Hải Di Nguyễn
Chiều ngày 7/12/2023 vừa qua, anh Lù A Da thuộc tổ chức XHDS Hmong Human Rights Coalition đã bị cảnh sát Thái Lan bắt ngay tại cổng nhà, để lại vợ và hai con—9 tuổi và 4 tháng tuổi.
Hai vợ chồng sang Thái Lan năm 2020 vì bị đàn áp tôn giáo ở Việt Nam, và hiện đang xin tỵ nạn, chưa có quy chế chính thức của Cao ủy Tỵ nạn LHQ.
Chỉ mới ngày 29/11/2023—tức một tuần trước đó—trước phiên rà soát nhà nước Việt Nam về việc thực thi Công ước Quốc tế Xóa bỏ Mọi Hình thức Kỳ thị Chủng tộc, anh Lù A Da đã xuất hiện và phát biểu về sự đàn áp một cách có hệ thống với cộng đồng người H’mông.
Trong buổi phỏng vấn anh cho biết hàng chục ngàn người H’mông ở Việt Nam không được cấp giấy tờ tùy thân, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn. “Không có những giấy tờ này, trẻ em không được đi học, người lớn không thể đi làm, người già không được hưởng các chính sách hỗ trợ về sức khỏe như đồng bào người Kinh.”
Vì sao sang Thái Lan tỵ nạn?
Trước đây, anh Lù A Da và vợ, chị Giàng Thị A, sống ở xã Sàn Phàng Thấp, xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.
Chị Giàng Thị A cho biết họ thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc. Năm 2019, anh Lù A Da và hai người bạn có sinh hoạt tôn giáo tại nhà ở thành phố Lai Châu. Đó là một nhóm “thờ phượng và học Kinh Thánh hàng tuần” cho các em thanh niên.
“Đang thờ phượng, khoảng 8 giờ sáng, thì công an xông vào nhà và không cho thờ phượng. Công an đã tịch thu 22 quyển Kinh Thánh rồi đưa mọi người xuống đồn công an để lập biên bản và ép ký cam kết, còn nếu tiếp tục hoạt động sẽ bị đuổi khỏi địa bàn thành phố Lai Châu.”
Chị nói “Sau sự kiện đó thì chồng tôi luôn luôn bị chính quyền địa phương theo dõi. Chồng tôi đi đâu phải báo cho chính quyền địa phương biết.”
Khi họ tới căn nhà đó ở thành phố Lai Châu, họ cũng bị công an tới đuổi đi.
Vì bị đàn áp tôn giáo, bị tịch thu Kinh Thánh, bị theo dõi gò bó, hai vợ chồng cùng con gái sang Thái Lan năm 2020.
Công việc cho cộng đồng người H’mông
Tại Thái Lan, anh Lù A Da hiện nay là nhóm trưởng của tổ chức XHDS Hmong Human Rights Coalition và cộng tác viên của BPSOS—là một trong những cầu nối giữa BPSOS và cộng đồng người H’mông ở Việt Nam và ở Thái Lan. Theo anh cho biết, công việc của anh thứ nhất là để kết nối cộng đồng, thứ hai là giúp làm bài tập trong các khóa huấn luyện về XHDS.
Hmong Human Rights Coalition chính là tổ chức giúp thu thập bằng chứng và cung cấp thông tin cho các bản báo cáo gửi đến Ủy ban Xóa bỏ Kỳ thị Chủng tộc (CERD) vừa qua về vấn đề kỳ thị một cách có hệ thống của nhà nước Việt Nam với người H’mông, đặc biệt về ngôn ngữ, tôn giáo, đất đai, và giấy tờ tùy thân, khiến hàng chục ngàn người H’mông ở Tây Nguyên (như ở các tiểu khu 179, 181…) và một số địa phương ở tỉnh Lai Châu… rơi vào tình trạng vô quốc tịch trên chính đất nước mình.
Chính vì thế, ngày 29-30/11/2023, nhà nước Việt Nam đã phải giải trình ở LHQ về sự đàn áp của họ với các cộng đồng người bản địa hoặc sắc tộc thiểu số ở Việt Nam như người H’mông, người Thượng, người Khmer Krom…
Bị bắt như thế nào?
Hình chụp hôm 7/12 (chúng tôi đã làm mờ ảnh để bảo vệ cô con gái 9 tuổi).
Theo chị Giàng Thị A, chiều ngày 7/12/2023, anh Lù A Da bị cảnh sát Thái Lan tới bắt khi đang rửa xe máy trước nhà.
“Lúc đó tôi đang nấu ăn trong phòng bếp nên không nghe rõ. Lúc tôi nghe họ nói chuyện rất to và con gái khóc rất to thì tôi xông ra ngoài, tôi thấy có hai [cảnh sát] đang sắp đưa chồng đi… Con gái muốn đi theo nhưng họ không cho đi theo.”
Chị nói “Con nói là cảnh sát muốn bắt bố đi, con cứ khóc to, con ôm bố không cho đi, nhưng họ cứ bắt đi thôi.”
“Lúc đó tôi rất hoảng sợ”, chị nói. “Theo như tôi biết thì chắc chắn cái này là do chính quyền Việt Nam muốn bắt chồng đưa về Việt Nam. […] Nếu anh bị trục xuất về Việt Nam thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng.”
Chưa đầy hai tuần trước đó, cảnh sát Thái Lan đã bố ráp bắt 11 người Thượng, trong đó có bốn người thuộc tổ chức Người Thượng vì Công lý. Cảnh sát Thái Lan đã truy tìm đích thân bốn cá nhân này, cho thấy cuộc bố ráp có chủ đích. Ba thành viên khác của cùng tổ chức cũng bị truy tìm nhưng trốn thoát được và đã dọn nhà đi nơi khác.
Dấu hiệu trước đó
Sau khi nghe vợ nói có người lạ đến theo dõi, anh Lù A Da lắp máy quay trong nhà.
Chị Giàng Thị A nói khoảng tháng 8 “có người lạ đến theo dõi nhà” vài lần và chụp hình.
Vài ngày sau đó, ngày 24/8, cảnh sát Thái Lan đến nhà và hỏi cô con gái 9 tuổi về anh Lù A Da, khi đó không có nhà.
“Họ đưa hình ảnh của chồng tôi và hỏi đây có phải là bố không. Con bảo là đúng rồi.”
Sợ hãi, họ rời đi và chuyển đến chỗ ở hiện nay. Họ gần như không dám ra ngoài vì sợ bị bắt.
Cảnh sát Thái Lan để tìm hỏi ngày 24/8/2023.
Chuyện gì sẽ xảy ra?
Cho tới nay, chị Giàng Thị A vẫn chưa được liên lạc với chồng mình.
Theo luật sư văn phòng CAP (Centre for Asylum Protection) nói với chị, anh Lù A Da hiện đang ở nhà tù địa phương và sẽ phải nộp 10,000 baht (khoảng 280 USD), vì nhập cư bất hợp pháp, để được chuyển sang IDC (Immigration Detention Centre, trại giam của Sở Di trú Thái Lan). Văn phòng CAP đang can thiệp quy chế tỵ nạn của anh Lù A Da, và theo họ, một khi vào IDC sẽ có cơ hội đóng tiền thế chân để được tại ngoại.
Chị Giàng Thị A hiện đang sống một thân một mình ở Thái Lan, với một đứa con 9 tuổi và một đứa 4 tháng tuổi.