Hải Di Nguyễn
Sắp tới, ngày 22/7/2024, Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế – Khu vực châu Á (International Religious Freedom Summit – Asia, tức IRF Summit – Asia) sẽ tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản.
Sau đây là một số thông tin về hội nghị.
Vì sao tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh IRF tại châu Á?
Trong một video đăng trên kênh YouTube IRF Summit năm 2022, họ nói khu vực châu Á – Thái Bình Dương có văn hóa và tôn giáo rất đa dạng nhưng các nhóm tôn giáo thiểu số phải đối mặt với “các chính phủ áp bức và sự chuyên chế của đa số (majority tyranny).”
Video đưa ra một số ví dụ về đàn áp tôn giáo ở châu Á – Thái Bình Dương: Indonesia sử dụng luật báng bổ để nhắm vào các cộng đồng tôn giáo thiểu số; luật pháp Malaysia chỉ công nhận Hồi giáo Sunni, không công nhận các nhánh khác của đạo Hồi; Bắc Hàn “là nơi nguy hiểm nhất trên thế giới cho người Thiên Chúa giáo”; nhà nước cộng sản ở Trung Quốc và Việt Nam “chà đạp, giới hạn, và kiểm soát tôn giáo bằng mọi giá”; người Hồi giáo, Duy Ngô Nhĩ (Uyghur), và Rohingya là nạn nhân diệt chủng ở Trung Quốc và Miến Điện, v.v.
“Quan hệ đối tác mạnh mẽ với Đài Loan, Nhật Bản, Nam Hàn, và các quốc gia khác cùng chí hướng đem lại cơ hội sống còn để đẩy lùi xu hướng áp bức. Thế giới không thể tiếp tục im lặng khi khắp châu Á đang diễn ra đàn áp.”
Đó là lý do Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế, ngoài sự kiện ở Washington, D.C., đã tổ chức hội nghị tại Đài Loan vào tháng 9/2023, và sẽ tổ chức tại Nhật Bản vào ngày 22/7 sắp tới.
Sẽ có những chủ đề gì?
Theo trang web irfsummit.asia, hội nghị sẽ có 6 chủ đề là:
- Chào mừng đến Hội nghị Thượng đỉnh và phỏng vấn “Vì sao có Hội nghị Thượng đỉnh IRF châu Á?”
- Tác động của nạn diệt chủng trong khu vực
- Đa nguyên tôn giáo dẫn tới ổn định và tăng trưởng
- Bảo vệ quyền tự do tôn giáo ở các nước dân chủ châu Á
- Tự do niềm tin dưới các chính phủ độc tài
- Tầm quan trọng địa chính trị của tự do tôn giáo ở châu Á
Đó là 6 chủ đề trong ngày 22/7, ngày chính của Hội nghị Thượng đỉnh. Ngoài ra cũng sẽ có các sự kiện bên lề vào ngày 23/7.
Ai sẽ là người phát biểu?
Các diễn giả bao gồm: ông Benedict Rogers (Chủ tịch tổ chức Hong Kong Watch); bà Katrina Lantos Swett (Đồng Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh IRF và Chủ tịch Lantos Foundation); ông Bob Fu (Chủ tịch tổ chức ChinaAid); ông David Curry (Chủ tịch Global Christian Relief; Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng (Tổng Giám đốc và Chủ tịch BPSOS); bà Hannah Smith (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Luật và Tôn giáo Quốc tế); ông Mike Pompeo (Ngoại trưởng thứ 70 của Hoa Kỳ); ông Omer Kanat (Chủ tịch tổ chức Uyghur Human Rights Project); Đại sứ Robert Rehak (Đặc phái viên về các vấn đề Diệt chủng Do Thái, Đối thoại Liên Tôn giáo, và Tự do Tôn giáo hay Niềm tin); bà Saho Matsumoto (Giáo sư Đại học Nihon); ông Sam Brownback (Đồng Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh IRF, trước đây là Đại sứ Lưu động Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế); ông Yoshinobu Miyake (Chủ tịch Hội đồng của International Shinto Studies Association); Tiến sĩ TG Arya (Đại diện của Đức Dalai Lama tại Nhật Bản và Đông Á); Mục sư Andrew Brunson (Cố vấn Đặc biệt về Tự do Tôn giáo ở Family Research Council); ông Marco Respinti (Giám đốc Phụ trách tổ chức Bitter Winter); và ông Tim Peters (Người sáng lập và Giám đốc tổ chức phi chính phủ HHK_Catacombs).
Riêng TS. Nguyễn Đình Thắng của BPSOS sẽ tham gia buổi hội luận “Tự do niềm tin dưới các chính phủ độc tài”, cùng với ông Benedict Rogers, TS. TG Arya, và ông Bob Fu.
Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra khi nào?
Thứ Hai, 22/7, hội nghị sẽ bắt đầu lúc 9:30 sáng giờ Nhật Bản, tức 7:30 sáng giờ Việt Nam.
Thứ Ba, 23/7, sẽ diễn ra các hội luận bên lề. TS. Nguyễn Đình Thắng cũng sẽ cùng với một số diễn giả phát biểu về tình trạng đàn áp xuyên quốc gia và nhu cầu bảo vệ người tỵ nạn.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin bằng bài viết và video về hội nghị.
Quý vị có thể theo dõi trực tuyến các tham luận ngày 22/7 tại đây.