Thượng tọa Thích Nhật Từ (BBT lựa chọn hình này, thay thế hình của bài gốc).
LTS: Sau nghiên cứu cho Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (United States Commission on International Religious Freedom, tức USCIRF) về các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam do nhà nước Việt Nam lập ra hay điều khiển, chúng tôi đang lập hồ sơ về 6 tăng sĩ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam là Thích Chân Quang, Thích Nhật Từ, Thích Minh Thiện, Thích Đức Thiện, Thích Thiện Thuận, và Thích Trúc Thái Minh.
Đây là những tăng sĩ đã sử dụng vị trí của mình trong GHPGVN để phục vụ lợi ích của Đảng và Nhà nước và/hoặc trục lợi cá nhân, làm biến chất Phật giáo từ bên trong, và tấn công, chà đạp tôn giáo khác hoặc quyền tự do tôn giáo của người khác.
Xin quý vị gửi thông tin tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.. Mọi nguồn thông tin đều được bảo mật.
Sau đây, chúng tôi xin phép đăng lại một bài viết của Việt Nam Thời Báo về ông Thích Nhật Từ.
Thượng tọa Thích Nhật Từ (tên khai sinh Trần Ngọc Thảo) là Phó Trưởng ban Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó Viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Viện trưởng – Tổng thư ký Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phó Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương GHPGVN. Với các chức vụ to lớn như vậy, lời nói và hành động của ông sẽ có tác động rất lớn đến Phật Tử nếu sai lầm. Trong một video phỏng vấn, ông thú nhận càng ngày càng nhiều người ghét ông, công kích ông ‘bởi những video cắt xén’. Bài viết này hoàn toàn căn cứ trên các video trên trang Đạo Phật Ngày Nay của ông, mà ông khoe không cắt xén.
Ông Thích Nhật Từ trong các bài phỏng vấn hay trong những lần thuyết giảng, thường ngầm ý khoe đi nhiều nước, viết nhiều sách và có những bằng cấp “tiến sĩ “, “tiến sĩ danh dự”. Một trong bằng “tiến sĩ danh dự” của ông do trường đại học Apollos cấp. Trường Đại học này đang gặp phải những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến chất lượng giáo dục và tuân thủ các tiêu chuẩn của DEAC (Distance Education Accrediting Commission). Thư của DEAC gửi Apollos (1) .
Kể cũng thú vị khi nhiều tu sĩ, tuổi lạp đã là Hòa Thượng hẳn tuổi đời cao hơn nhiều, nhận bằng Giáo sư, Tiến sĩ danh dự từ một trường chuyên ngành Quản trị Kinh doanh, Quản lý Doanh nghiệp và Công nghệ Thông tin ngày 19/6/2016 tại Học Viện Hành Chính Quốc Gia TP. HCM.
Qua rất nhiều video lấy trên trang mạng của ông Thích Nhật Từ quản lý, mà ông ta bảo không cắt xén, cho thấy một Thích Nhật Từ kém thông minh, thiếu hiểu biết nhưng đầy lươn lẹo. Dẫn chứng một video dài hơn 2 giờ đồng Nhật Từ giảng dạy về “Các Chiến Lược Cải Đạo Của Thiên Chúa Và Tin Lành”, ông Thích Nhật Từ (2) tự phơi bày con người thật của mình.
Ông Từ nói:” Chủ trương [của GH công giáo] trước cộng đồng Vatican ll, tức là trước 1963, là con đường truyền giáo [theo cách] thâm thực văn hóa, loại trừ văn hóa, xung đột văn hóa, tiêu diệt văn hóa, biến các quốc gia nghèo thành công cụ truyền bá thiên quốc trên nước thiên đàng dẫn đến chủ nghĩa bán nước, chủ nghĩa cõng rắn cắn gà nhà (phút 36.)
Lời nói trước lớp học gồm các vị tu sĩ già của Thích Nhật Từ về cách tiếp cận truyền giáo của Giáo hội Công giáo trước Công đồng Vatican II khiến ông bị chỉ trích về kiến thức và sự chân thực.
Công đồng Vatican I (1869-1870) chủ yếu nhấn mạnh giáo lý về quyền tối thượng của Giáo hoàng và tính không sai lầm của Ngài khi công bố các vấn đề tín lý, mà không hề đưa ra chủ trương về việc thay thế hay tiêu diệt văn hóa của các dân tộc.
Trước Công đồng Vatican II (diễn ra từ năm 1962 đến năm 1965), việc truyền giáo của Giáo hội Công giáo ở nhiều vùng khác nhau đôi khi thực tế dẫn đến những xung đột và thay đổi văn hóa đáng kể. Giai đoạn này chứng kiến một số nhà truyền giáo thiển cận, tưởng rằng văn minh phương tây có thể làm cho đời sống tín đồ, kể cả vật chất lẫn tinh thần, tốt hơn nên họ đã cố gắng áp đặt các chuẩn mực văn hóa phương Tây lên người dân địa phương.
Dù những lỗi-lầm-với-ý hướng-tốt thì điều này có thể bị xem là đã gây xung đột văn hóa trong một bộ phận dân chúng. Ngay cả hiện nay, một số cha xứ cũng làm ‘con chiên’ bất mãn vì sự thủ cựu, lạc hậu hay áp đặt giáo dân của họ. Đó không phải chủ trương của Giáo hội Công giáo, hay của Giáo hoàng nào cả.
Điều quan trọng là ông Nhật Từ phải nhận ra sự phức tạp của các tương tác lịch sử. Không phải mọi nỗ lực truyền giáo đều gây xung đột hay xâm thực văn hóa bản địa. Vô số chương trình truyền giáo có nỗ lực nhằm mục đích cung cấp giáo dục, chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ xã hội vẫn giữ sự trung thành và đề cao, làm phong phú nền văn hóa bản địa.
Những môn đệ đầu tiên của Giê-Su khi đi rao giảng về Ngài, 11 trong số 12 môn đồ, đều chịu đau khổ, bị giết chết để mời gọi người ta về với Chúa Giê-su Sống-lại. Họ không ép buộc, dụ dỗ, cũng không thâm nhập hay xóa bỏ văn hóa bản địa… Số phận người theo bước chân truyền giáo của họ sau này cũng không thay đổi, nhiều người bị hành hạ, xua đuổi và không ít bị giết-Tử vì Đạo-
Chữ Mông (H’mong) Romanized Popular Alphabet (RPA) được phát minh và phát triển giữa năm 1951 và 1953 nhờ một nhóm truyền giáo và các nhà lãnh đạo H’Mong tại Lào. Đây là hệ chữ viết phổ biến nhất cho ngôn ngữ H’Mong, đặc biệt ở phương Tây và Đông Nam Á (3). Việc các nhà tuyền giáo phát minh ra chữ viết H’Mong đã đóng góp phần rất lớn vào việc bảo tồn và phát triển văn hóa của người H’Mong. Chữ Việt mà Trần Ngọc Thảo học từ bé để có kiến thức như ngày nay dùng xiển dương Phật Pháp theo cách của ông cũng từ công lao của các giáo sĩ Phương Tây.
Công đồng Vatican II (1962-1965) đã đặc biệt khuyến khích tôn trọng và hội nhập văn hóa. Văn kiện Nostra Aetate và Ad Gentes của Công đồng Vatican II về truyền giáo khẳng định rằng Công giáo phải tôn trọng, đồng hành với các giá trị bản địa và không được áp đặt hay tiêu diệt nền văn hóa nào. Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Tòa Thánh Vatican được thiết lập, và mỗi tổng giáo phận, giáo phận trên thế giới đều có các ủy ban này.
Thay đổi rất quan trọng là tất cả lễ nghi đều phải dùng ngôn ngữ bản địa, thích ứng và hội nhập của đức tin vào các nền văn hóa địa phương. Điều này đã dẫn đến việc Giáo hội mở rộng đối thoại và hợp tác với các nền văn hóa và tôn giáo khác, đồng thời thúc đẩy công lý, hòa bình, và phát triển.
Trước đây, việc truyền giáo đôi khi bị gắn với các chính sách thuộc địa, đặc biệt ở các quốc gia mà thực dân châu Âu có vai trò lớn. Tuy nhiên, đây là hành động của các chính quyền thực dân, không phản ánh chủ trương của Giáo hội.
Ông Nhật Từ cho rằng Công giáo có chủ trương tiêu diệt văn hóa hay thúc đẩy “chủ nghĩa bán nước” là không chính xác, bất công và thiển cận. Lời của Thích Nhật Từ với các tu sĩ lớn tuổi ngồi dưới không rõ ràng và thiếu công bằng với nhiều cá nhân cũng như nỗ lực trong sứ mệnh truyền đạo của Tin lành và Công giáo, những người đã hoạt động tích cực, tôn trọng và đồng hành với các nền văn hóa địa phương.
Nhận thức của ông Từ có thể được coi là một khái quát hóa quá mức (overgeneralization). Do kiến thức hạn chế, dựa vào một, hai sự kiện đọc được đâu đó, ông tự xây dựng các phổ quát rộng không có tính khoa học. Nhận thức kiểu này xảy ra với một số người có đầu óc không bình thường, thích “vơ đũa cả nắm”.
Phút 39, ông Nhật Từ nói [để truyền đạo thành công] “các nhà truyền giáo không từ chối bất cứ âm mưu thủ đoạn thậm chí là phi pháp, phi đạo đức và tiêu diệt văn hóa , miễn là gặt hái thật nhiều linh hồn về cho Chúa”. Đây là tuyên bố hồ đồ, khiêu khích, dối trá, xúi dục, gây hiểu lầm, kích động, gây hiềm thù dân tộc và các tôn giáo đúng theo luận điệu của hai nhóm đặc tình Cộng sản, Giao Điểm, Sách Hiếm, chuyên đả phá Thiên Chúa giáo và chia rẽ tôn giáo mà ông Từ thường nhắc đến làm dẫn chứng.
Bất cứ tôn giáo nào, kể cả Phật giáo luôn tuân theo nguyên tắc đạo đức rõ ràng và nhất là trong thâm tâm luôn tôn trọng văn hóa địa phương, nhập gia tùy tục, trong các hoạt động truyền giáo, nếu không muốn thất bại ngay từ lúc bước chân vào điểm truyền giáo.
Phút 45:30. Ông Thích Nhật Từ nói “[số người vào đạo tăng lên bởi thủ đoạn] dụ đạo, cưỡng bức hôn nhân, hỗ trợ kinh tế, tư vấn nghề nghiệp, giảng dạy tiếng Anh và nhiều hoạt động khác.”
Ông Từ có lẽ không tường tận các bối cảnh văn hóa, lịch sử, địa lý trong các thời kỳ truyền giáo của cả Tin lành lẫn Công giáo và cố ý chụp mũ, gây hiểu sai về các hoạt động đi liền với việc truyền giáo. Việc chuyển sang Thiên Chúa giáo có thể do nhiều lý do khác nhau, và không phải lúc nào cũng là do “thủ đoạn” hoặc “dụ đạo” như câu trên đề cập.
Trong lịch sử, và kể cả cho đến nay, đúng là có những thời kỳ và hoàn cảnh mà việc truyền đạo đi kèm với các phương pháp như hỗ trợ kinh tế, giáo dục, tư vấn nghề nghiệp, và nhiều hoạt động xã hội khác. Các nhà truyền giáo đã mang đến những dịch vụ này nhằm tiếp cận cộng đồng và giúp đỡ họ. Tuy nhiên, việc nói rằng đây là “thủ đoạn” hoặc có tính “cưỡng bức” là sự vu khống. Người theo đạo có thể chọn lựa dựa trên niềm tin cá nhân và sự hấp dẫn của hệ giá trị Thiên Chúa giáo.
Tất nhiên, không phủ nhận một số quốc gia thực dân phương Tây có kết hợp việc truyền đạo với các chính sách bành trướng văn hóa, khiến cho người dân bản địa cảm thấy bị áp lực phải chuyển đổi tôn giáo. Tuy nhiên, đây là trường hợp cụ thể trong lịch sử, và không phải là cách thức phổ biến hoặc là bản chất của tất cả các hoạt động truyền giáo Thiên Chúa giáo.
Ở Việt Nam nói riêng, và nhiều quốc gia khác, việc truyền giáo đã bắt đầu từ hàng trăm năm trước khi có sự hiện diện quân sự và chính trị của các cường quốc phương Tây. Các giáo sĩ tây phương đến điểm truyền giáo với hai bàn tay trắng chỉ với tình yêu thương và niềm tin mãnh liệt để “mang các linh hồn về cho Chúa”. Họ đến với tinh thần yêu thương, niềm tin mạnh mẽ, và cam kết lan tỏa thông điệp Kitô giáo. Các giáo sĩ học tiếng địa phương, sống trong điều kiện thiếu thốn và thường gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phải đối mặt với sự nghi ngờ và kháng cự từ chính quyền sở tại.
Thời kỳ khởi đầu truyền đạo ở Việt Nam, nhiều người, kể cả giới thượng lưu, thương gia, trí thức, quan lại và các vương giả theo đạo tự nguyện, vì hấp thụ những giá trị nhân ái và giáo lý của Thiên Chúa giáo. Những trí thức như Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký… đã làm lợi biết bao nhiêu cho quốc gia nhờ hấp thụ văn minh Ki-Tô giáo.
Các giáo sĩ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển chữ Quốc ngữ, xây dựng trường học, bệnh viện, và thực hiện các hoạt động xã hội. Những đóng góp đó để lại một di sản đáng kể trong văn hóa và xã hội Việt Nam.
Vì vậy, việc khẳng định một cách chung chung như câu trên không phản ánh đầy đủ và công bằng sự đa dạng trong phương thức và động cơ truyền giáo của Thiên Chúa giáo.
(còn tiếp)
_______________
Tham khảo
(1) 110723_apollos_sco_letter.pdf
(2)