BPSOS: Tổng kết các hoạt động hướng về Việt Nam năm 2020

  • Các xuất liệu và thành quả phúc lợi

Mạch Sống, ngày 15 tháng 2, 2021

http://machsongmedia.org

Năm 2020 khép lại với con số tù nhân lương tâm tăng mạnh ở Việt Nam. Ngược lại, chúng tôi ghi nhận sự cải thiện đáng kể nơi khoảng 200 cộng đồng tôn giáo và sắc tộc trong sinh hoạt tôn giáo của họ. Hai khuynh hướng có vẻ ngược chiều này khẳng định một điểm chung: Các cộng đồng kể trên đã tăng nội lực đủ để từng bước tự bảo vệ quyền và lợi ích của mình; trong khi đó các người hoạt động đơn lẻ tiếp tục bị đàn áp nghiêm trọng vì họ không thể tăng nội lực khi hoạt động đơn lẻ.

BPSOS có 2 lĩnh vực hoạt động: Nội địa Hoa Kỳ và hướng về Việt Nam. Các hoạt động hướng về Việt Nam bao gồm:

  • Vận động quốc tế để áp lực Việt Nam tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền và đề nghị chế tài các thủ phạm vi phạm nhân quyền nghiêm trọng
  • Phát triển nội lực cho các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc ở Việt Nam
  • Hỗ trợ pháp lý cho các cá nhân và cộng đồng ở Việt Nam để bảo đảm dân quyền
  • Vận động tự do cho các tù nhân lương tâm ở Việt Nam
  • Hỗ trợ pháp lý cho người đi tị nạn ở Thái Lan
  • Chống buôn người

Con Dau August 22 2020

Các giáo dân thuộc Giáo Xứ Cồn Dầu, Đà Nẵng tưởng niệm nạn nhân của bạo hành vì tôn giáo hay niềm tin, 22/08/2020

Phát huy dân chủ

Ba lĩnh vực hoạt động đầu thuộc sách lược 10 năm dân chủ hoá đất nước. Trọng tâm của sách lược này là tăng sự can thiệp của quốc tế, tăng nội lực cho các cộng đồng người dân, và tăng sự tuân thủ luật pháp của chính quyền. Dưới đây là các xuất liệu chính yếu đạt được trong năm 2020 (xuất liệu là kết quả cần thiết nhưng chưa thể hiện phúc lợi cho đối tượng phục vụ):

  • Báo cáo hành vi vi phạm nhân quyền gửi LHQ và nhiều cơ quan chính quyền quốc tế: 60 bản báo cáo về vụ việc vi phạm, 17 bản báo cáo về hăm doạ và trả thù, 3 bản báo cáo về giam giữ tuỳ tiện
  • Các báo cáo tình hình nhân quyền nói chung: 14 bản báo cáo nộp cho các định chế nhân quyền LHQ và 8 bản phân tích để phổ biến quốc tế
  • Việt Nam bị Tổng Thư Ký LHQ nêu tên trong bản báo cáo về hăm doạ và trả thù, và đứng thứ 2, chỉ sau Trung Cộng, về số hồ sơ báo cáo
  • Đề nghị chế tài: 8 hồ sơ liên quan gần 20 quan chức
  • Đối tác với quốc tế: 15 buổi họp trực diện và trực tuyến cho khoảng 30 cộng đồng và tổ chức XHDS với các toà đại sứ, toà tổng lãnh sự, giới chức LHQ, giới chưc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, giới chức Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc tế
  • Huấn luyện dài hạn (12 tháng) cho 60 thành viên của các cộng đồng
  • Huấn luyện ngắn hạn cho 460 thành viên của các cộng đồng về luật quốc tế, luật Việt Nam, báo cáo vi phạm, an toàn mạng, truyền thông, tiếp xúc quốc tế…
  • Đào tạo nhóm NextGen, gồm 20 người trẻ từ 12 đến 25 tuổi, về quốc tế vận
  • Tăng toán chuyên gia pháp lý từ 3 lên 6 thành viên
  • Hỗ trợ pháp lý cho 22 cá nhân và cộng đồng để đòi hỏi chính quyền tuân thủ luật pháp quốc gia

Vụ Bổn

Công an tặng quà Giáng Sinh cho hội thánh người Hmong tại xã Vụ Bổn, Huyện Krong Pak, Tỉnh Dak Lak, ngày 24/12/2020

Các xuất liệu kể trên dẫn đến sự giảm thiểu đáng kể các trường hợp bị sách nhiễu bởi chính quyền nhắm vào khoảng 200 cộng đồng tôn giáo và sắc tộc mà BPSOS hỗ trợ và đào tạo. Các thành quả phúc lợi cho các cộng đồng này gồm có:

  • 81 cộng đồng người Tây Nguyên và 43 cộng đồng người Hmong theo Đạo Tin Lành tổ chức suôn sẻ các sinh hoạt mừng lễ Giáng Sinh, không bị công an sách nhiễu, đe doạ, cấm cản như trước đây. Có nơi công an đem quà đến tặng và chúc mừng Giáng Sinh. Có một trường hợp, công an địa phương đến sách nhiễu 2 tuần sau ngày lễ Giáng Sinh – vụ việc đã được báo cáo cho LHQ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Uỷ Hội Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế, và nhiều toà đại sứ ở Việt Nam.
  • 53 cộng đồng Công Giáo, 24 cộng đồng Cao Đài, 5 cộng đồng Phật giáo, 2 cộng đồng Phật Giáo Hoà Hảo, 79 hội thánh Tin Lành Tây Nguyên, 1 hội thánh Tin Lành Hmong tổ chức Ngày Quốc Tế Tưởng Niệm Các Nạn Nhân Bị Bạo Hành vì Tôn Giáo hay Niềm Tin (22 tháng 8). Có 3 trường hợp bị sách nhiễu; cả 3 đều được báo cáo.
  • 25 cộng đồng Tinh Lành Tây Nguyên tổ chức Ngày Quốc Tế Nhân Quyền (10 tháng 12). Không ghi nhận vụ sách nhiễu nào.
  • Chính quyền Huyện Đam Rông, Tỉnh Lâm Đồng ngưng lệnh cưỡng chế đất của các hộ người Hmong theo Đạo Tin Lành, gồm tổng cộng 597 nhân khẩu, ở Tiểu Khu 179. Thay vào đó, chính quyền đầu tư 3.3 triệu Mỹ Kim để xây dựng đường xá, nhà trẻ, bệnh xá, sân chơi và nhà cộng đồng. Chính quyền hứa giải quyết tình trạng vô hộ khẩu, hộ tịch và đã tạo điều kiện cho trẻ em được đi học dù không có giấy tờ tuỳ thân.
  • Các chùa Phật Giáo thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ở Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức Lễ Vu Lan không bị sách nhiễu như trước đây; một chùa đã cất được cổng chùa sau 21 năm bị cấm; một số chùa đã thực hiện các cuộc cứu trợ nạn nhân lũ lụt một cách suôn sẻ. Có một trường hợp công an hăm doạ một gia đình Phật tử; vụ việc đã được báo cáo với LHQ. Hai toà tổng lãnh sự Mỹ và Đức đã lên tiếng.
  • Bên Công Giáo thì Hội Cờ Đỏ ngưng hành vi bạo lực, nhưng chuyển hoạt động sang mạng xã hội – các hoạt động phỉ báng trên mạng xã hội của họ đã bị báo cáo; chính quyền Đà Nẵng chấp nhận bồi thường cho nhiều chục hộ gia đình ở Giáo Xứ Cồn Dầu trước đây bị cưỡng chế đất đai, và cho họ tái định cư về sát bên nhà thờ Cồn Dầu; chính quyền Thừa Thiên – Huế ngưng đe doạ Đan Viện Thiên An.
  • 89 cộng đồng Cao Đài sinh hoạt bình thường. Có 4 nơi bị người của Chi Phái Cao Đài do nhà nước dựng lên năm 1997 sách nhiễu và có 5 vụ công an cấp Bộ hăm doạ tín đồ Cao Đài. Mọi vụ việc đã được báo cáo. Phần lớn nạn nhân đã yêu cầu công an điều tra và trả lời về sự sách nhiễu; một số nạn nhân đã tường trình sự việc trực tiếp với một số Toà Tổng Lãnh Sự ở Việt Nam, và với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và cơ quan LHQ.

Ngoài ra, cũng có những cộng đồng đã được "báo cáo hộ" bởi những người đã được chúng tôi đào tạo. Như bên Phật Giáo Hoà Hảo thì Quang Minh Tự, chùa PGHH duy nhất còn lại, đã tổ chức các ngày lễ lớn với 500 - 1,000 tín đồ tham dự mà không bị cản chặn như trước đây. Các sinh hoạt của tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo ở Đạo Tràng Út Trung cũng không còn bị sách nhiễu. Nhiều nhóm người Hmong theo Đạo Tin Lành ở gần các cộng đồng mà chúng tôi hỗ trợ cũng cho biết đã giảm đi sự sách nhiễu của chính quyền địa phương. 

Nói chung, trong số trên 200 cộng đồng tôn giáo và sắc tộc mà BPSOS hỗ trợ và theo dõi, vẫn còn khoảng 5% bị sách nhiễu. Khoảng 75% các vụ sách nhiễu đã được báo cáo nhanh chóng với quốc tế, và được hỗ trợ pháp lý để đòi hỏi chính quyền trả lời cho các hành vi vi phạm. Sau đó các hành vi sách nhiễu đã ngưng hoặc giảm.

Buddhist delegation with Gaetan and Josefine

Phái đoàn Phật Giáo tiếp xúc giới chức Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ và Đức, ngày 31/07/2020

Bảo vệ nhân quyền

Ba lĩnh vực hoạt động còn lại, vận động cho tù nhân lương tâm, bảo vệ người tị nạn và giải cứu nạn nhân buôn người, không nằm trong sách lược dân chủ hoá Việt Nam mà thuần tuý là can thiệp và bảo vệ cho những đồng bào đang bị nguy nan hay bị bách hai.

Các xuất liệu của hoạt động cho tù nhân lương tâm trong năm 2020 gồm có:

  • Đưa 36 tù nhân lương tâm tôn giáo vào danh sách của Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế
  • Vận động thêm 2 tù nhân lương tâm được bảo trợ bởi dân biểu Quốc Hội Hoa Kỳ
  • Nhiều chục hồ sơ tù nhân lương tâm đã được đưa vào số báo cáo và bản phân tích của BPSOS nộp cho LHQ
  • Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế và LHQ đã lên tiếng cho nhiều chục người bảo vệ nhân quyền bị bắt giam hay bị xử án tù

Thành quả phúc lợi cho tù nhân lương tâm trong năm 2020 gồm có:

  • 4 tù nhân lương tâm được trả tự do
  • 1 tù nhân lương tâm được một tổ chức quốc tế hỗ trợ để tái lập cuộc sống sau khi được trả tự do
  • 1 tù nhân lương tâm được tiếp tục đình chỉ án tù

A Dao at Christmas

Ms A Đảo (ngồi giữa), vừa được trả tự do, cùng đồng đạo mừng Lễ Giáng Sinh năm 2020

BPSOS tiếp tục duy trì Văn Phòng Bảo Vệ Quy Chế Tị Nạn ở Bangkok, Thái Lan với đội ngũ 4 luật sư toàn thời, cùng với 4 thông dịch viên không toàn thời.  Các xuất liệu trong năm 2020 gồm có:

  • Trả lời và đáp ứng hơn 500 cú điện thoại của người tị nạn để xin bảo vệ khi bị cảnh sát bắt, được giới thiệu đến các dịch vụ y tế cấp cứu, được can thiệp khi bị bạo hành gia đình, được lập hồ sơ tị nạn hoặc kháng cáo quyết định của Cao Uỷ Tị Nạn LHQ
  • Nộp 97 hồ sơ liên quan quy chế tị nạn cho Cao Uỷ Tị Nạn LHQ
  • Gửi luật sư quan sát 15 cuộc phỏng vấn của Cao Uỷ Tị Nạn LHQ và hỗ trợ pháp lý thêm cho người xin tị nạn sau mỗi cuộc phỏng vấn
  • Viếng thăm hàng tuần đồng bào bị giam ở trại giam của sở di trú (IDC)

Thành quả phúc lợi cho người tị nạn gồm có:

  • 19 gia đình tị nạn được hỗ trợ tổng cộng 1,665 USD để trang trải tiền thuê phòng, thực phẩm, chi phí y tế và chi phí vận chuyển ngay khi đại dịch khởi phát ở Thái Lan
  • 248 gia đình nhận gói thực phẩm của Hội Hồng Thập Tự Thái Lan
  • Nhiều chục người tị nạn trong IDC được lập hồ sơ bảo lãnh tại ngoại và đã được tự do
  • 4 người tị nạn được định cư đặc biệt

BPSOS khởi động lại hoạt động chống buôn người trong những tháng cuối năm 2020.

Xuất liệu gồm có:

  • Nộp 2 bản báo cáo cho Văn Phòng Chống Buôn Người của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ
  • Can thiệp cho 1 trường hợp thuyền viên người Việt bị bóc lột ở Hàn Quốc
  • Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ áp lực Việt Nam cải thiện luật để gia tăng bảo vệ công nhân xuất khẩu lao động
  • Toà Đại Sứ Hoa Kỳ nhập cuộc can thiệp cho một trường hợp phụ nữ Việt gốc Hmong bị bắt cóc bán sang Trung Quốc
  • Thông tin về cách thức tự bảo vệ qua 2 bài viết phổ biến vào trong nước

Thành quả phúc lợi gồm có:

  • Thuyền viên người Việt ở Hàn Quốc đã được chủ sử dụng lao động trả lại hộ chiếu và mọi giấy tờ tuỳ thân để có thể tìm công việc nơi khác

Truyền thông

Để hỗ trợ các hoạt động kể trên, trong năm 2020 BPSOS dồn nhiều công sức và tài nguyên để phát triển Toán Truyền Thông, hiện gồm 6 thành viên, nhằm nới rộng sức tiếp cận của các trang Facebook của BPSOS: Đề Án Dân Quyền, Vietnam Advocacy Project, Democratic Voice of Vietnam, Tị Nạn Thái Lan, Bàn Tròn Đa Tôn Giáo, v.v.

Xuất liệu của riêng trang Facebook Đề Án Dân Quyền cho năm 2020 gồm có:

  • 9,479 người mới theo dõi trang
  • 2,573,386 lượt tiếp cận các bài viết và video
  • 627,124 lượt tương tác với bài viết
  • 8,248 lời bình luận
  • 166 video được phát hành và đăng tải
  • 440,000 lượt người xem video
  • 38,200 lượt tương tác với các video

BPSOS cũng đã hỗ trợ cho sự hình thành của các trang Facebook của những cộng đồng tôn giáo và sắc tộc trong nhiều ngôn ngữ: Việt, Êđê, J’rai, Bahnar, M’nong và H’Mong.

Báo Mạch Sống online được tân trang và chính thức ra mắt ngày mồng một Tết: https://machsongmedia.org/