Người dân có khả năng và trách nhiệm đẩy lùi “luật rừng”

  • Trường hợp một tín đồ Cao Đài bị cấm xuất cảnh

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 1 tháng 1, 2020

http://machsongmedia.com

Thỉnh thoảng tôi lại thấy lời bình trên Facebook: “Việt Nam có một rừng luật nhưng nhà nước chỉ dùng luật rừng”. Câu này sai cả về nội dung và về thái độ.

Về nội dung, hệ thống luật của Việt Nam hãy còn thưa thớt, lèo tèo so với hệ thống luật ở các quốc gia có nền pháp quyền phát triển, khi mà nhất nhất những đối tác dân sự giữa người dân với nhau hay hành chính giữa người dân và chính quyền đều được thể thức hoá và định chế hoá qua luật. Nói rằng Việt Nam có một rừng luật là vô tình khen hệ thống luật ở Việt Nam là phong phú đến mức dư thừa. Thực tế là ngược lại.

Về thái độ, đổ lỗi hiện trạng “luật rừng” cho nhà nước không thôi là một thái độ tiêu cực và tai hại. Thực ra, chính người dân có khả năng và có trách nhiệm đòi hỏi nhà nước tuân thủ luật pháp quốc gia. Thấy việc sai trái nhưng không làm gì cả để thay đổi thực trạng thì chẳng khác nào chấp nhận hay đồng loã cho nhà nước tự tung tự tác, diễn giải luật pháp tuỳ tiện. Chính thái độ này cũng góp phần không nhỏ tạo nên tình trạng luật rừng ở Việt Nam.

Để khuyến khích người dân chủ động thay đổi tình trạng luật rừng, tháng 10 năm 2018 BPSOS công bố Đề Án Dân Quyền Việt Nam với sự hợp tác của Liên Minh Chống Tra Tấn Việt Nam. Sứ mệnh của đề án này là thúc đẩy nhà nước Việt Nam thực thi nghiêm chỉnh luật quốc nội bằng cách thông tin, hướng dẫn và hỗ trợ cho người dân khai dụng luật Việt Nam để tự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Trong thời gian qua, đề án này đã tuyển chọn một số hồ sơ để cung cấp tư vấn pháp lý nhằm thử nghiệm khung luật của Việt Nam, thẩm định việc thực thi luật, và nhận diện các bất cập giữa luật quốc gia và các cam kết quốc tế.

Những bất cập được nhận diện được dùng làm đề tài quốc tế vận trong Đề Án Vận Động Cho Việt Nam, cũng của BPSOS. Hai đề án, một nhắm vào luật quốc nội và một nhắm vào luật quốc tế, là 2 chân để từng bước tiến đến thể chế pháp quyền. Người dân phải chủ động trên toàn lộ trình này.

Dưới đây là bài viết trên trang Facebook Đề Án Dân Quyền Việt Nam về một trường hợp vận dụng luật Việt Nam và áp lực quốc tế để đối phó với lệnh cấm xuất cảnh.

Xin quý vị giới thiệu với bạn hữu trang Facebook này:  https://www.facebook.com/Vietnamcivilrights/.

Biên bản "về việc chưa được xuất cảnh"


CHIA NHỎ VIỆC - PHƯƠNG PHÁP ĐỀ ÁN DÂN QUYỀN GIÚP ĐỠ THÀNH CÔNG ÔNG TRẦN QUỐC TIẾN ĐÒI ĐƯỢC QUYỀN XUẤT CẢNH

Tự do đi lại là một quyền của công dân Việt Nam được hiến định tại điều 23 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013. Tuy nhiên, nhiều năm qua, nhà nước Việt Nam đã chà đạp lên luật, tự cho phép mình dùng hình thức cấm xuất cảnh đối với những công dân có các hoạt động xã hội đối kháng hợp pháp. Ở đây chúng tôi sẽ trình bày trường hợp một tín đồ Cao Đài chân truyền đã kết hợp thành công quyền công dân và sức ép quốc tế khi bị cấm xuất cảnh.

Khi dùng biện pháp cấm xuất cảnh, nhà nước Việt Nam thường viện dẫn một số văn bản pháp quy dưới danh nghĩa bảo vệ an ninh quốc gia. Tuy nhiên lại không chính thức thông báo lý do, nại cớ bí mật quốc gia. Điều này hiển nhiên là không hợp pháp, lộng quyền và xâm hại trực tiếp đến quyền của công dân bởi bất cứ ai khi bị người khác kết lỗi, kết tội cũng có quyền được biết và kháng cáo. Thêm nữa, về thẩm quyền ra lệnh cấm thì hầu hết các lệnh này đều được ban hành bởi các cơ quan và cá nhân không có thẩm quyền theo chính các quy định trong hệ thống văn bản pháp quy hiện hành.

Trong nhiều năm qua, khá đông những người bị cấm xuất cảnh đã từng khiếu nại, khởi kiện hành chính và cùng nhau lập những hội bảo vệ, hội lên tiếng đấu tranh cho quyền được xuất cảnh nhưng không mang lại kết quả nào.

Ông Trần Quốc Tiến tại Hội nghị Tự do Tôn giáo hay Niềm Tin Đông Nam Á (SEAFORB), Thái Lan tháng 10 năm 2015 (ảnh BPSOS)

Ông Trần Quốc Tiến, một tín đồ theo đạo Cao Đài chân truyền 1926 ở Sài Gòn là người đã từng bị cấm xuất cảnh như thế. Tại thời điểm này ông và người thân có nhu cầu ra nước ngoài để dự lễ tốt nghiệp đại học của con gái ở Úc. Ông tìm đến Đề Án Dân Quyền xin tư vấn.

Khi tư vấn, chuyên gia của Đề Án Dân Quyền, một đề án do BPSOS hình thành vào tháng 10 năm 2018, thấy ra 2 yếu tố vi phạm nhưng để có căn cứ pháp lý đầy đủ ông Tiến đã chủ động thực hiện một chuyến xuất cảnh trước ngày dự định đi dự lễ tốt nghiệp đại học của con.

Ngày 30 tháng 11 năm 2019, ông Tiến thực hiện chuyến đi sang Campuchia qua Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài. Tại đây, ông đã bị cơ quan chức năng lập biên bản dừng xuất cảnh, như đã lường trước. Do đã được tư vấn, ông Tiến kiên trì truy ra nhóm nhân viên công vụ thực hiện lệnh dừng xuất cảnh, lý do cấm và ai là người ra lệnh cấm. Việc này thể hiện bước tiến dài trong kỹ năng làm việc giữa công dân với bộ máy công quyền Việt Nam vốn hay lạm dụng quyền lực như hiện nay.

Từ kết quả buổi làm việc đó, ông Tiến đã lập tức làm đơn yêu cầu cơ quan Công an thành phố Hồ Chí Minh phải giải quyết khẩn yêu cầu được xuất cảnh của mình với đầy đủ các căn cứ cho chuyến đi như đã nói. Đơn yêu cầu cũng nói rõ hậu quả pháp lý mà họ có thể phải chịu trách nhiệm nếu làm lỡ chuyến đi này của gia đình ông.

Song song, qua Đề Án Vận Động Quốc Tế, BPSOS đã báo động với Liên Hợp Quốc vì đây là trường hợp trả thù đối với người báo cáo vi phạm nhân quyền, một điều mà LHQ, nhiều quốc gia và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đang lên án mạnh mẽ. Trong bản phúc trình năm 2019 về hăm dọa và trả thù người báo cáo vi phạm, Tổng Thư Ký LHQ nêu đích danh Việt Nam. Ông Tiến đã từng làm nhiều bản báo cáo với LHQ về tình trạng nhà nước Việt Nam đàn áp, sách nhiễu, ép buộc những người theo đạo Cao Đài chân truyền phải cải đạo, phục tùng một tôn giáo khác do chính quyền nhào nặn ra. Ông đã từng tham dự Hội nghị Tự do Tôn giáo hay Niềm Tin Đông Nam Á (SEAFoRB) được tổ chức tại Thái Lan năm 2015, có sự tham gia của Báo cáo viên Đặc biệt về tự do tôn giáo hay niềm tin Heiner Bielefeldt. Trước và sau đó, Ông đã tiếp xúc nhiều giới chức, tổ chức quốc tế chuyên bảo vệ tự do tôn giáo khi họ đến Việt Nam thị sát tình hình tự do tôn giáo. Cấm xuất cảnh là một quyết định hành chính bảo thủ được dùng như một công cụ trả thù nhắm vào Ông Tiến, không liên quan gì tới vấn đề “an ninh quốc gia”.

Kết quả, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã làm việc và thông báo cho ông Trần Quốc Tiến biết ông vẫn được xuất cảnh bình thường vào ngày 6 tháng 12 năm 2019.

Ngày 7 tháng 12 năm 2019, ông và người thân đã ra nước ngoài tham dự lễ tốt nghiệp đại học của con gái mà không gặp phải cản trở nào ở sân bay cũng như khi trở về.

Ông Trần Quốc Tiến cùng các đại diện Khối Nhơn Sanh Đạo Cao Đài với giới chức của Văn Phòng Cao Uỷ Nhân Quyền LHQ, Sài Gòn ngày 15/04/2016 (ảnh KNS)

VÀI ĐIỀU CHÚNG TÔI MUỐN CHIA SẺ:

- Thay đổi thể chế là khó khăn nhưng nếu biết phân nhỏ việc thì chúng ta vẫn có thể thu hoạch được những thành công, giảm thiểu những thiệt hại cho mình từ sự lạm quyền, vô pháp của chính thể hiện nay. Có thể lệnh cấm xuất cảnh vì lý do an ninh với ông Tiến chưa hề được gỡ bỏ nhưng ít ra ông Tiến cũng không bị lệnh đó làm ảnh hưởng tới các quan hệ dân sự khác trong cuộc sống của mình.

- Muốn thay đổi một thực trạng, không thể chỉ nói khơi khơi mà cần phải có kỹ năng ứng xử uyển chuyển, mềm mỏng nhưng kiên trì, kiên quyết và phải có đầy đủ chứng cứ thể hiện thiện chí trong tranh đấu của mình.

- Phải có một tư duy hành động và kiểm soát tốt, tránh thụ động, lúng túng và phải biết vận dụng áp lực quốc tế qua các quan hệ công khai với các tổ chức, cá nhân khiến có uy tín để nhà nước Việt Nam phải e dè và lùi bước trong những tình huống ngoại giao bất lợi cho họ.

Những điều chúng tôi vừa chia sẻ chính là thông điệp chúng tôi gửi tới mọi người cho mục tiêu thực hiện dân quyền ở Việt Nam. Nếu bạn đã sẵn sàng, chúng tôi sẽ hỗ trợ và giúp đỡ bạn thực hiện hành động của mình. Chúng tôi sẽ sớm đăng video phỏng vấn ông Trần Quốc Tiến để chia sẻ thêm một vài kinh nghiệm rút từ vụ việc. Mời quý vị đón xem video này.


Ông Trần Quốc Tiến cùng đại diện Khối Nhơn Sanh Đạo Cao Đài tại cuộc họp với phái đoàn của Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (USCIRF), Sài Gòn ngày 25/08/2015 (ảnh KNS)

Ông Trần Quốc Tiến cùng với đại diện KNS Đạo Cao Đài tại buổi họp với Đại sứ Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ David Saperstein, Sài Gòn ngày 13/05/2015 (ảnh KNS)

Bài liên quan:

Chính người dân phải góp phần xây dựng thể chế pháp quyền
http://www.machsongmedia.com/vietnam/danchu/1515-2019-12-28-20-03-11.html

BPSOS công bố "Đề Án Dân Quyền Việt Nam"
http://www.machsongmedia.com/vietnam/chong-buon-nguoi/1403-2018-10-19-18-13-23.html