Hãy nói trước mục tiêu và để người khác đánh giá
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 19 tháng 11, 2016
Cuối tuần rồi, sau khi tôi trình bày kế hoạch dân chủ hóa Việt Nam tại buổi gây quỹ "Góp Một Bàn Tay" ở Seattle, một nhóm anh em quan tâm muốn gặp riêng để hỏi han thêm. Dù đã khuya, chúng tôi vẫn tranh thủ ít tiếng đồng hồ còn lại với nhau để chuyện trò vì mỗi người đến từ một phương trời và hôm sau có người sẽ từ biệt để về Sacramento và Vancouver, Canada. Một câu hỏi được đặt ra vào cuối buổi tâm tình: Sau 5 năm thực hiện, kế hoạch có tiến triển gì không?
“Thưa có. Còn ở mức nào thì quý anh có thể đối chiếu thực tế với các mục tiêu được báo trước trong quyển sách mà BPSOS phát hành cách đây hơn 6 năm,” tôi trả lời. Và tôi hứa sẽ gửi tặng mỗi người sách Thông Điệp Hy Vọng và Trách Nhiệm.
Thái độ sòng phẳng
Ngay từ khi bước vào con đường hoạt động, tôi đã chủ trương là hễ đứng ra kêu gọi sự ủng hộ hay hợp tác của người khác thì tôi nhất thiết phải nói trước những mục tiêu sẽ đạt, để bất kỳ ai khác cũng có thể tự mình phối kiểm. Theo tôi, đó là sự sòng phẳng tối thiểu ở đời.
Khi gọi vốn làm ăn, người chủ xướng bắt buộc phải nói trước thời điểm mà người đầu tư sẽ hồi vốn: 6 tháng, 1 năm, hay 2 năm, chứ không thể nói vu vơ kiểu “cứ tin tôi đi, sẽ có ngày hồi vốn và có lời.” “Nói trổng” kiểu đó thì đố mà tìm được người hùn vốn.
Chuyện đất nước thì lại càng không thể “nói trổng” -- tuyên bố vu vơ về một thay đổi mơ hồ trong một tương lai mịt mờ nào đó là không thể chấp nhận – vì nó hệ trọng cho gần trăm triệu sinh linh, và vì những người hợp tác cống hiến tâm huyết, giấc mơ, cuộc sống và có khi cả cuộc đời, chứ không phải chỉ là tiền bạc, mất đi thì còn lấy lại hay gầy dựng lại được. Người chủ xướng những việc liên quan đến đất nước bắt buộc phải nêu được các mục tiêu để những ai hợp tác hay ủng hộ đều có thể tự họ đo lường tiến độ và mức thành, bại của công việc.
Một mục tiêu đúng nghĩa phải hội đủ 5 yếu tính:
Tác giả cùng với LM Cao Thế Bình tại buổi gây quỹ "Góp Một Bàn Tay" yểm trợ vụ kiện Formosa, Seattle, ngày 12/11/2016
(1) Cụ thể, nghĩa là phải biết đích xác đâu là các thành quả để theo dõi và đánh giá;
(2) Đo lường được, nghĩa là thành quả phải quy ra được thành con số có thể cộng trừ nhân chia;
(3) Khả thi, nghĩa là thành quả phải hợp lý chứ không viển vông hay vung vít;
(4) Thích hợp, nghĩa là phải phản ảnh được sự thay đổi nơi đối tượng mà mình muốn phục vụ hay tác động;
(5) Có tính thời gian, nghĩa là phải có thời điểm mốc để phối kiểm chứ không mịt mờ vô định.
Khi đạt đủ 5 yếu tính này thì người hợp tác với mình hay ủng hộ mình mới đánh giá được công việc của mình bằng cách đối chiếu thành quả thực tế với mục tiêu đã đề ra từ trước. Quan trọng không kém, phải có mục tiêu với đủ 5 yếu tính kể trên thì chính mình mới biết là mình đang tiến hay lùi, đang dậm chân tại chỗ hay đi lòng vòng.
Các mục tiêu trong “Thông Điệp Hy Vọng và Trách Nhiệm”
Tôi bắt đầu soạn quyển sách này cuối năm 2009 và BPSOS phát hành nó ngày 1 tháng 5, 2010. Sách đề ra phương án và lộ trình 10 năm để dân chủ hoá Việt Nam. Phương án ấy dùng lực và thế của người Việt ở hải ngoại làm đòn bẩy để khởi động tiến trình chuyển mối tương quan về lực và thế ở trong nước giữa người dân và chính quyền. Còn lộ trình thì gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu, từ 2010 đến 2015, chúng tôi dùng quốc tế vận để cài chế độ vào thế là nếu đàn áp người dân thì đồng nghĩa với vi phạm các cam kết quốc tế về nhân quyền. Giai đoạn 2, bắt đầu năm 2016, khai thác sự chuyển thế ở tầm vĩ mô này để phát triển lực và thế, ở cấp vi mô, cho các cộng đồng và tổ chức của người dân khắp nước.
Các mục tiêu cho đến cuối năm 2015, tức giai đoạn đầu, được ghi ở trang 14 – 15 của sách Thông Điệp Hy Vọng và Trách Nhiệm (xem http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2337) như sau:
(1) 30 tổ chức xã hội dân sự hội nhập vào các khối liên kết vùng và quốc tế và thực hiện các dự án hợp tác song phương hay đa phương độc lập với chính quyền;
(2) Các tổ chức tôn giáo phát triển hoạt động từ thiện, cứu tế, xã hội với tài khoản trợ cấp trực tiếp từ các chính quyền hay tổ chức quốc tế;
(3) Người lao động trong nước và ở ngoài nước có toàn quyền thành lập hay gia nhập công đoàn độc lập;
(4) Chính quyền Việt Nam ban hành luật chống buôn lao động theo tiêu chuẩn quốc tế và gồm điều khoản truy tố thủ phạm, bảo vệ và bồi thường cho nạn nhân, và ngăn ngừa qua thông tin quần chúng và hợp tác quốc tế;
(5) Các toà đại sứ Việt Nam thực thi đúng trách nhiệm bảo vệ công nhân lao động ngoài nước;
(6) Một cơ cấu được hình thành để theo dõi và tường trình việc thực thi pháp lệnh tín ngưỡng và tôn giáo, chính sách bảo vệ công nhân lao động ngoài nước, nỗ lực chống tham nhũng, và sự tuân thủ các hiệp ước mậu dịch;
(7) Mọi trường hợp bị bắt bớ, tù đày hay phải đi lánh nạn đều nhận được sự trợ giúp pháp lý thích đáng.
Trong tiến trình thực hiện kế hoạch ở giai đoạn 5 năm đầu, chúng tôi tiếp tục đề ra thêm những mục tiêu mới, như là chính quyền Việt Nam sẽ ký Công Ước LHQ về Chống Tra Tấn; sẽ luật hoá các cam kết quốc tế về tự do tôn giáo, chống tra tấn, quyền tiếp cận thông tin...; và sẽ trả tự do cho tù nhân lương tâm.
Căn bản cho sự hợp tác
Với những mục tiêu được đề ra từ trước, ai ai cũng có thể đánh giá tiến độ của kế hoạch 10 năm dân chủ hóa đất nước, ngay cả khi chúng tôi không hé lộ về công việc. Quả vậy, chúng tôi chủ trương hoạt động âm thầm trong giai đoạn 5 năm đầu, và mãi đến cuối năm 2015 mới bắt đầu công bố phần nào những hoạt động cụ thể để kêu gọi thêm nhiều người góp một bàn tay. Dù vậy, những ai theo dõi vẫn có thể đối chiếu những thay đổi trong thực tế với các mục tiêu đã đề ra từ 5 năm trước.
Một ý nghĩa quan trọng không kém khi đề ra trước mục tiêu là để chính chúng tôi tự đánh giá tiến trình thực hiện kế hoạch 10 năm dân chủ hóa đất nước. Các mục tiêu đúng nghĩa là mốc điểm để chúng tôi thường xuyên đo lường tiến độ của công việc, chọn trọng tâm phù hợp cho từng giai đoạn thực hiện kế hoạch, và giữ cho mình không lệch hướng do tác động của ngoại cảnh.
Ở mốc điểm 5 năm, tức là vào cuối năm 2015, trong số khoảng chục mục tiêu được đề ra từ trước, phần lớn chúng tôi đã đạt được hay đã tiến đến rất gần; số ít mục tiêu chưa tiến triển bao nhiêu là các mục tiêu tùy thuộc nhiều vào thiện chí của chính quyền Việt Nam.
“Thái độ nói trước mục tiêu là tiêu chuẩn để hợp tác, bất luận ai là người chủ xướng; do đó, khi một lời kêu gọi mà không đi kèm những mục tiêu đúng nghĩa thì tôi biết ngay rằng nó không nằm trong phạm vi để mình hợp tác," tôi chia sẻ với nhóm anh em thức khuya.
Rất có thể không phải ai cũng đồng ý với quan niệm về sự sòng phẳng ấy, nhưng tôi tin rằng chúng tôi đã hiểu nhau đủ để cảm thông và không phiền trách hay khó chịu về thái độ hành xử của nhau.
Chúng tôi chia tay nhau lúc hơn 1 giờ sáng. Đêm ấy có “siêu trăng”, gần 70 năm mới trở lại.
Bài liên quan:
Báo Trước, Làm Trước
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2479