Gia đình anh Khue Vang và chị Lỳ Y Xò ở Hoa Kỳ, cùng Dân biểu Glenn Grothman của Wisconson (chúng tôi làm mờ ảnh để bảo vệ trẻ em).
Hải Di Nguyễn
Chị Lỳ Y Xò (sinh năm 1986) là người H’mông ở Việt Nam. Năm 2009, chị gặp anh Khue Vang (sinh năm 1955) tại Lào, là người H’mông có quốc tịch Mỹ. Hai người sống với nhau ở Lào và có bốn đứa con.
Năm 2022, sau vài năm xa cách và thêm trì hoãn vì Covid, anh Khue Vang đến Việt Nam để đăng ký kết hôn và làm thủ tục đưa vợ sang Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, khi biết anh Khue Vang theo đạo Tin lành, chính quyền địa phương đuổi anh khỏi làng, chia cắt gia đình họ, sách nhiễu chị Lỳ Y Xò, cưỡng ép bỏ đạo, và càng gây khó khăn cho quá trình bảo lãnh.
Sau một quá trình gian nan chật vật, cuối cùng chị Lỳ Y Xò và bốn đứa con đã tới Hoa Kỳ năm 2024.
Để kể lại câu chuyện này, tôi đã phỏng vấn vợ chồng chị Lỳ Y Xò (thông qua sự phiên dịch của anh Johnny Huy của Hmong Human Rights Coalition, tức Liên minh Nhân quyền Người H’mông), Mục sư Robert Schrader, và Dân biểu Glenn Grothman.
Anh Khue Vang và chị Lỳ Y Xò gặp nhau ở Lào
Anh Khue Vang sinh ra và lớn lên ở Lào, sang Hoa Kỳ năm 1980 và trở thành công dân Mỹ khoảng năm 1994, không nhớ rõ.
Năm 2009, trong một lần về thăm Lào, anh Khue Vang gặp chị Lỳ Y Xò, cũng là người H’mông nhưng từ Việt Nam. Hai người từ đó sống với nhau, làm thuê, trồng cây cao su, sống bất hợp pháp ở Lào, và có bốn đứa con—ba trai (sinh năm 2010, 2012, 2015) và một gái (2016).
Chồng về Mỹ, vợ về Việt Nam
Sống lâu ở Lào, tài chính khó khăn, năm 2017 anh Khue Vang quyết định về lại Mỹ.
Chị Lỳ Y Xò nán lại thêm một thời gian nhưng khốn khó, về lại Nghệ An vào tháng 4/2018. Chị và các con ở với ông bà ngoại, có căn nhà nhỏ ở bản Noọng Hán, xã Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn, anh Khue Vang hàng tháng gửi tiền về.
Theo lời chị kể, vì hai người sống ở Lào không có giấy kết hôn, “mấy đứa con chính quyền coi như con hoang, họ cũng làm giấy khai sinh cho các con, và các con cũng được đi học.”
Sau vài năm mỗi người một nơi, anh Khue Vang muốn tới Nghệ An làm giấy tờ và thủ tục bảo lãnh vợ con nhưng bị đại dịch trì hoãn tới tận năm 2022.
Chính quyền địa phương ở Việt Nam làm gì?
Theo lời kể của họ, tháng 8/2022, anh Khue Vang tới Việt Nam và làm xong giấy chứng nhận kết hôn thì chính quyền địa phương phát hiện ra anh là người H’mông theo đạo Tin lành.
“Sau đó công an nói không được, nếu ông là người theo đạo thì không cho ở lại. Nếu không đi, họ sẽ đuổi đi. Lúc đó cậu của chị Xò mới bảo, họ nói vậy thì thôi, bảo anh ấy đi đi, chở anh ấy ra bắt xe về Hà Nội đi, nếu không họ bắt anh ấy.”
Chị Lỳ Y Xò cùng bốn đứa con ra sống với anh Khue Vang ở Hà Nội, đến ngày 5/9, anh trở về Hoa Kỳ còn chị đem con về lại Nghệ An.
Thế nhưng chị chẳng được yên.
Chỉ vì chồng theo đạo Tin lành, trưởng bản và công an tới tra hỏi chị có theo đạo không, rồi cưỡng ép bỏ đạo, dọa bắt nhốt, dọa đuổi đi, rồi tịch thu giấy tờ tùy thân của chị và mấy đứa nhỏ, phá dây điện, và đuổi họ khỏi làng.
Chị Lỳ Y Xò vừa khóc vừa kể chuyện mình đem con lên Hà Nội, tạm lánh với Mục sư Tủa của Hội thánh Tin lành Việt Nam – miền Bắc được 14 ngày, rồi xuống miền nam lánh nạn với Mục sư Lê Văn Cao. Tới khi Mục sư Cao cũng bị biến cố, chị lại trôi dạt sang tỉnh Bình Phước, ở với người thân và phụ trên rẫy cây cao su.
Làm thế nào phía Hoa Kỳ can thiệp để vợ con anh Khue Vang sang Mỹ?
Liên minh Nhân quyền Người H’mông được người trong bản báo cho biết trường hợp này. Với thông tin từ đó, BPSOS vừa báo cáo vi phạm nhân quyền với LHQ và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, vừa kết nối anh Khue Vang với Dân biểu Glenn Grothman ở địa hạt nơi anh cư ngụ, bang Wisconsin.
Tại Wisconsin, anh Khue Vang cũng nhờ sự giúp đỡ của Mục sư Robert Schrader, thuộc St Paul Lutheran Church.
Mục sư Schrader cho biết “Đây là quá trình dài và chi tiết—mất hơn một năm rưỡi!... Đầu tiên là việc cấp quốc tịch cho Lỳ Y Xò để sang Hoa Kỳ. Thứ hai là chứng minh mấy đứa trẻ là con của ông Vang và vì thế là công dân Mỹ.”
Việc đầu tiên mất thời gian nhưng khá suôn sẻ vì hai vợ chồng có giấy đăng ký kết hôn từ Việt Nam và một số bằng chứng khác.
“Về mấy đứa con, quá trình phức tạp hơn một chút. Để Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ xem xét trường hợp này, chúng tôi phải cung cấp bằng chứng xác thực mấy đứa nhỏ là con ông Vang. Tuy nhiên, họ không có nhiều giấy tờ hay hình ảnh làm bằng chứng. Thế là chúng tôi phải trả tiền xét nghiệm di truyền để chứng minh ông Vang đúng là cha tụi nhỏ.”
Mục sư Robert Schrader nói Dân biểu Glenn Grothman “là người có công trong việc gây áp lực lên Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ để tiếp tục vụ việc.”
Trường hợp vợ chồng anh Khue Vang lúc đầu bị xem là vấn đề giấy tờ xuất nhập cảnh, nhưng trên thực tế là một ví dụ đàn áp tôn giáo.
Dân biểu Grothman trong buổi phỏng vấn ngày 2/7/2024 về trường hợp gia đình anh Khue Vang.
Dân biểu Grothman đại diện một phần cho bang Wisconsin ở Washington. Ông cho biết “Chúng tôi luôn bày tỏ sự quan tâm với người đang gặp nạn, đặc biệt người Thiên Chúa giáo đang gặp nạn. Tôi nghĩ người ta thường nói về chuyện người nào đó bị kỳ thị vì tôn giáo, nhưng tôi nghĩ đạo Thiên Chúa đặc biệt bị phân biệt khắp thế giới.”
Ông đã nhận lên tiếng cho ba tín đồ Tin lành người Thượng—Y Pum Byă, Y Yich, và A Đảo—qua Dự án Bảo vệ Quyền Tự do của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos.
Dân biểu Grothman nói “Việt Nam, như bạn biết, là nước cộng sản và chủ nghĩa cộng sản rất vô thần, rất thù địch với tôn giáo nói chung và Thiên Chúa giáo nói riêng. Vì vậy chúng tôi muốn giúp đỡ những người trong hoàn cảnh như vậy.”
Mục sư Robert Schrader giải thích “Chúng tôi cũng phải chứng minh rằng việc đàn áp người Cơ đốc giáo ở khu vực này là có thật—BPSOS cũng như báo cáo từ một số tổ chức khác đã hỗ trợ điều này.”
Ngày 23/12/2023, chị Lỳ Y Xò và các con ra phi trường đi Mỹ, chị có visa, bốn đứa con có hộ chiếu Hoa Kỳ.
Chính quyền địa phương tiếp tục gây khó khăn
Chị Lỳ Y Xò và các con tưởng sẽ lên đường đi Mỹ ngày 23/12/2023 nhưng bị kẹt lại—mặc dù bốn người con đã có hộ chiếu Mỹ, chính quyền nói không có visa xuất cảnh và không cho đi.
“Không ai nói chúng tôi là bọn trẻ cần phải có một thứ gọi là visa xuất cảnh từ nhà nước Việt Nam vì dưới 18 tuổi. Nên gia đình bị lỡ chuyến bay,” Mục sư Robert Schrader nói. “Lúc này, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tiếp tục gây áp lực lên chính phủ Việt Nam để có được visa xuất cảnh đó.”
Sang Mỹ
(Chúng tôi làm mờ ảnh để bảo vệ trẻ em).
Giấy tờ chưa xong nhưng sợ hết hạn visa, chị Lỳ Y Xò lên máy bay đi Mỹ ngày 18/1/2024, để các con lại với sứ quán Mỹ.
Cuối cùng, sau rất nhiều khó khăn và nhờ áp lực từ phía Hoa Kỳ, bốn đứa con của anh Khue Vang cũng đã đi Mỹ ngày 26/5/2024.