Hải Di Nguyễn
Ngày 6/11/2022, ông Y Sĩ Êban bị bắt giữ ở phi trường Tân Sơn Nhất khi trên đường đi Bali dự Hội nghị Tự do Tôn giáo hay Niềm tin Đông Nam Á (Southeast Asia Freedom of Religion or Belief Conference, hay SEAFORB), do BPSOS khởi xướng và đồng tổ chức.
Ngày 28/4/2023, Báo cáo viên Đặc biệt LHQ gửi thư tố giác chung đến nhà nước Việt Nam và nhắc đến ông Y Sĩ Êban, cùng một trường hợp tương tự là ông Y Khiu Niê.
Ngày 22/9/2023, theo VOA Tiếng Việt đưa tin, một báo cáo mới của LHQ “lưu ý rằng Chính quyền Việt Nam đe dọa và trả thù những người liên hệ và hợp tác với LHQ trong lĩnh vực nhân quyền”, trong đó nhắc tới hai trường hợp trên.
Nhưng nhà nước Việt Nam “trả thù” như thế nào và về chuyện gì?
Ngày 5/10/2023, tôi có dịp phỏng vấn ông Y Khương Êban, một người họ hàng của ông Y Sĩ Êban và hiện đang tỵ nạn tại Thái Lan, và anh Y Quynh Buondap, một trong những người đồng sáng lập tổ chức Người Thượng vì Công lý và cũng đang ở Thái Lan.
Đàn áp tôn giáo
Ông Y Sĩ Êban (hình do ông Y Khương Êban cung cấp).
Ông Y Khương Êban.
Ông Y Sĩ Êban (sinh năm 1980) và ông Y Khương Êban (1987) là người Êđê theo đạo Tin lành ở Đắk Lắk, và cùng dòng tộc.
Theo anh Y Quynh Buondap, ông Y Sĩ Êban là thầy truyền đạo và phó quản nhiệm Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên ở Thôn 4 – Buôn Ju, xã Êa Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Vì thuộc hội thánh độc lập và có hoạt động tôn giáo tại gia, họ thường xuyên bị công an địa phương bắt bớ, áp giải, cưỡng ép bỏ đạo, thậm chí đánh đập.
Theo lời ông Y Khương Êban, năm 2004, bản thân ông và họ hàng tham gia biểu tình ở Đắk Lắk, đòi lại đất đai tổ tiên, đòi trả tự do cho tù nhân lương tâm, tù nhân tôn giáo, và bị bắt giữ, đánh đập hỏi cung. Vài người họ hàng của ông phải lãnh án tù: 5 năm, 9 năm, 13 năm.
Kết nối với bên ngoài và liên lạc với LHQ
Ông Y Khương Êban cho biết, ông Y Sĩ Êban đã kết nối với người ở nước ngoài từ năm 2016, còn bản thân ông là từ năm 2019.
Năm 2019, họ tham gia tổ chức Người Thượng vì Công lý và tham dự các khóa học về XHDS do BPSOS tổ chức, học về luật Việt Nam, học về luật quốc tế, rồi nhờ thế bắt đầu thu thập bằng chứng và viết báo cáo gửi LHQ.
Vấn đề đàn áp tôn giáo và sắc tộc với người Thượng từ đó không chỉ gói gọn trong Việt Nam hay mạng xã hội tiếng Việt mà được đưa ra quốc tế, đưa đến LHQ.
Tháng 1/2021, ông Y Khương Êban bị phát hiện và bắt giữ để điều tra về lớp học XHDS, và bị dọa bỏ tù.
Nhà nước “trả thù” như thế nào?
Anh Y Khương Êban cho biết “Anh Y Sĩ Êban đặc biệt bị sách nhiễu năm 2018, vào tháng 6, khi Mục sư Gene Lathan đến thăm hai vợ chồng… Đến ngày 8/8/2018 thì công an đến nhà bắt hai vợ chồng anh đi.”
Mục sư Gene Lathan thuộc Thrift Baptist Church ở thành phố Charlotte, bang North Carolina, Hoa Kỳ, và từng đến Việt Nam để thấy tận mắt điều kiện sinh sống và vấn đề đàn áp tôn giáo của người Thượng. Trong vụ biểu tình của người Thượng tại thủ đô Washington ngày 10/7/2023 vừa qua, có sự tham gia của Mục sư Gene Lathan, theo VOA Tiếng Việt đưa tin.
Anh Y Khương Êban nói “Sau khi anh [Y Sĩ] bị bắt thì hai vợ chồng bị tra tấn và đánh đập.”
Họ bị công an đánh đập, tra khảo, bắt viết cam kết, và sau đó nhiều lần bị sách nhiễu.
Ngày 6/11/2022, ông Y Sĩ Êban đang ở sân bay Tân Sơn Nhất để đi dự hội nghị ở Bali thì bị công an bắt, không có lệnh bắt giữ, và bị đưa về Buôn Ma Thuột tạm giam, không có luật sư. Báo cáo của chính ông viết cho biết ông bị đánh bầm tím mặt.
Anh Y Quynh Buondap nói “Công an đã thu giữ bằng lái xe, căn cước, hộ chiếu, ba chiếc điện thoại và cấm không cho đi sinh hoạt tôn giáo Tin lành Đấng Christ và tham gia lớp XHDS, không cho liên lạc và báo cáo tình hình với Người Thượng vì Công lý nữa.”
Ông Y Khương Êban cho biết “Chuyến đi Bali này của anh Y Sĩ thì tôi không hay biết. Sau khi anh bị bắt thì tôi mới biết… Sau khi anh về thì tôi có liên lạc và anh có nói, họ hỏi nhiều về tôi ở Thái Lan, ai là người mở đường cho tôi đi, họ hỏi có phải Y Sĩ dẫn đi hay không, kết nối cho tôi đi hay không…”
Ông Y Khương Êban sang Thái Lan tỵ nạn từ tháng 2/2022.
LHQ nói gì?
Ngày 28/4/2023, trường hợp ông Y Sĩ Êban được nhắc tới trong một thư tố giác chung của LHQ gửi đến nhà nước Việt Nam.
Người ký tên thư tố giác là Nazila Ghanea (Báo cáo viên Đặc biệt về tự do tôn giáo hoặc niềm tin), Matthew Gillett (Phó Trưởng ban Truyền thông Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện), Mary Lawlor (Báo cáo viên Đặc biệt về tình trạng những người bảo vệ nhân quyền), và Fernand de Varennes (Báo cáo viên Đặc biệt về các vấn đề các nhóm thiểu số).
Lá thư “bày tỏ quan ngại nghiêm trọng đến việc bắt giữ tùy tiện, đe dọa, sách nhiễu, hạn chế đi lại một cách phi lý, giám sát, và hành động bạo lực với hai ông Y Khiu Niê và Y Sĩ Êban”, và nhắc tới Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký ngày 24/9/1982.
Ngày 27/6/2023, bà Laura Macini thuộc Văn phòng Khu vực Đông Nam Á của Cao ủy Nhân quyền LHQ công khai lá thư và cho biết không nhận được bất kỳ phản hồi gì từ nhà nước Việt Nam.
Trong báo cáo thường niên ra vào cuối tháng 9 vừa qua, LHQ tiếp tục nhắc đến trường hợp ông Y Sĩ Êban (cùng ông Y Khiu Niê) và nói “những hạn chế này có thể tính là hành vi đe dọa và trả thù vì đã hợp tác hoặc cố gắng hợp tác với LHQ, với các đại diện và cơ chế của LHQ trong lĩnh vực nhân quyền.”
Cuộc sống họ hiện nay ra sao?
Ông Y Khương Êban nói “Có thể nói tình hình của anh Y Sĩ Êban rất là nghiêm trọng, và rất là nguy hiểm.”
Anh Y Quynh Buondap cho biết “Hiện nay anh Y Sĩ Êban không dám đi sinh hoạt nữa vì bị an ninh canh gác tại nhà. Gia đình anh hiện giờ sinh hoạt tôn giáo tại nhà và không thể đi lại hay làm việc. Đi đâu luôn có an ninh bám theo, về nhà thì an ninh canh gác tại cổng nhà, đến nỗi gia đình Y Sĩ Êban không thể đi lại hay đi làm mưu sinh vì lo sợ bị trả thù và đi đâu công an cũng bắt phải khai báo.”
Đó là tình trạng của ông Y Sĩ Êban tại Việt Nam.
Ông Y Khương Êban đang lánh nạn tại Thái Lan lại có nỗi lo khác: “Ngày hôm qua, [cảnh sát Thái Lan] vừa mới bắt 6 người—3 người ở khu chúng tôi đang ở hiện giờ. Điều này làm chúng tôi rất lo sợ và không an tâm.”