Ông Nguyễn Bắc Truyển và vợ tại Washington, DC, cùng bà Anke Opperman, thuộc văn phòng về tự do tôn giáo toàn cầu của Đức.
Hải Di Nguyễn
Trong bài trước, tôi đã viết về cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển và việc ông dấn thân vào con đường đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền, rồi sau đó tập trung vào tự do tôn giáo.
Ông bị chính quyền Việt Nam cầm tù hai lần. Lần đầu, án 3 năm 6 tháng. Lần hai, án 11 năm (thả sau 6 năm nhưng bị đẩy thẳng sang Đức).
Trong phỏng vấn gần đây trên Radio Saigon Houston (đăng ngày 18/2/2025), ông cũng nói thêm về việc tiếp tục công cuộc đấu tranh tại hải ngoại.
Có phải ai đấu tranh rồi cũng được đi nước ngoài không?
Hai vợ chồng ông Nguyễn Bắc Truyển với áo thun kỷ niệm từ chiến dịch vận động "Where is Nguyen Bac Truyen?".
Một luận điệu có lẽ ai cũng đã thấy nhiều ở Việt Nam là “đấu tranh để đi nước ngoài” hay “đấu tranh để đi Mỹ”.
Thứ nhất, trên thực tế, không phải ai đi tù chính trị rồi cũng đi nước ngoài. Ông Nguyễn Bắc Truyển nói “Một số người nghĩ ở tù thì chắc chắn sẽ đi nước ngoài. Điều đó không có đâu. Sự vận động phải vừa khoa học, phải vừa liên tục, phải cần sự kiên nhẫn nữa.”
Trong một video đăng trên Mạch Sống ngày 28/9/2023, bà Mỹ Hạnh (Michelle Nguyen), đồng sáng lập với ông Nguyễn Bắc Truyển Liên minh Chống Tra tấn – Việt Nam, đã giải thích quá trình vận động suốt 6 năm, kêu gọi thả tự do cho ông Truyển và các tù nhân lương tâm khác ở Việt Nam.
Thứ hai, cuộc sống lưu vong là một cái giá phải trả không hề nhỏ cho những người tranh đấu cho tự do dân chủ và nhân quyền. Bản thân ông Nguyễn Bắc Truyển bị đưa thẳng từ nhà tù ra phi trường và bay sang Đức cùng với vợ. Ông cũng nói trong một tham luận đoàn của BPSOS tại Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế, cuộc sống hiện nay tại Đức có rất nhiều khó khăn cho vợ ông; họ buộc phải đi vì nhà cầm quyền bóp nghẹt tự do và đàn áp người dân; ông chỉ muốn Việt Nam không còn là nước cộng sản độc tài để có thể trở về, có thể sống trên chính đất nước mình.
Ở hải ngoại có thể đấu tranh như thế nào?
“Tại Đức không có nhiều tín đồ Hòa Hảo ở vùng tôi sống, nhưng ở Hanover hay Düsseldorf thì có một cộng đồng Phật giáo Hòa Hảo ở đó. Chúng tôi cũng thường xuyên liên lạc với các cộng đồng đó để hỗ trợ nhau trong vấn đề đấu tranh cho tự do tôn giáo của các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập trong nước,” ông Nguyễn Bắc Truyển nói.
“Thế mạnh của người đấu tranh ở nước ngoài là vận động chính giới các quốc gia quan tâm tình hình nhân quyền ở Việt Nam.”
Chẳng hạn, năm 2023, ông có mặt ở Praha, Cộng hòa Séc để tham dự Hội nghị Cấp Bộ trưởng cho Tự do Tôn giáo Quốc tế.
Ông Nguyễn Bắc Truyển trong tham luận đoàn với Giáo sư Heiner Bielefeldt (chụp màn hình từ livestream).
Năm 2024, ông lại tham dự Hội nghị Cấp Bộ trưởng tại Berlin, và ngồi cùng tham luận đoàn (do BPSOS tổ chức) với Giáo sư Heiner Bielefeldt, cựu Báo cáo viên Đặc biệt LHQ về Tự do Tôn giáo hay Niềm tin, đã từng kêu gọi nhà nước Việt Nam trả tự do cho ông Truyển.
Gần đây nhất, ông tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế (International Religious Freedom Summit, tức IRF Summit) tại Washington, DC và phát biểu trên diễn đàn khoáng đại vào ngày 4/2/2025, kể lại câu chuyện của mình, tố cáo tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam, và lên tiếng cảm ơn những người đã vận động và lên tiếng khi ông bị cầm tù.
Ông cũng có trong hai tham luận đoàn khác do BPSOS tổ chức tại Hội nghị Thượng đỉnh, nói về Phật giáo Hòa Hảo và nói về tù nhân lương tâm ở Việt Nam.
Tập trung vào tự do tôn giáo nhưng ông Nguyễn Bắc Truyển cũng vận động cho các quyền con người khác ở Việt Nam, và muốn tiếp tục đẩy mạnh ở châu Âu.
Nên khiêm cung và bao dung
Cuối cùng, trong phỏng vấn trên Radio Saigon Houston, ông Nguyễn Bắc Truyển nói:
“Tôi là nhà hoạt động về nhân quyền, tôi biết tôi là một viên gạch trong rất nhiều viên gạch, hay một hạt cát trong sa mạc. Người đấu tranh như tôi phải biết sự khiêm cung. Trước hết chúng tôi làm việc gì đó bằng trái tim của chúng tôi, bằng lòng yêu nước, lòng yêu người dân… Không có vụ lợi trong đó, chúng ta mới đi xa được. Nếu chúng ta xa rời tôn chỉ đó, chúng ta sẽ trở thành người rất tồi tệ.”
Ông cho rằng người Việt ở hải ngoại cần bao dung hơn với người đấu tranh trong nước, và yểm trợ những ai lên tiếng.
“Chúng ta không bi quan. Chúng ta hãy luôn luôn tin rằng chính nghĩa sẽ thắng gian tà, và một ngày nào đó nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải từ bỏ chế độ độc tài và chuyển sang hình thức dân chủ thực sự.”