Hải Di Nguyễn
Ủy ban Xóa bỏ Kỳ thị Chủng tộc (CERD) trong họp báo ngày 31/8/2023 về một số quốc gia khác.
Sắp tới, ngày 29-30 tháng 11, 2023 tại Geneva, sẽ diễn ra phiên rà soát nhà nước Việt Nam về việc thực thi Công ước Quốc tế Xóa bỏ mọi Hình thức Kỳ thị Chủng tộc (International Convention on the Elimination of All Forms of Racial Discrimination).
Tháng 10/2023, Ủy ban Xóa bỏ Kỳ thị Chủng tộc (Committee on the Elimination of Racial Discrimination, hay CERD) đã gửi thư cho nhà nước Việt Nam về những chủ đề chính.
Vậy những chủ đề đó là gì?
Luật pháp và chính sách ở Việt Nam
Lá thư của CERD đặc biệt nhắc tới người vô quốc tịch, các cộng đồng sắc tộc thiểu số, và người bản địa như người Khmer Krom hoặc người Thượng (Montagnard).
Một trong những ý đầu tiên trong bức thư của CERD là việc cần cập nhật Hiến pháp và thay đổi chính sách ở Việt Nam để phù hợp với Công ước Quốc tế Xóa bỏ mọi Hình thức Kỳ thị Chủng tộc, lồng Công ước vào luật pháp Việt Nam.
CERD cũng yêu cầu có thông tin về các cơ chế giám sát độc lập về vấn đề kỳ thị chủng tộc, và đòi có cập nhật về số trường hợp đã đưa ra xét xử về kỳ thị chủng tộc, và quyết định của tòa án.
Hệ thống tòa hình sự
CERD yêu cầu Việt Nam đáp trả thông tin rằng có số lượng lớn người dân tộc thiểu số hoặc các nhóm sắc tộc – tôn giáo bị kết án tử hình và đã bị xử tử. Việt Nam cũng phải cung cấp dữ liệu chính thức về tội của họ.
Cơ quan nhân quyền quốc gia
Lá thư đòi hỏi Việt Nam cập nhật thông tin về quá trình thành lập một cơ quan nhân quyền quốc gia để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, với đủ nguồn tài chính và nhân lực cần thiết.
Lời nói phân biệt chủng tộc và kích động hận thù
Một chủ đề khác là luật cấm hoặc biện pháp lên án lời nói phân biệt chủng tộc hoặc kích động hận thù và kích động bạo lực, bao gồm phát ngôn của quan chức nhà nước với các nhóm thiểu số và nhóm người bản địa.
CERD cũng nhắc tới các hoạt động và các tổ chức làm tăng hận thù chủng tộc, chẳng hạn như Hội Cờ đỏ.
Mặc khác, CERD yêu cầu bảo đảm những biện pháp đó không dẫn tới bó hẹp quyền tự do ngôn luận.
Không gian dân sự
CERD yêu cầu Việt Nam cho biết các biện pháp bảo đảm quyền dân sự và chính trị của người dân bản địa và của những người thuộc các nhóm sắc tộc, hoặc sắc tộc – tôn giáo; cũng như các biện pháp ngăn chặn và điều tra các trường hợp đe dọa, sách nhiễu, trả thù, giam giữ tùy tiện, và giết người.
Ngoài ra họ yêu cầu Việt Nam đáp trả những tố cáo về việc người bản địa và sắc tộc – tôn giáo thiểu số bị cấm sang nước ngoài xin tỵ nạn, bị tịch thu hoặc từ chối gia hạn hộ chiếu.
Quyền bình đẳng
Lá thư nhắc tới quyền tham gia bình đẳng vào các vấn đề công cộng và chính trị, và bình đẳng về các quyền kinh tế, xã hội, và văn hóa.
CERD nhắc tới chênh lệch về điều kiện kinh tế xã hội, điều kiện học hành giữa người Kinh và người bản địa hoặc người sắc tộc thiểu số, đặc biệt ở Tây Bắc, Tây Nguyên, và đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài ra CERD cũng nhắc tới các trường hợp cưỡng bức từ bỏ đức tin, can thiệp vào các hoạt động tôn giáo, tịch thu tài liệu và phá hủy tài sản tôn giáo của các nhóm sắc tộc – tôn giáo.
Người không phải công dân, người tỵ nạn và xin tỵ nạn, người vô quốc tịch
CERD yêu cầu cập nhật thông tin về Luật Cư trú, hệ thống hộ khẩu, và khả năng các hộ gia đình chưa đăng ký và những người không phải công dân có thể tiếp cận các dịch vụ cơ bản.
Việt Nam cũng phải cho biết các biện pháp chống tình trạng trẻ em không có quốc tịch.
Nạn buôn người
CERD nhắc đến nạn buôn người, một vấn nạn có tác động nặng nề và không cân xứng với người Thượng và các nhóm sắc tộc khác, và yêu cầu Việt Nam cho biết các biện pháp điều tra nạn buôn người, truy tố và trừng phạt những kẻ phạm tội, và giúp đỡ hỗ trợ nạn nhân.
Các khóa học nâng cao nhận thức về kỳ thị chủng tộc
Việt Nam phải đưa ra thông tin về cách nâng cao nhận thức về vấn đề phân biệt chủng tộc và các quyền được quy định trong Công ước, và chống lại thành kiến, tăng cường khoan dung.
CERD cũng nhắc đến tình trạng không chịu thừa nhận là ở Việt Nam có phân biệt chủng tộc, và các nhóm sắc tộc không được bình đẳng.
Tuyên bố Durban
CERD cũng yêu cầu Việt Nam đưa ra kế hoạch hành động để thực hiện Tuyên bố Durban và Chương trình Hành động ở cấp quốc gia.
Đây là một kế hoạch chi tiết của LHQ, có từ năm 2001, nhằm chống lại phân biệt, kỳ thị chủng tộc, tư tưởng bài ngoại, và bất khoan dung trên toàn cầu.
Đó là những chủ đề chính CERD đưa ra cho Việt Nam.
CERD chọn các chủ đề này một phần dựa trên đóng góp từ các tổ chức XHDS. Bản thân BPSOS đã gửi bốn báo cáo để đóng góp thông tin và khuyến nghị cho họ về vấn đề kỳ thị chủng tộc ở Việt Nam, đặc biệt với người Thượng và người H’mông.
Sắp tới, BPSOS cũng sẽ có một phái đoàn đến Geneva tham dự buổi rà soát nhà nước Việt Nam về việc thực thi Công ước Quốc tế Xóa bỏ mọi Hình thức Kỳ thị Chủng tộc. Phái đoàn sẽ cập nhật tại chỗ diễn tiến cuộc rà soát, thông qua các phương tiện truyền thông của BPSOS.