VNTB – Phỏng vấn TS Nguyễn Đình Thắng: Nội lực cho Cộng Đồng và Tổ chức XHDS Việt Nam
Việt Nam Thời Báo
Phóng viên Việt Nam Thời Báo kính chào TS Nguyễn Đình Thắng Chủ Tịch kiêm Tổng Giám Đốc BPSOS.
Chúng tôi vừa đọc qua bản Tổng kết các hoạt động hướng về VN năm 2020 của tổ chức BPSOS, qua trang mạnghttp://machsongmedia.org trong đó chúng tôi thấy có đoạn viết:
“Năm 2020 khép lại với con số tù nhân lương tâm tăng mạnh ở Việt Nam. Ngược lại, chúng tôi ghi nhận sự cải thiện đáng kể nơi khoảng 200 cộng đồng tôn giáo và sắc tộc trong sinh hoạt tôn giáo của họ. Hai khuynh hướng có vẻ ngược chiều này khẳng định một điểm chung: Các cộng đồng kể trên đã tăng nội lực đủ để từng bước tự bảo vệ quyền và lợi ích của mình; trong khi đó các người hoạt động đơn lẻ tiếp tục bị đàn áp nghiêm trọng vì họ không thể tăng nội lực khi hoạt động đơn lẻ.”
Chúng tôi xin TS vui lòng cho chúng tôi biết, nếu có thể được:
1/Số 200 cộng đồng tôn giáo và sắc tộc mà machsongmedia ghi nhận được sự cải thiện đáng kể nói trên có liên quan thế nào với BPSOS.
Xin thưa, trong số đó có 150 cộng đồng đang tham gia chương trình của BPSOS nhằm phát triển nội lực cộng đồng qua các khoá học ngắn hạn và dài hạn để có kiến thức về điều hành và quản lý, qua sự tư vấn pháp lý để đối phó với những thử thách từ chính quyền, qua các diễn đàn để có tiếng nói với quốc tế, và qua sự “kết nghĩa” dài lâu và bền chặt với một nhóm tình nguyện viên bên ngoài, kể cả ở trong nước và ở ngoài nước, để có thể đi đường dài. Đó là các cộng đồng Công Giáo, Phật Giáo, Phật Giáo Hoà Hảo, Cao Đài, Tin Lành Tây Nguyên, Tin Lành Hmong, v.v.
Ngoài ra có khoảng 50 cộng đồng tuy không tham gia chương trình kể trên nhưng đã học kinh nghiệm từ những cộng đồng đã tham gia.
2/ Các cộng đồng đó đã tìm đến sự giúp đỡ của BPSOS hay BPSOS đã tìm đến họ thế nào để giúp đỡ họ.
Đúng hơn, chúng tôi theo công thức vết dầu loang, qua sự giới thiệu của những người đã biết hoặc đã qua chương trình phát triển nội lực cộng đồng của chúng tôi.
Vết dầu ban đầu là số người Việt tị nạn ở Thái Lan. Từ năm 2008 đến nay, chúng tôi đã hỗ trợ pháp lý cho vài trăm hồ sơ. Nhiều người tị nạn đã kết nối chúng tôi với cộng đồng của họ vẫn tiếp tục bị bách hại ở trong nước. Qua hồ sơ tị nạn, họ tin chúng tôi và chúng tôi cũng biết rõ về họ cho nên việc kết nối khá thuận lợi.
Và cũng có những người Công Giáo ở hải ngoại đã hợp tác với chúng tôi để giúp cho giáo xứ của họ ở trong nước. Sau khi họ thấy cách làm có hiệu quả, họ lại kết nối chúng tôi với những người họ quen biết ở các cộng đồng Công Giáo khác ở trong nước. Tương tự với mọi tôn giáo.
Sau một thời gian thì chính các cộng đồng ở trong nước đã qua chương trình tạo nội lực lại giới thiệu các cộng đồng mới tham gia. Vết dầu cứ loang rộng dần.
3/ Làm sao để các cộng đồng cần đến sự giúp đỡ của BPSOS có thể dễ dàng tìm ra quý vị? Nhất là dối với các cộng đồng yếu kém về mọi mặt mà lại rất cần sự giúp đỡ. Họ ở vùng hẻo lánh, ít người có trình độ kha khá để tìm ra thông tin, thậm chí không có phương tiện liên lạc tối thiểu nhưng lại đang bị áp bức, kềm chế tối đa bởi chính quyền?
Họ có thể liên lạc với chúng tôi qua địa chỉ email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. hoặc qua trang Facebook:https://www.facebook.com/VNAdvocacy.
Chúng tôi có một số tiêu chuẩn để chọn cộng đồng tham gia. Trước hết cộng đồng ấy phải đã từng chứng tỏ quyết tâm bảo vệ quyền và lợi ích của mình trong khuôn khổ luật nội địa và luật quốc tế. Kế đến họ phải cử ra được một nhóm người bền tâm vững chí, có tinh thần cầu tiến, có tâm thức phục vụ, chịu khó học hỏi, và sẵn sàng cùng học cùng làm chặt chẽ với nhau. Chúng tôi làm việc sâu sát với nhóm người ấy để từng bước phát triển nội lực cho cả cộng đồng.
Khoảng 2/3 số 150 cộng đồng đã tham gia chương trình phát triển nội lực của chúng tôi nằm ở vùng rừng núi; người dân muốn gọi điện thoại có khi phải lặn lội hàng chục cây số mới đến nơi có sóng 3G. Vấn đề là có quyết tâm hay không thôi.
4/ Bây giờ chúng tôi trở lại vấn đề Machsongmedia nói rằng “người hoạt động đơn lẻ tiếp tục bị đàn áp nghiêm trọng vì họ không thể tăng nội lực khi hoạt động đơn lẻ” Xin TS có thể nói rõ về vấn đề này.
Một chiếc đũa rời, dễ bị bẻ gãy. Những người hoạt động theo kiểu ngôi sao đơn lẻ giữa bầu trời mênh mông rất dễ bị triệt tiêu; nhà nước biết rằng đàn áp họ thì tệ lắm là phải chịu nghe quốc tế lên án vài bữa là xong; quốc tế đa đoan, họ lên tiếng cho mình đấy nhưng sau đó phải quay ngoắt sang một sự kiện nóng hổi hơn. Nhiều trường hợp còn chẳng được quốc tế biết đến để lên tiếng. Thế là nhà nước dằn được mặt toàn dân mà không bị thiệt hại nào đáng kể.
5/TS nghĩ sao về trường hợp các thành viên Hôi NBĐLVN, họ hoạt động có tổ chức, có tiếng nói đáng kể trong nước, ngay cả trên quốc tế mà vẫn bị bắt tù với những bản án rất nặng nề?
Theo tôi, Hội NBĐLVN chỉ là tổ chức trên danh nghĩa. Một tổ chức thực thụ phải có “tính tổ chức” của một nhóm người có chương trình hành động chung để cùng đạt một mục đích chung; hoạt động của họ lại còn phải được định chế hoá — người nào việc nấy nhưng bổ trợ và sẵn sàng điền khuyết cho nhau để bảo đảm tính liên tục. Bằng không thì mới chỉ là những chiếc đũa rời xếp lại cạnh nhau, chưa thành bó đũa keo sơn gắn chặt.
Sự gắn bó keo sơn ấy là nền tảng của nội lực. Và phải có nội lực thì mới đón nhận và khai thác được sự hỗ trợ của quốc tế. Người mình có câu, không thể dạy người ốm đánh vật. Không có nội lực thì rất dễ bị triệt tiêu dù có được trợ lực của quốc tế.
6/Chúng tôi được biết một số tổ chức XH dân sự ở VN có liên kết với nhau, như nhóm Anh Em Dân Chủ gồm nhiều hội nhóm, nhưng đã bị bắt và kết án rất nặng với các tội như âm mưu lật đổ chính quyền, họ truy bắt tới người cuối cùng, trường hợp nhà thơ Trần Đức Thạch mới đây. Ý kiến của TS thế nào về các trường hợp này?
Một tổ chức hiệu quả có thể ví như một sinh vật có đầy đủ các nội tạng để bảo đảm sự sinh tồn và phát triển của chính sinh vật ấy. Cũng thế, một tổ chức vững phải có bộ phận hướng nội để bảo đảm sự trường tồn. Tôi chưa thấy một nhóm người nào tự nhận là hoạt động XHDS ở trong nước mà hội đủ yếu tính của một tổ chức đúng nghĩa.
Cụ thể, chức năng tự bảo vệ là yếu tố tối quan trọng cho một tổ chức hoạt động trong môi trường đầy rủi ro ở Việt Nam. Qua kinh nghiệm trợ giúp tù nhân lương tâm và hỗ trợ pháp lý cho người tị nạn, tôi thấy là không có “tổ chức” nào ở trong nước có bộ phận chuyên bảo vệ nhân sự của chính họ. Khi nhân sự gặp nạn thì mặc ai nấy tự lo, gia đình tự bươn chải. Lẽ ra mỗi “tổ chức” tối thiểu phải có sẵn bản hướng dẫn ứng xử trong những tình huống nguy cập. Nếu một “tổ chức” chưa bảo vệ được cho chính nhân sự của mình thì làm sao tranh đấu hiệu quả được cho ai khác?
Theo định nghĩa, XHDS là tổng hợp của các tổ chức của người dân độc lập với chính quyền, độc lập với các doanh nghiệp, và không tính kể các đơn vị gia đình. Hiểu như thế, các hoạt động thiếu tính tổ chức chưa đúng nghĩa hoạt động XHDS.
7/Vậy thì, theo ý TS, để được như “sự cải thiện đáng kể nơi khoảng 200 cộng đồng tôn giáo và sắc tộc” các tổ chức XHDS cần phải làm gì, làm thế nào để tăng nội lực và không bị chính quyền làm khó dễ, hành hung, cấm đi lại…thậm chí bắt giam?
Trước hết phải có một nhóm người đồng tâm nhất chí và có chương trình hành động chung. Nhóm người này phải được quốc tế quan tâm và sẵn sàng can thiệp ngay từ đầu. Họ phải được đào tạo về cách thức hoạt động có tính tổ chức, nghĩa là có những chức năng chuyên nhưng bổ trợ và sẵn sàng điền khuyết cho nhau. Những kinh nghiệm này cần học và hành, không sinh ra mà tự động biết.
Càng định chế hoá, rủi ro càng giảm vì nếu một người trong nhóm bị bách hại thì công việc vẫn chạy; số người còn lại còn hoạt động hăng hơn để giải cứu đồng đội bị bách hại; họ sẽ dễ dàng huy động quốc tế hơn để can thiệp vụ việc vi phạm nhân quyền. Chế độ không chặn được bước tiến của nhóm mà lại bị quốc tế lên án dài dài. Lợi bất cập hại, họ sẽ phải cân nhắc để không manh động.
Và có định chế hoá rồi thì mới phát triển được nhân sự. Đông người mà thiếu định chế thì chỉ là đám đông ô hợp. Rủi ro càng tăng.
8/Chúng tôi theo dõi hoạt động bảo vệ nhân quyền đặc biệt quyền tự do tôn giáo của tổ chức BPSOS, chúng tôi biết quý vị đã thu được nhiều thành quả rất trân quý như từng bênh vực thành công nhiều cộng đoàn tôn giáo trên cả nước VN bị áp chế như Cao Đài. Hòa Hảo, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Công Giáo và Tin Lành,… BPSOS từng lên tiếng bênh vực người tù nhân lương tâm, đã từng can thiệp với các cơ quan Liên Hiệp Quốc, đã từng làm việc với chính phủ Hoa Kỳ can thiệp trả tự do cho nhiều tù nhân bị chính quyền VN bắt giam. BPSOS đã rất tích cực trong việc đưa vụ việc của anh em trong Hội NBĐLVN ra trước Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, bộ ngoại giao Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế khác, chúng tôi thành thật cảm ơn nỗ lực của BPSOS. Nhân đây chúng tôi xin TS nói rõ hơn, nếu được, về sư can thiệp của quý vị và kỳ vọng của quý vị thế nào trong trường hợp này.
Can thiệp cho TNLT và kể cả bảo vệ người tị nạn là chuyện bất đắc dĩ. Chúng tôi xem đó là hoạt động bảo vệ nhân quyền khi chính đương sự chưa tự bảo vệ được những quyền ấy của mình.
Dân chủ hoá đất nước mới là trọng tâm của chúng tôi, để sao chính người dân tự bảo vệ được quyền của mình thay vì trông cậy người khác. Muốn có dân chủ thì phải có XHDS vững mạnh. Muốn có XHDS thì người dân phải hoạt động mang tính tổ chức. Muốn hoạt động mang tính tổ chức thì người dân phải được đào tạo kỹ lưỡng.
Đối với các TNLT thuộc Hội NBĐLVN, vận động quốc tế lên tiếng không khó. LHQ đã lên tiếng. Nghị Viện Âu Châu đã lên tiếng. Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên tiếng. Chúng tôi đã nói chuyện với nhiều toà đại sứ Phương Tây ở Hà Nội, và họ đều quan tâm. Chúng tôi có thể sắp xếp để thân nhân của các nhà báo bị án tù tiếp xúc trực tiếp với các toà đại sứ. Nhưng xin đừng quên rằng sự lên tiếng của quốc tế chỉ là trợ lực.
Điều quan trọng là phải phát triển nội lực. Những thành viên còn lại của Hội cần nhanh chóng định chế hoá mọi lĩnh vực hoạt động. Không những thế, thân nhân của các người ở trong tù nên tham gia Hội. Nếu nhà nước bỏ tù 1 người mà hậu quả là thúc đẩy thêm 10 người tham gia, tổ chức không teo đi mà phát triển mạnh hơn, thì rõ ràng là lợi bất cập hại.
Khi giá phải trả chạm một ngưỡng nào đó, nhà nước sẽ phải nghĩ đến giải pháp thoả hiệp. Đó là công thức mà chúng tôi dùng để gỡ cho một số TNLT thoát cảnh lao tù.
Trân trọng cảm ơn TS Nguyễn Đình Thắng .