Kiểm điểm UPR cho Việt Nam ngày 7/5/2024 (chụp màn hình từ UN Web TV).
Hải Di Nguyễn
Ngày 7/5/2024, nhà nước Việt Nam đã có phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review, viết tắt UPR) tại Geneva, Thụy Sỹ về hồ sơ nhân quyền.
Sau đây là vài quan sát và nhận định cá nhân sau khi theo dõi phiên kiểm điểm.
UPR khác các phiên rà soát khác như thế nào?
UPR là cơ chế đánh giá định kỳ tình trạng nhân quyền của các quốc gia thuộc LHQ.
Khác với những phiên rà soát về việc thực thi các công ước quốc tế (chẳng hạn như Công ước Bãi bỏ Mọi Hình thức Kỳ thị Chủng tộc, tháng 11/2023), kiểm điểm UPR không phải là do một ủy ban LHQ thực hiện, mà do các quốc gia rà soát lẫn nhau, với nguyên tắc mọi quốc gia thuộc LHQ được đối xử bình đẳng.
Một điểm khác biệt nữa là các tổ chức XHDS không được quyền tham dự và theo dõi trực tiếp UPR, trừ phi có ECOSOC status, tức là có quyền tham vấn cho Hội đồng Kinh tế và Xã hội LHQ (United Nations Economic and Social Council).
Tuy nhiên, như đã giải thích trong một bài viết và một video gần đây, các tổ chức XHDS có một giai đoạn dài trước đó để tác động đến UPR.
Các quốc gia khác nhắc tới những vấn đề nhân quyền gì ở Việt Nam?
Việt Nam nhận được khuyến nghị thành lập một cơ quan nhân quyền quốc gia, từ nhiều nước như Latvia, Luxembourg, Mông Cổ, Bồ Đào Nha, Qatar, Nam Hàn, Timor-Leste, Uruguay, Burundi, Cabo Verde, Gambia, Ghana, v.v.
Nhiều quốc gia khuyến nghị bãi bỏ hoàn toàn án tử hình hoặc chỉ giới hạn cho những tội nghiêm trọng, như Lichtenstein, Malta, Mexico, Nepal, New Zealand, Na Uy, Paraguay, Bồ Đào Nha, Romania, Slovakia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Uruguay, Argentina, Úc, Áo, Bỉ, Canada, Chile, Costa Rica, Cộng hòa Séc, Phần Lan, Pháp, Iceland, Ý, Anh Quốc, v.v.
Một số nước nhắc tới không gian XHDS bị thu hẹp, như Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Ý, v.v.
Nhiều quốc gia nhắc tới quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp và lập hội, như Lithuania, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Nam Hàn, Romania, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Argentina, Áo, Bỉ, Brazil, Chile, Cộng hòa Séc, Phần Lan, Pháp, Đức, Ý, Anh Quốc, Ireland, v.v. Trong đó, một số quốc gia như Thụy Sỹ, Hoa Kỳ, Bỉ, Canada, Đức, và Anh Quốc nhắc trực tiếp tới Điều 117 (“Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCNVN”) và Điều 331 (“Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”), hai điều luật thường được dùng để bắt và bỏ tù các nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền, và nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam.
Vài quốc gia đưa khuyến nghị cho Việt Nam về vấn đề tra tấn trong nhà tù hoặc trại giam, như Lichtenstein, Maldives, New Zealand, Paraguay, Peru, Costa Rica, Pháp, v.v.
Vài quốc gia khuyến nghị phải bảo đảm xét xử công bằng, như Hà Lan, Pakistan, Hoa Kỳ, Canada.
Nhiều quốc gia nhắc tới vấn đề cưỡng bức mất tích (enforced disappearance), như Malawi, Malta, Mông Cổ, Morocco, Uruguay, Cabo Verde, Pháp, và Gambia. Một điểm đáng chú ý là lần Kiểm điểm UPR trước cho Việt Nam diễn ra ngày 22/1/2019, và ngay bốn ngày sau đó, 26/1/2019, mật vụ Việt Nam bắt cóc ông Trương Duy Nhất tại Thái Lan.
Một số quốc gia nhắc tới tự do tôn giáo, như Hoa Kỳ, Cyprus, Đan Mạch, Đức, Ý, Anh Quốc… Đặc biệt Ý nhắc tới những thành phần có hành vi bạo lực với các nhóm tôn giáo thiểu số. Đây là một trong các vấn đề BPSOS nêu lên trong phần đóng góp của XHDS cho Kiểm điểm UPR.
Nhiều quốc gia nói về bình đẳng giới và khuyến nghị tăng sự hiện diện của phụ nữ trong các vị trí quyết định và lãnh đạo. Nhiều nước cũng nhắc tới bạo lực trên cơ sở giới, như Maldives, Malta, Paraguay, Philippines, Nam Phi, Argentina, Brazil, Estonia, Georgia, Iceland, v.v. Một số khuyến nghị Việt Nam hình sự hóa cưỡng hiếp trong hôn nhân.
Vài quốc gia nhắc tới quyền lợi cho người lao động nhập cư, như Niger, Nigeria, Senegal, Colombia, Ai Cập, Gambia, v.v.
Nhiều quốc gia nhắc đến nạn buôn người, một vấn đề được BPSOS đưa ra trong các bản báo cáo cho Hội đồng Nhân quyền và nhắc lại trong phiên họp tiền kiểm điểm. Đó là những nước như Liban, Lithuania, Mông Cổ, Philippines, Qatar, Sri Lanka, Ukraine, Georgia, Ấn Độ, v.v.
Một vài nước đề cập tới quyền người bản địa hoặc khuyến nghị nên công nhận người bản địa, như Luxembourg, Mexico, Senegal, và Costa Rica. Đây cũng là một trong những chủ đề BPSOS nhấn mạnh trong các bản báo cáo và tại phiên họp tiền kiểm điểm.
Cách trả lời của phái đoàn Việt Nam
Ông Đỗ Hùng Việt nhắc tới Chiến thắng Điện Biên Phủ và trích lời ông Hồ Chí Minh trong phát biểu mở màn của phái đoàn Việt Nam tại UPR (chụp màn hình từ UN Web TV).
Tất cả những ai biết về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, đặc biệt nếu đã từng xem các phiên rà soát khác, có thể biết trước phái đoàn nhà nước sẽ trả lời ra sao tại UPR. UPR là cơ hội để nhà nước Việt Nam nói với quốc tế mình đã phát triển đất nước và cải thiện hồ sơ nhân quyền như thế nào.
Tuy nhiên, một số câu trả lời của phái đoàn Việt Nam, đặc biệt của Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, cho người dân Việt Nam và thế giới thấy rõ thái độ và chủ trương nhất quán của nhà nước Việt Nam về các vấn đề nhân quyền.
Chẳng hạn, trả lời khuyến nghị liên quan đến án tử hình, ông Đỗ Hùng Việt, trưởng phái đoàn, nói “hoàn cảnh không cho phép” bãi bỏ án tử hình.
Về khuyến nghị thành lập một cơ quan nhân quyền quốc gia độc lập, ông nói đã nhìn qua nhiều nước khác và thấy “mô hình rất đa dạng”, Việt Nam không biết thành lập một cơ quan như vậy như thế nào.
Quan trọng hơn, trong khi đại diện các bộ ngành của nhà nước Việt Nam nói đi nói lại Việt Nam có tự do ngôn luận, không kiểm duyệt báo chí, v.v., chính ông Đỗ Hùng Việt cũng nói “không chấp nhận (tolerate) việc truyền bá thông tin sai lệch hoặc kích động có thể gây bất ổn hoặc xâm phạm an ninh quốc gia” (dịch từ nguyên văn tiếng Anh).
Ông nói Việt Nam phát triển được là nhờ “hòa bình và ổn định”, và “không dung túng mọi hành động, kích động có thể gây hại tới sự ổn định của đất nước.”
Trong bài phát biểu cuối cùng, ông Đỗ Hùng Việt cũng nói những câu hỏi, khuyến nghị rất khác nhau từ các quốc gia “cho thấy mỗi quốc gia, với lịch sử, văn hóa, và sự phát triển kinh tế - xã hội riêng biệt, có những sự chú ý và mối quan tâm (interests and concerns) khác nhau.
“Điều đó nhắc nhở chúng ta rằng mặc dù các giá trị nhân quyền là phổ quát, sự đa dạng và đặc thù cũng cần được tôn trọng. Không có một mô hình duy nhất nào có thể áp dụng cho tất cả mọi quốc gia…”
Không điều gì có thể cho thấy rõ hơn đường hướng của Nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam qua các phát biểu trên.
Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Các quốc gia được chọn làm troika – Bulgaria, Kazakhstan, và Paraguay – sẽ làm bản báo cáo kết quả về buổi Kiểm điểm UPR, và nhà nước Việt Nam sẽ trả lời chấp nhận hay không chấp nhận các khuyến nghị từ các quốc gia khác.
Bài liên quan:
Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) là gì?
Các tổ chức XHDS có thể tác động đến UPR như thế nào?
Quý vị có thể xem lại phiên Kiểm điểm UPR tại đây.