- Bản gốc tiếng Anh: https://www.uscirf.gov/publications/state-controlled-religion-and-religious-freedom-vietnam
BPSOS, ngày tháng 10, 2024
LTS: BPSOS tổ chức chuỗi hội luận do ngày 9 tháng 10 ở Berlin, Đức để giới thiệu tài liệu nghiên cứu của Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế về đề tài này với các tham dự viên Hội Nghị Cấp Bộ Trưởng Thăng Tiến Tự Do Tôn Giáo diễn ra ngày hôm sau. Chúng tôi sẽ đăng từng phần bản dịch tiếng Việt tài liệu quan trọng này để người Việt khắp nơi tiện tham khảo và tiếp tay phổ biến. Tài liệu này đánh dấu bước ngoặt đáng kể trong cuộc đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam. Khi các tổ chức làm trợ cụ đàn áp tôn giáo bị vô hiệu hoá, gọng kềm khống chế các nhóm tôn giáo độc lập sẽ bị đứt gãy và mất dần tác dụng.
5. CÁC TỔ CHỨC TÔN GIÁO BỊ ĐẶT DƯỚI SỰ KIỂM SOÁT CỦA NHÀ NƯỚC
5.1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN)
Phần này đề cập đến sự can thiệp của chính phủ Việt Nam thông qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), một tổ chức do nhà nước thành lập, vào các tổ chức Phật giáo Đại Thừa, các nhóm Phật giáo không liên kết trên khắp Việt Nam và cộng đồng Phật giáo Khmer Krom theo hệ phái Phật giáo Nguyên thủy (Theravada).[1] Từ đầu những năm 1980, chính phủ Việt Nam đã theo đuổi sách lược Thay thế, để thay thế các tổ chức Phật giáo độc lập bằng GHPGVN. Sách lược này bao gồm việc bổ nhiệm các lãnh đạo tôn giáo, cung cấp các đặc quyền cho những người đồng ý gia nhập GHPGVN, nhắm mục tiêu vào các lãnh đạo tôn giáo kháng cự sự kiểm soát của chính phủ thông qua việc tước chức sắc, quấy rối, đe dọa và cưỡng chế, đồng thời chiếm đoạt tài sản của các Phật tử hay của các vị sư độc lập và giao lại cho GHPGVN. Chính phủ cũng đã đặt các chùa Khmer Krom dưới sự quản lý của lãnh đạo GHPGVN trong khi các nhà lãnh đạo này phần lớn không phải là người Khmer Krom. Điều này tạo ra một gánh nặng đặc biệt cho cộng đồng Phật tử Khmer Krom, họ đã chứng kiến sự suy thoái của truyền thống tôn giáo và sự thay thế dần dần ngôn ngữ Khmer bằng tiếng Việt trong việc thực hành tôn giáo của họ.
Hình 1 – Sư Uoon Sok thuộc Giáo Hội Phật Giáo Khmer Krom và Thượng Toạ Thích Minh Nguyện thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại buổi cầu nguyện đa tôn giáo cho công lý và hoà bình, ngày 9/10/2024, Berlin, Đức
Bối Cảnh
Theo kết quả kiểm tra dân số năm 2019 của Việt Nam, có năm triệu Phật tử đã đăng ký với GHPGVN, chiếm gần 5% trong tổng dân số hơn 96,2 triệu người, trong khi Ban Tôn giáo Chính phủ (BTGCP) ước tính con số này có thể lên tới 10 triệu người, bao gồm cả những Phật tử chưa đăng ký.[2]
Năm 1963, 13 nhóm Phật giáo Đại thừa khác nhau đã thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN). Vào cuối cuộc Chiến Việt Nam, năm 1975, GHPGVNTN đã đại diện cho tôn giáo lớn nhất ở miền Nam Việt Nam. Năm 1981, chính phủ Việt Nam đã thành lập GHPGVN. Mặc dù chính phủ không ban hành sắc lệnh chính thức để giải thể GHPGVNTN, nhưng trong cùng năm đó, họ đã tịch thu các tài sản của GHPGVNTN, bao gồm chùa Ấn Quang (trụ sở của GHPGVNTN tại Thành phố Hồ Chí Minh) cũng như các chùa, trường học, cô nhi viện và các tài sản khác. Chính quyền đã bỏ tù nhiều vị cao tăng nổi tiếng của GHPGVNTN và tra tấn một số người đến chết trong khi bị giam giữ. Một số người khác bị buộc phải lưu vong hoặc bị quản thúc tại chùa, không được phép rời khỏi chùa. Cuộc đàn áp đối với GHPGVNTN độc lập đã khiến nhiều lãnh đạo của tổ chức này phải gia nhập GHPGVN, mặc dù họ vẫn có thiện cảm với GHPGVNTN. Tuy nhiên, một số nhà sư đã từ chối gia nhập GHPGVN vì tổ chức này thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) và có quan hệ với Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN).
Các Phật tử Khmer Krom thuộc dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở đồng bằng sông Cửu Long và theo Phật giáo Theravada. Kể từ khi GHPGVN được thành lập vào năm 1981, tổ chức này, chủ yếu theo hệ phái Đại thừa, đã chính thức tiếp quản các địa điểm tôn giáo và tu sĩ Khmer Krom. GHPGVN bắt buộc họ sử dụng tiếng Việt trong các hoạt động tôn giáo, gây thiệt hại cho ngôn ngữ gốc của người Khmer, vốn đã được sử dụng trong việc thực hành tôn giáo và thờ phụng qua nhiều thế kỷ.
GHPGVN thường ủng hộ việc xây dựng các ngôi chùa nguy nga và thu lợi nhuận từ các nguồn thu của các chùa này. Theo Bộ Tài chính, chỉ trong tháng 3 năm 2023, chùa Ba Vàng đã nhận được 4,1 tỷ đồng (khoảng 161.500 USD) từ tiền quyên góp của du khách. Cùng năm 2023, chùa Ba Vàng đã đóng góp 2 tỷ đồng (khoảng 78.631,80 USD) cho Ủy ban Trung ương MTTQVN cho các hoạt động từ thiện.[3] Ngoài ra, GHPGVN đã thành lập Công ty Cổ phần Thiện Tài để thực hiện các chuyến du lịch tâm linh, hành hương và xuất bản kinh sách Phật giáo và các tài liệu liên quan.[4]
Kiểm soát GHPGVN thông qua các lãnh đạo tôn giáo do nhà nước bổ nhiệm
Chính phủ duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với GHPGVN thông qua MTTQVN và BTGCP. Nhiều nhà sư cao cấp của GHPGVN tham gia vào việc cổ động các chính sách của ĐCSVN và chủ trương của chính phủ thông qua việc tham gia MTTQVN và các vị trí trong chính quyền các cấp, bao gồm cả Quốc hội. Ngoài ra, các lãnh đạo GHPGVN thường xuyên làm việc chặt chẽ với các sĩ quan cao cấp thuộc Bộ Công an. Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN hiện tại, kiêm Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, từng là thành viên của Ủy ban Trung ương MTTQVN và của Quốc hội (2016-2021). Năm 2019, ông phát biểu trước Quốc hội rằng không có chùa nào ở Việt Nam nằm ngoài GHPGVN.[5]
Chính phủ sử dụng các lãnh đạo GHPGVN cho các mục đích chính trị. Vào tháng 10 năm 2023, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN và Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Trung ương, đã tham gia một phái đoàn Việt Nam đến Hoa Kỳ do BTGCP dẫn đầu. Nhiệm vụ của phái đoàn này là thuyết phục Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đem Việt Nam ra khỏi danh sách theo dõi đặc biệt (Special Watch List) của Hoa Kỳ.
Năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công nhận sự ủng hộ của GHPGVN đối với ĐCSVN trong dịp lễ kỷ niệm 40 năm thành lập tổ chức này. Ông đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho GHPGVN và Huân chương Lao động hạng Ba cho các lãnh đạo của tổ chức này. Chủ tịch MTTQVN lúc bấy giờ, ông Đỗ Văn Chiến, đã trao Huy chương Đại đoàn kết của MTTQVN cho tất cả các nhà sư của GHPGVN.[6]
Đối Đãi Khác Biệt với Các Thành Viên của GHPGVN
Chính phủ bảo vệ các lãnh đạo GHPGVN bằng cách che đậy những chỉ trích nhằm vào họ và các hành vi sai trái của họ. Vào ngày 26 tháng 4 năm 2024, chính quyền đã bắt giữ blogger Dương Hồng Hiếu vì một bài đăng trên Facebook chỉ trích cách diễn giải một số giới luật của Phật giáo của Thượng tọa Thích Chân Quang, Phó Trưởng ban Kinh tế và Tài chính của giáo hội này. Chính quyền đã buộc tội Ông Hiếu theo Điều 331 của Bộ luật hình sự.[7]
Các thành viên của GHPGVN không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật như các nhà lãnh đạo tôn giáo của các cộng đồng Phật giáo độc lập. Năm 2019, Đại Đức Thích Trúc Thái Minh đã bị phát hiện là thu tiền của các tín đồ để giúp họ trả nợ cho vong hồn của người thân đã khuất.[8] Đối với vụ việc này, GHPGVN đã kỷ luật Đại Đức Thích Trúc Thái Minh bằng cách bắt ông sám hối trong 49 ngày và cách chức ông khỏi mọi chức vụ của giáo hội. Tuy nhiên, ông vẫn giữ chức vụ trụ trì của Chùa Ba Vàng, một trong những ngôi chùa Phật giáo lớn nhất châu Á và là nguồn thu nhập đáng kể. Vào tháng 1 năm 2024, thêm nhiều cáo buộc được đưa ra cho rằng Đại Đức Thích Trúc Thái Minh đã lừa đảo hàng chục nghìn Phật tử đã trả tiền để xem một vật mà ông ta nói là tóc của Đức Phật, nhưng sau đó bị vạch trần trên mạng xã hội là cỏ pili. [9] Lãnh đạo Giáo hội chỉ khiển trách ông ta bằng một lời cảnh cáo xuông.[10] Bộ CA đã không tiến hành bất kỳ cuộc điều tra hình sự nào.
Nhắm Mục Tiêu vào các Tổ Chức và các Nhà Lãnh Đạo Phật giáo Độc Lập
Chính phủ chỉ coi những người được liệt kê trong danh sách tu sĩ của GHPGVN mới là nhà sư và sử dụng GHPGVN để làm mất tính hợp pháp của các nhà sư kháng cự sự kiểm soát của chính phủ. Từ giữa năm 2021, một số nhà sư GHPGVN lộ liễu hơn trong việc nhắm mục tiêu vào các nhóm Phật giáo không liên kết và các nhà lãnh đạo của họ, bao gồm cả những người liên kết với GHPGVNTN và những người ở những nơi không phải là chùa.
Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ ở tỉnh Long An là một nhóm độc lập gồm khoảng chín Phật tử điều hành một nhà chăm sóc trẻ mồ côi gồm mười đứa trẻ mà họ nuôi và giáo dục để làm chú tiểu. Vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, Hòa thượng Thích Minh Thiện, Chủ tịch GHPGVN tỉnh Long An, đã tố cáo rằng người sáng lập Thiền viện bóp méo lời dạy của Đức Phật, và các thành viên của thiền viện dám tự nhận mình là nhà sư. Một nhà sư khác của GHPGVN, Thượng tọa Thích Nhật Từ, đã yêu cầu Công an điều tra người sáng lập đã 90 tuổi vào thời điểm đó và các đệ tử của ông về tội báng bổ và các vấn đề khác liên quan đến việc thờ cúng độc lập của họ. Vào tháng 7 năm 2022, chính quyền đã kết án người sáng lập và năm đệ tử tổng cộng 23 năm sáu tháng tù theo Điều 331 của Bộ luật hình sự. Trong nhiều cuộc đột kích, Công an đã tịch thu trọn số tiền tiết kiệm của nhóm. Vào năm 2023, Công an tỉnh Long An đã mở một cuộc điều tra hình sự theo Điều 331 đối với ba luật sư đại diện cho Thiền am. Các luật sư sau đó đã trốn khỏi Việt Nam.[11]
Chính phủ tiếp tục buộc các nhà sư Phật giáo Nguyên thủy Khmer Krom gia nhập GHPGVN mặc dù có sự hiện diện của đa số Phật tử người Kinh theo Đại thừa trong giáo hội này. Những người muốn theo chủ trương độc lập phải đối mặt với sự trả thù của các nhà sư GHPGVN và sự trừng phạt khắc nghiệt từ phía chính phủ, gồm cả việc bắt giữ và bỏ tù. Vào ngày 3 tháng 12 năm 2023, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trục xuất Sư Thạch Chanh Đa Ra, trụ trì Chùa Đại Thọ Phật giáo Khmer Krom ở tỉnh Vĩnh Long,[12] mặc dù ông chưa bao giờ đăng ký với GHPGVN. Giáo hội này cáo buộc ông "bất hợp tác", "phỉ báng chính quyền địa phương" và "phá hoại việc thực hiện các chính sách đoàn kết". Sư Thạch Chanh Đa Ra đã vận động trên mạng xã hội cho quyền tự do tôn giáo, quyền bản địa của người Khmer Khom và cho sự độc lập của ngôi chùa của mình. Trang web Giác Ngộ Online của GHPGVN đã công khai tố cáo ông vi phạm các nghi lễ tôn giáo và hiến chương của Giáo Hội này.[13] Vào ngày 26 tháng 3 năm 2024, Công an đã bắt giữ Sư Thạch Chánh Đa Ra và một trong những đệ tử của ông vì vi phạm Điều 331 của Bộ luật hình sự. Ngày hôm sau, Công an đã bắt giữ thêm bốn nhà sư và một Phật tử tại gia của Chùa Đại Thọ, cũng vì vi phạm Điều 331.[14] Theo báo cáo, Công an đã lột áo tu bốn nhà sư trước khi bắt giữ họ.[15]
Các nhà chức trách Việt Nam cũng quấy rối các nhà sư đã di cư sang Hoa Kỳ nhưng vẫn duy trì mối quan hệ với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) tại Việt Nam. Thượng tọa Thích Minh Nguyện, một công dân Hoa Kỳ ở Modesto, California, đã báo cáo rằng chính quyền Việt Nam đã đe dọa tịch thu chùa Quang Đức của ông, một ngôi chùa lịch sử tại thành phố Huế nếu ông không gia nhập GHPGVN. Trước đó, GHPGVN đã bổ nhiệm một nhà sư của họ đến chùa này nhưng dân làng đã không chấp nhận. Được biết, chính quyền địa phương đã ngăn cản Thượng tọa Thích Minh Nguyện thực hiện các hoạt động tôn giáo tại chùa trong những chuyến viếng thăm chùa hàng năm của ông.
Can Thiệp Vào Việc Thực Hành và Hoạt Động Tôn Giáo
Chính phủ can thiệp vào các hoạt động tôn giáo tại các chùa không thuộc GHPGVN. Vào tháng 8 năm 2019, chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã can thiệp vào một buổi lễ do Hòa thượng Thích Không Tánh, một khách tăng, làm chủ lễ tại chùa Đạt Quang, một ngôi chùa độc lập. Chính quyền biện minh cho sự can thiệp của họ với lý do là vị hòa thượng này không phải là nhà sư tại địa phương, do đó chùa cần phải xin phép chính quyền để thực hiện buổi lễ này.
Vì chính phủ xem GHPGVN là đại diện chính thức của Phật giáo tại Việt Nam, các chùa thuộc GHPGVNTN không được phép treo biển hiệu trên cổng để thể hiện mối quan hệ với giáo hội của họ. Tương tự, các nhà sư thuộc GHPGVNTN làm từ thiện không được phép công khai rằng họ thuộc GHPGVNTN. Hòa thượng Thích Nguyên Lý, trụ trì chùa Giác Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh và là Trưởng Phòng hành sự của GHPGVNTN, cho biết ông và các nhà sư khác không thể công khai việc họ là thành viên của GHPGVNTN trong những chuyến đi cứu trợ người nghèo ở nhiều tỉnh thành. Chính quyền địa phương đã cảnh báo rằng nếu họ công khai nhận là thành viên của GHPGVNTN thì họ sẽ bị từ chối tiếp cận với dân chúng để cứu trợ.
Vấn Đề Tài Sản
GHPGVN hưởng lợi từ việc chính phủ tịch thu các chùa thuộc GHPGVNTN. Theo Chương VIII của Quy chế GHPGVN, khi một chùa gia nhập hoặc được chuyển giao cho GHPGVN, đất đai và tài sản của chùa, cũng như tất cả tài sản cá nhân đứng tên trụ trì chùa, sẽ trở thành tài sản của GHPGVN. [16] Kể từ năm 1975, chính quyền đã tịch thu chùa và tài sản của GHPGVNTN, đa phần trong số đó đã được chuyển giao cho GHPGVN. Việc tiếp tục phương cách phá hủy chùa được dựa chủ yếu vào Luật Xây dựng và Luật Đất đai, chính quyền đòi hỏi các cơ sở tôn giáo phải xin giấy phép xây cất để xây dựng các công trình tôn giáo. GHPGVN có quyền thay đổi mục đích sử dụng đất này cho các mục đích tôn giáo khác, hoặc mua bán lại với sự phê duyệt của chính quyền cấp tỉnh.
Chính quyền cũng cho phép xây dựng các chùa lớn thuộc GHPGVN, chẳng hạn như chùa Bái Đính năm 2003 tại tỉnh Ninh Bình, trải rộng trên tổng diện tích 539 ha.[17] Tuy nhiên, các báo cáo từ các nhóm Phật giáo độc lập cho thấy chính quyền từ chối cấp phép cho bất kỳ việc sửa chữa hoặc mở rộng, xây dựng mới các công trình thuộc các cộng đồng Phật giáo độc lập. Một số chùa độc lập của GHPGVNTN đã tiến hành sửa chữa và/hoặc cải tạo mà không có giấy phép xây dựng hợp lệ, khiến họ đã bị chính quyền tịch thu và phá hủy.
Hơn nữa, đôi khi chính phủ thu hồi đất do các chùa của GHPGVNTN sử dụng với lý do phục vụ lợi ích công cộng. Năm 2016, chính quyền đã phá hủy chùa Liên Trì của Hòa thượng Thích Không Tánh ở Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh, với lý do phục vụ dự án phát triển.
Năm 2018, chính quyền phá hủy chùa An Cư ở Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng. Theo báo cáo, chính quyền đã tịch thu kinh sách Phật giáo, hiện vật và tượng Phật từ các chùa bị phá hủy và chuyển chúng đến các chùa của GHPGVN. Việc phá hủy và tịch thu chùa của các nhóm Phật giáo độc lập đã khiến một số nhà sư phải tìm nơi ẩn náu tạm thời tại các chùa độc lập khác – hiện tượng này được gọi là "những nhà sư không có chùa."
Chính phủ sử dụng các mối đe dọa tịch thu hoặc phá hủy chùa để gây áp lực buộc các nhà sư của GHPGVNTN phải gia nhập GHPGVN. Theo báo cáo từ cộng đồng, các chức sắc trong GHPGVN và chính quyền địa phương đã nhiều lần khuyên Thượng tọa Thích Thiên Thuận, trụ trì chùa Thiên Quang ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tham gia GHPGVN, bằng không có nguy cơ bị mất chùa. Chính quyền địa phương đã ra lệnh phá hủy chùa, với lý do không có giấy phép xây dựng. Từ giữa năm 2022 đến tháng 1 năm 2023, chính quyền địa phương đã viện dẫn lý do chùa không có giấy phép xây dựng và phá hủy một ngôi nhà gỗ dành cho khách, một cổng gỗ, và một túp lều tre mới được cải tạo dùng cho các hoạt động tôn giáo trong dịp Tết Nguyên Đán. Theo các nhà sư tại chùa, sự quan tâm lớn từ quốc tế, bao gồm các chuyến thăm thường xuyên của các nhà ngoại giao và nhân viên đại sứ quán nước ngoài, đã ngăn chặn việc phá hủy toàn bộ khu phức hợp của chùa.
Mỏ khai thác đá bỏ hoang vào năm 2022, Sau 20 năm chỉnh trang và xây dựng,
bây giờ là ngôi chùa độc lập Thiên Quang chùa đã cải thiện môi trường
[1] Chỉ có 1% của tổng số dân cư, phần lớn nhóm người gốc thiểu số Khmer Krom, theo Phật giáo Nguyên thủy, theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm 2022.
[2] Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, 2019.
[3] Sức Khoẻ Đời Sống, 2023.
[4] Ban Tôn giáo Chính phủ, 2021.
[5] Luật Khoa, 2020.
[6] Trang web của Công an, 2021.
[7] RFA, 2024.
[8] Như trên.
[9] Báo Thanh Niên, 2024.
[10] RFA, 23 tháng 1, 2024.
[11] Dự Án 88 (88 Project), 2022.
[12] VOA, 2024.
[13] Giác Ngộ Online, 2024
[14] Thông Tin Công an, 2023.
[15] VOA, 2023.
[16] Bản án của Toà án Nhân dân tỉnh Bến Tre, 2018.
[17] Chùa Bái Đính. Đất Việt Tour, 2021