Hải Di Nguyễn
Ngày 13/2/2024 vừa qua, tại Geneva, Thụy Sỹ đã diễn ra phiên họp trước Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review, viết tắt UPR) về Việt Nam.
Đây là cơ hội để các tổ chức phi chính phủ, hay tổ chức XHDS, cung cấp thông tin cho Hội đồng Nhân quyền LHQ và các quốc gia thành viên và trình bày về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Ngày 19/2, tôi phỏng vấn anh Percy Nguyễn, người đại diện cho BPSOS và CAMSA (Liên minh Bài trừ Nô lệ Mới ở Á châu) tại phiên họp này.
Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát là gì?
Đây là một cơ chế đánh giá định kỳ hồ sơ nhân quyền của tất cả 193 quốc gia thành viên LHQ. UPR ra đời khi Hội đồng Nhân quyền (Human Rights Council) được thành lập năm 2006.
Việc rà soát tình trạng nhân quyền được thực hiện bởi Nhóm Công tác UPR, bao gồm 47 thành viên Hội đồng, nhưng bất kỳ quốc gia nào là thành viên của LHQ đều có thể tham gia thảo luận và đặt câu hỏi cho quốc gia đang bị rà soát.
Theo trang web của Hội đồng Nhân quyền, UPR sẽ đánh giá mức độ tôn trọng nhân quyền của các quốc gia được quy định trong:
- Hiến chương LHQ
- Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền
- Các công ước về nhân quyền quốc gia đó đã ký
- Các cam kết tự nguyện của quốc gia đó (như chính sách hoặc chương trình về nhân quyền)
- Luật nhân đạo quốc tế hiện hành
Hội đồng Nhân quyền dựa vào thông tin nào?
Kiểm điểm UPR sẽ dựa trên:
- Thông tin do chính nhà nước bị rà soát cung cấp, có thể ở dạng “báo cáo quốc gia”
- Thông tin trong báo cáo của các chuyên gia và nhóm nhân quyền độc lập, chẳng hạn như cơ quan công ước nhân quyền
- Thông tin từ các bên liên quan khác bao gồm cơ quan nhân quyền quốc gia và các tổ chức phi chính phủ
Phiên họp tiền kiểm điểm
Theo anh Percy Nguyễn, buổi họp ngày 13/2/2024 là cho các phái bộ thường trực (permanent mission) từ các quốc gia khác nhau lắng nghe và đặt câu hỏi với các tổ chức XHDS.
“Chỉ có bốn tổ chức XHDS tham gia, và bốn tổ chức đều nằm ngoài Việt Nam.”
Họ là BPSOS và CAMSA (một chương trình của BPSOS), Khmer Kampuchea Krom for Human Rights and Development Association, Legal Initiatives for Vietnam (Sáng kiến Pháp lý Việt Nam), và PEN America.
“Khác với lần kiểm định lần trước, có một số tổ chức từ Việt Nam đi sang bên đây tham dự buổi UPR pre-session,” anh Percy Nguyễn nói. “Có thể thấy là 4 năm vừa qua, XHDS ở Việt Nam bị thu nhỏ cỡ nào.”
Anh cho rằng các tổ chức XHDS ở Việt Nam “phải được chính quyền cho phép” để được tham dự và cũng có thể họ lo sợ bị “đóng cửa” nếu “nói vấn đề gì phật ý chính quyền Việt Nam.”
Trong năm 2022, RFA Tiếng Việt có một bài viết với tựa đề “Sử dụng tội trốn thuế để xiết các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam!”, trong đó có đoạn:
“Câu hỏi đặt ra là tại sao những người làm kinh doanh kiếm lợi nhuận mà quên kê khai thuế thì được truy thu thuế và nộp phạt, còn những nhà hoạt động môi trường và lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận thì bị bỏ tù, thay vì truy thu thuế, trong khi cơ quan công tố không cho thấy họ có vi phạm thủ tục hình sự khi chi tiêu số tiền đó cho tổ chức.”
Anh Percy Nguyễn cho rằng tổ chức XHDS ở Việt Nam có thể bị trừng phạt với bản án trốn thuế.
BPSOS phát biểu về những vấn đề gì?
Đại diện cho BPSOS và CAMSA, anh Percy Nguyễn trình bày về ba vấn đề chính là:
- Nạn buôn người: Việt Nam không công nhận những người bị bóc lột trong chương trình xuất khẩu lao động là nạn nhân buôn người, và cũng không tôn trọng nguyên tắc không trừng phạt với nạn nhân buôn người.
- Vấn đề quyền tự do tôn giáo: nhà nước Việt Nam cưỡng ép người H’mông theo đạo Tin lành bỏ đạo, và ép buộc người Thượng phải tham gia các hội thánh thuộc quản lý của nhà nước (như Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc). BPSOS cũng đề nghị LHQ yểm trợ các tín đồ Cao Đài đòi lại các cơ sở tôn giáo của họ để kịp đánh dấu 100 năm khai đạo.
- Vấn đề quyền người bản địa: nhà nước Việt Nam không công nhận người bản địa.
Slide của anh Percy Nguyễn.
Nguyên văn lời phát biểu của anh Percy Nguyễn bằng tiếng Anh.
Ngoài ra, anh Percy Nguyễn cũng nêu lên những vấn đề này trong buổi họp với Liên minh Châu Âu.
Các tổ chức XHDS khác nói gì về Việt Nam?
Khmer Kampuchea Krom for Human Rights and Development Association nói về vấn đề quyền lợi của người Khmer Krom ở Việt Nam: quyền về văn hóa, tôn giáo hay niềm tin; quyền được giáo dục; quyền tiếp cận thông tin và tự do biểu đạt.
PEN America tập trung vào quyền tự do biểu đạt, thể hiện qua ba khía cạnh: luật pháp, tự do ngôn luận trên mạng, và cách nhà nước Việt Nam đối xử với người cầm bút (nhà báo và nghệ sĩ).
Tổ chức Sáng kiến Pháp lý Việt Nam cũng phát biểu về vấn đề quyền tự do biểu đạt và tự do trên mạng ở Việt Nam.
Các tờ thông tin, slide, và lời phát biểu của các tổ chức XHDS về Việt Nam có thể xem ở đây.
Chuyện gì tiếp theo?
Trong thời gian sắp tới, các tổ chức XHDS và nhà hoạt động nhân quyền có thể tiếp tục vận động các phái bộ thường trực từ các quốc gia khác về tình trạng hiện nay ở Việt Nam.
Phiên kiểm điểm UPR cho Việt Nam sẽ diễn ra ngày 7/5/2024 tại Geneva.