Ông Y Sĩ Êban (hình có từ ông Y Khương Êban, họ hàng).
Cách đây vài ngày, trang web của Cao ủy Nhân quyền đã công bố bản phúc trình của Tổng Thư ký LHQ về việc đe dọa và trả thù những người đã hợp tác với LHQ, trong đó nhắc tới Việt Nam.
Bản phúc trình dài 69 trang nhắc tới hai trường hợp Y Khiu Niê và Y Sĩ Êban, hai nhà hoạt động nhân quyền người Thượng theo đạo Tin lành.
Hai ông Y Khiu Niê và Y Sĩ Êban bị nhà nước Việt Nam trả thù như thế nào?
Tháng 11/2022, ông Y Sĩ Êban và Y Khiu Niê bị chặn và bắt giữ tại phi trường khi đang trên đường đi tham dự Hội nghị Tự do Tôn giáo và Niềm tin Đông Nam Á (Southeast Asia Freedom of Religion or Belief Conference, hay SEAFORB).
Hội nghị SEAFORB năm 2022 tại Bali mà hai ông Y Khiu Niê và Y Sĩ Êban không được tham dự; thứ 3 từ trái sang là ông Stephen Schneck, Chủ tịch Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (United States Commission on International Religious Freedom, viết tắt USCIRF).
Tháng 6/2023, khi các Báo cáo viên Đặc biệt LHQ gửi thư tố giác nhà nước Việt Nam về hai trường hợp này, chúng tôi đã có một bài viết:
“Ngày 6/11/2022, ông Y Khiu Niê bị chặn xuất cảnh ở phi trường Tân Sơn Nhất với lý do không đáp ứng điều kiện về xét nghiệm và vaccine Covid, dù có giấy chứng nhận tiêm chủng và cũng yêu cầu làm xét nghiệm nhanh (nhưng bị từ chối).
“Trên đường về, ông Y Khiu Niê bị bắt giữ, đưa về thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, và tạm giam, không có lệnh bắt giữ. Ông bị “tra vấn dữ dội” (intense interrogation) từ 4 giờ chiều đến nửa đêm ngày 6/11, và từ 7 giờ rưỡi sáng đến 8 giờ 45 phút tối ngày 7/11, mà không được liên lạc với bất kỳ ai kể cả luật sư.
“Trong lúc thẩm vấn, công an dọa bắt tù và ép ông ký cam kết chấm dứt liên lạc với các tổ chức nhân quyền, đặc biệt với mục đích gửi báo cáo cho LHQ và các chính phủ phương Tây. Ông cũng bị ép quay video nói một số tổ chức XHDS đang chống phá nhà nước Việt Nam.
“Tương tự, ngày 6/11/2022, ông Y Sĩ Êban bị bắt giữ ở sân bay Tân Sơn Nhất khi trên đường đi dự hội nghị ở Bali. Công an cũng không đưa ra lệnh bắt giữ. Ông Y Sĩ Êban bị đưa tới một trại giam mà sau này ông phát hiện ra cũng là nơi giam giữ ông Y Khiu Niê.
“Ông bị tịch thu ba điện thoại, không được gọi luật sư, và bị tra khảo tới ngày 7/11. Ngoài chuyện bị tra hỏi vì sao muốn tham gia hội nghị tại Bali, ông Y Sĩ Êban bị cáo buộc phạm tội chính trị và được lệnh phải ngừng dạy Kinh Thánh, ngừng tham gia các sinh hoạt hội thánh tư gia của người thân, ngừng liên lạc với các tổ chức XHDS, và phải viết cam kết.
“Ông cũng phải quay video chỉ trích một số tổ chức XHDS.
“Thư tố giác nói ông Y Sĩ Êban bị thương ở mặt và đầu do bị hành hung trong quá trình thẩm vấn.
“Cả hai ông Y Khiu Niê và Y Sĩ Êban đều bị công an theo dõi chặt chẽ trước đó.”
Tháng 10/2023, chúng tôi cũng phỏng vấn ông Y Khương Êban, họ hàng của ông Y Sĩ Êban. Ông cho biết “Anh Y Sĩ Êban đặc biệt bị sách nhiễu năm 2018, vào tháng 6, khi Mục sư Gene Lathan đến thăm hai vợ chồng… Đến ngày 8/8/2018 thì công an đến nhà bắt hai vợ chồng anh đi.”
Mục sư Gene Lathan thuộc Thrift Baptist Church ở thành phố Charlotte, bang North Carolina, Hoa Kỳ, và từng tới Việt Nam để nhìn thấy tận mắt điều kiện sinh sống của người Thượng và vấn đề đàn áp tôn giáo.
Ông Y Khương Êban nói thêm “Sau khi anh [Y Sĩ] bị bắt thì hai vợ chồng bị tra tấn và đánh đập.”
Theo thông tin chúng tôi có được, gia đình ông Y Khiu Niê bị đàn áp nặng nề về tôn giáo, bản thân ông liên tục bị triệu tập. Lần nặng nề nhất là ngày 6/12/2021, suốt mấy ngày ông Y Khiu Niê liên tục bị chửi bới, hăm dọa, thẩm vấn về các hoạt động tôn giáo và khóa học XHDS, tới khi khủng hoảng tinh thần trầm trọng và ngất xỉu ngày 9/12.
Năm 2022, ông Y Khiu Niê bị công an đưa về buôn cũ với lý do tạo điều kiện thuận tiện cho việc sinh hoạt, nhưng thực tế là bị tách khỏi gia đình và bị công an canh trước nhà. Khoảng một tháng sau đó, ông Y Khiu Niê (sinh năm 2003) bị nhà trường, dưới sự điều khiển của công an, đấu tố trước toàn trường.
BPSOS đã nhiều lần nêu hai trường hợp Y Khiu Niê và Y Sĩ Êban trong các báo cáo và các lần vận động LHQ.
LHQ đã nêu đích danh hai trường hợp này khi nào?
Ngày 28/4/2023, các Báo cáo viên Đặc biệt LHQ gửi thư tố giác chung tới nhà nước Việt Nam về việc bắt giữ, cấm xuất cảnh, tra khảo, và đánh đập hai ông Y Khiu Niê và Y Sĩ Êban.
Trong bản phúc trình tháng 8/2024 về các hành vi đe dọa và trả thù những cá nhân đã làm việc với LHQ, với người đại diện và cơ chế nhân quyền LHQ, Tổng Thư ký kể tên ông Y Khiu Niê và ông Y Sĩ Êban, và cũng nhắc tới những lần trước đó LHQ đã nói tới hai trường hợp này.
Báo cáo năm 2023 của Tổng Thư ký LHQ đã nhắc tới cáo buộc nhà nước Việt Nam “bắt giữ tùy tiện, giám sát, và hạn chế xuất cảnh” khiến hai nhà hoạt động này không thể tham gia Hội nghị SEAFORB tại Bali.
Năm 2023, Ủy ban Xóa bỏ Kỳ thị Chủng tộc (Committee on the Elimination of Racial Discrimination, viết tắt là CERD) nói nhà nước Việt Nam “sử dụng bạo lực, hăm dọa, giám sát, và trả thù một cách hệ thống” với những cá nhân “hợp tác hoặc tìm cách hợp tác với LHQ”, và đưa ví dụ là hai ông Y Sĩ Êban và Y Khiu Niê.
Ngoài hai trường hợp này, bản phúc trình tháng 8/2024 nói về việc hăm dọa và trả thù nói chung với những người hoạt động vì “quyền người thiểu số, người bản địa, và những người không phải công dân, bao gồm các nhà bảo vệ nhân quyền, luật sư, và nhà báo.”
Họ cũng nhắc tới việc nhà nước Việt Nam gia tăng “các vụ khởi tố về trốn thuế và cáo buộc an ninh quốc gia” với các nhà hoạt động nhân quyền, bao gồm những người đã hợp tác với LHQ.
Theo bản phúc trình, chính phủ Việt Nam phủ nhận những cáo buộc này, khẳng định “luật pháp Việt Nam không ngăn cản công dân hợp tác với các tổ chức phi chính phủ và các cơ chế nhân quyền của LHQ.” Họ nói “không có việc cơ quan chức năng ngăn cản ông Y Khiu Niê xuất cảnh”, còn ông Y Sĩ Êban thuộc trường hợp bị hoãn xuất cảnh “vì lý do quốc phòng và an ninh.”
Điều này có nghĩa gì?
Thứ nhất, việc LHQ liên tục lặp đi lặp lại, trong các văn bản khác nhau, tên hai ông Y Sĩ Êban và Y Khiu Niê là một cách nói, nếu nhà nước Việt Nam tiếp tục đe dọa, tiếp tục sách nhiễu, tiếp tục đàn áp hai người Thượng này, họ sẽ chứng minh những cáo buộc của LHQ là hoàn toàn đúng.
Thứ hai, trong các văn bản gửi cho LHQ, chính phủ Việt Nam nói luật pháp “không ngăn cản công dân hợp tác với các tổ chức phi chính phủ và các cơ chế nhân quyền của LHQ”, các nhà hoạt động nhân quyền và các nhà vận động có thể sử dụng điều đó khi bị công an sách nhiễu vì viết báo cáo và liên lạc với LHQ.
Ngoài ra, bản phúc trình có gì đáng chú ý?
Một điểm đáng chú ý nữa là bản phúc trình này của Tổng Thư ký LHQ dùng cụm từ ““Montagnards” indigenous community”, tức “cộng đồng bản địa người Thượng.”
Một thông cáo báo chí ngày 28/8/2024 của LHQ cũng có cụm từ “Montagnard Indigenous Peoples”, tức “người bản địa người Thượng.”
Khi chính phủ Việt Nam từ trước tới nay cương quyết phủ nhận khái niệm người bản địa, vì đi kèm với nó là quyền người bản địa, đặc biệt về đất đai, đây là một bước tiến vô cùng quan trọng.