tham gia trong phái đoàn CAMSA còn có Ls. Lê Duy Phong, Phối Hợp Viên Nhân Quyền và Công Lý Xã Hội của BPSOS.


***

Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia) trong tiếng Anh, hiện gồm năm tổ chức thành viên: BPSOS, Uỷ Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, Liên Hội Người Việt Canada, Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức), và Tenaganita (Mã Lai). Sau một năm hoạt động, Liên Minh CAMSA đã can thiệp cho trên 30 vụ lớn nhỏ, ảnh hưởng đến ba ngàn công nhân. Liên Minh CAMSA cần sự yểm trợ của đồng bào để tiếp tục phát triển hoạt động nhằm can thiệp và trợ giúp nạn nhân, truy tố thủ phạm, và thúc đẩy những thay đổi về chính sách của các quốc gia.

Mọi đóng góp yểm trợ cho Liên Minh CAMSA, xin đề cho và gởi về:

BPSOS/CAMSA
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041 - USA