Một số cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam đã tổ chức đánh dấu Ngày Quốc tế Tưởng niệm Nạn nhân bị Bạo hành vì Tôn giáo hay Niềm tin ngày 22/8.
Tại một số nơi, chính quyền địa phương đe dọa cư dân không được tưởng niệm ngày này dù chính nhà nước Việt Nam đã đồng thuận ủng hộ nghị quyết của Đại Hội đồng LHQ ấn định chọn ngày 22/8 hàng năm là ngày quốc tế tưởng niệm kể trên.
Chúng tôi xin chia sẻ lại một số câu chuyện đã đăng trên Mạch Sống về nạn nhân bị đàn áp về tôn giáo hay niềm tin.
Ông Y Dú Ksơr, người Êđê theo đạo Tin lành, trước đây ở Phú Yên, hiện đang tỵ nạn tại Thái Lan:
Theo lời kể của ông Y Dú Ksơr, ông bị điều tra và đánh đập suốt một năm: “họ đánh tôi bằng dùi cui, vào xương sườn, xương sống… Họ cũng đá vào hòn dái, đánh vào ngực, tát vào miệng… tôi cũng bị gãy răng.”
Trong thời gian một năm đó, ông bị nhốt trong hầm “tối tăm, mịt mù… Nhốt ở dưới lòng đất, mịt mù, không thấy mặt trời mặt trăng, giống bị điên khùng luôn… Một hầm chỉ có một người, không có hai, không có ba. Chỉ ở trong đó, ăn trong đó, kinh khiếp luôn.”
Sau quá trình điều tra và ra tòa, ông được chuyển sang nhà tù – chỉ lúc đó mới thoát khỏi cảnh tra tấn và hầm tối.
Anh Y Phic H’dok, người Êđê theo đạo Tin lành, đồng sáng lập tổ chức Người Thượng vì Công lý:
Tháng 12/2016, khi đang làm lễ mùa Giáng sinh cho trẻ em vô quốc tịch tại Campuchia, Y Phic H’dok nhận hung tin cha mình vừa mất.
Dần dần anh được biết, thông thường cha mẹ anh làm việc rồi ngủ lại trong rẫy, nhưng tối đó mẹ anh đi dự đám cưới và ở lại qua đêm.
“Khi mẹ lên lại trong vườn, có điều gì đó bất ổn, không thấy ba mà thấy điện thoại để lại trong chòi. Lúc đó mẹ bắt đầu nghi lắm rồi, bắt đầu hoảng hốt, lo lắng, đi tìm khắp vườn nhưng không thấy.”
Bà đi quanh tìm và khi đến thung lũng, nhìn thấy mũ của chồng dưới đất – khi đó bà mới ngước lên và thấy xác chồng treo trên cây, nhìn như người treo cổ.
Chị Lầu Y Tòng, người Hmông, bị ép ly dị và đuổi khỏi làng chỉ vì tin Chúa:
Những ngày này công an luôn lởn vởn canh gác chung quanh nhà Lầu Y Tòng, không cho chị ra khỏi nhà, kể cả đi mua thức ăn, điện thì bị cắt, công an còn dọa đã lắp camera, mọi việc Lầu Y Tòng làm họ đều biết, đừng mong qua mắt họ. Dù không biết họ nói thật hay chỉ dọa nhưng Lầu Y Tòng càng thêm hoảng sợ.
Sau đó người em gái của chồng làm cán bộ ở xã, cũng học Luật, rành tiếng Việt, lại thảo một cái biên bản viết rằng Lầu Y Tòng tự nguyện giao tài sản, bàn giao nhà cửa, đưa xe máy cho bố chồng, đồng thời sẽ gửi tiền chu cấp 2 đứa con cho đến 18 tuổi, cho Lầu Y Tòng ký. Đang trong tâm trạng hoảng loạn, bị khủng bố từ mọi phía, Lầu Y Tòng ký vào biên bản.
Mục sư A Ga, dân tộc Hà Lăng, thuộc Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên:
Mục sư A Ga cho biết, ngày 11/1/2018 ông nhận được cuộc gọi từ một người muốn nghe giảng lời Chúa và hẹn gặp ở quán cà phê, nhưng tại quán chưa kịp uống gì đã bị cảnh sát Thái Lan, 9-10 người, ập vào bắt và còng tay.
[…] Luật sư Jub Waritsara Rungthong cho biết “Những thông tin chúng tôi có được cho thấy đây không phải là một vụ bắt giữ bình thường – không phải là cảnh sát thấy một người tỵ nạn và muốn kiểm tra chứng minh thư – mà có vẻ là chính quyền có kế hoạch bắt ông ấy.”
Cô nói Mục sư A Ga “có tên trong danh sách” và “chúng tôi rất lo ngại – có khả năng rất cao ông ấy sẽ bị trục xuất trong thời gian ngắn”. Danh sách này được cảnh sát Thái Lan gọi là red poll, hay red alert, là thể thức một chính quyền yêu cầu một chính quyền khác bắt người thông qua cảnh sát quốc tế Interpol.
Ông Cao Hà Trực, người Công giáo và cư dân ở Vườn rau Lộc Hưng:
Ngày 4/1 và 8/1/2019, nhà nước Việt Nam đưa lực lượng tới cưỡng chế đất và đập phá 503 căn nhà. Chỉ riêng nhà thờ và Đài Đức Mẹ được giữ nguyên.
“Họ đưa khoảng sáu xe ủi trở lên, để họ ủi… họ đập bình địa nhà cửa của chúng tôi, cũng như ruộng đất, hoa màu của chúng tôi đã sử dụng từ năm 1954 đến nay. Họ không cần biết bà con sống thế nào trên mảnh đất đó, hoặc nhà ở thế nào, họ ủi bình địa. Họ cướp tài sản của chúng tôi, họ lấy, đến bây giờ họ cũng không trả lại.”
Những người có nhà ở đó và chống đối cưỡng chế, như ông Cao Hà Trực, đã bị trùm bao đen và bắt đi từ 5 giờ sáng. Những người phản đối bị nắm đầu kéo tóc, bị đánh đập, trấn áp.
Chị H Bhét Niê, theo đạo Tin lành, từng bị bóc lột và đánh đập khi đi lao động xuất khẩu ở Ả Rập Xê Út:
Tới ngày 21/8/2021, công an lần nữa lại đến nhà áp giải và bắt chị bỏ đạo. Chị H Bhét Niê nói trong toàn bộ những lần đi làm việc với công an, chị hoàn toàn không báo về chuyện bị hành hạ đánh đập ở Ả Rập Xê Út.
[…] Nói về hôm thẩm vấn ngày 12/12/2020, chị cũng nói “Ông Nguyễn Quang Hiệp, Trưởng công an xã Ea Sin, dọa tôi, tát tôi nhiều cái vào đầu, và nói tôi muốn qua đó để chống chính quyền Việt Nam à. Ông Nguyễn Quang Hiệp giật áo tôi rách ở ngực, và sàm sỡ tôi. Lúc đó tôi la hét, ông Y Thu Êban nói nếu tôi tiếp tục liên lạc với Y Chuân và Y Quynh ở Thái Lan, họ sẽ xử lý theo quy định pháp luật và bắt tôi vào tù.”
Các bài viết khác về nạn nhân bị đàn áp tôn giáo nằm trong mục Mỗi Tuần Một Gương Mặt Tị Nạn hoặc mục Tự do Tôn giáo & Nhân quyền.
Ngày 23/8/2023, chúng tôi sẽ có buổi hội luận về tự do tôn giáo và niềm tin với ông Rashad Hussain, Đại sứ Lưu động của Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế.
Giờ bắt đầu sẽ là 8:30 tối (giờ Việt Nam), và sẽ được phát trực tiếp trên trang Facebook Bàn tròn đa Tôn giáo Việt Nam: https://www.facebook.com/events/269575862493553/?ref=newsfeed