Hải Di Nguyễn
Vừa qua, sẵn đang ở Washington, DC sau Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRF Summit), tôi đến xem Bảo tàng Nạn nhân Cộng sản (Victims of Communism Museum). Đặc biệt, họ đang có một triển lãm kéo dài 5 tháng mang tên “Vietnam: The Truth”, nhân dịp tưởng niệm 50 năm Sài Gòn sụp đổ.
Xem phần triển lãm thường trực, tôi chỉ nghĩ bảo tàng gần như không nói tới Việt Nam. Trong khi Bảo tàng Cộng sản ở Praha chỉ nói về lịch sử Czechoslovakia, Bảo tàng Nạn nhân Cộng sản ở DC nói về nạn nhân các chế độ cộng sản nói chung. Nhưng cuối cùng chủ yếu chỉ nói về Nga. Về Cách mạng Nga. Về Lenin. Về Stalin. Về gulag và tội ác của Liên Xô. Rồi Đông Âu. Nhắc một chút tới Trung Quốc. Nhắc một chút tới Bắc Hàn. Nhắc một chút tới Campuchia. Nhưng chỉ có một câu về Việt Nam, và nếu tôi không nhầm, hình ảnh các nạn nhân bị các chế độ cộng sản bắt giữ, cầm tù… cũng chẳng có người Việt.
Trước đây ở Na Uy và bây giờ ở Anh, tôi cũng thấy người ta thường không biết gì về Việt Nam. Biết về Trung Quốc và Bắc Hàn. Có thể biết về Miến Điện. Nhưng thường không biết gì về Việt Nam.
Các sự kiện quốc tế như Hội nghị Thượng đỉnh
Những sự kiện quốc tế như Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế là dịp để lên tiếng và vạch trần tình trạng đàn áp nhân quyền ở Việt Nam. Đó là lý do BPSOS lồng vấn đề Việt Nam vào chương trình Giới trẻ lãnh đạo (Young Champions) do mình quán xuyến. Đó là lý do BPSOS vừa qua đã tổ chức tham luận đoàn bằng tiếng Anh “Religious Persecution Under Communism” (Đàn áp tôn giáo dưới chế độ cộng sản). Thứ nhất, để cho thấy đàn áp tôn giáo không chỉ xảy ra ở các nước Trung Đông, Nam Á, châu Phi…, những nước có một tôn giáo chính và đàn áp các cộng đồng thiểu số, mà cũng có ở những nước cộng sản, chống mọi tôn giáo và dùng phương thức khác. Thứ hai, để cho thấy Việt Nam cũng khống chế, cũng đổi màu và tìm cách tiêu diệt tôn giáo cùng cách của nhà nước Trung Quốc.
Ngoài ra, hội nghị lần này cũng có phần phát biểu trên khán đài lớn của cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển, và tham luận đoàn “Vanishing Freedoms in Vietnam” (Tự do mất đi ở Việt Nam), với diễn văn của Dân biểu gốc Việt Derek Trần.
Người thường có thể không biết nhiều về Việt Nam, nhưng nhờ báo cáo từ các tổ chức XHDS và phát biểu của các nhân chứng tại các sự kiện như Hội nghị Thượng đỉnh, LHQ và các cơ quan nhân quyền và các tổ chức quốc tế và các diễn đàn về tự do tôn giáo đã dần dần hiểu về tình trạng đàn áp nhân quyền, đặc biệt cách thức đàn áp tôn giáo đầy tinh vi và hiểm độc của chính quyền Việt Nam.
Nhà nước Việt Nam càng chứng minh mình hà khắc và độc tài
Bà Nguyễn Xuân Mai và ông Nguyễn Ngọc Diến với quyết định cấm xuất cảnh (hình từ CSW).
Đại đức Thích Nhật Phước phát biểu online trong hội luận của BPSOS về đàn áp Phật giáo (chụp màn hình từ livestream).
Tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này, chính nhà nước vạch trần bản thân, chính nhà nước chứng minh Việt Nam là chế độ độc tài. Người ngoài có thể cáo buộc. Nhân chứng có thể tố cáo. Nhưng không điều gì cho thấy rõ chế độ độc tài của Việt Nam hơn lệnh cấm xuất cảnh với ba người trên đường tham dự hội nghị: Đại đức Thích Nhật Phước thuộc Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, và hai chánh trị sự Cao Đài Chơn truyền Nguyễn Xuân Mai và Nguyễn Ngọc Diến.
Ban tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh đã thấy, quốc tế đã thấy, các tổ chức về tự do tôn giáo và nhân quyền đã thấy bộ mặt thật của Việt Nam.
Ông Mervyn Thomas, Chủ tịch tổ chức CSW của Anh Quốc nói “Sự vắng mặt của những người lẽ ra tham dự này chỉ làm tăng thêm sự chú ý vào những vụ vi phạm đang diễn ra đối với các nhóm tôn giáo. Chính phủ Việt Nam phải chịu trách nhiệm và tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ.”
Cựu Nghị sĩ, Cựu Đại sứ Lưu động Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế Sam Brownback cũng nói “Điều này sẽ không qua mắt chính phủ Hoa Kỳ”, và lần nữa nhắc tới việc Việt Nam lẽ ra nên bị xếp vào danh sách CPC (Quốc gia cần quan tâm đặc biệt về vấn đề tự do tôn giáo).
Sau hội nghị, hàng loạt báo chí của Đảng và Nhà nước càng dồn dập đả kích hội nghị, bôi xấu BPSOS, tấn công các nhà vận động tự do tôn giáo, và càng tuyên truyền dối lừa dân chúng. Thế nhưng chính bài viết đăng trên Công an Nhân dân và nhiều báo Đảng khác đã khẳng định chính những điều chúng tôi đã nói lâu nay về các tổ chức tôn giáo bị nhà nước điều khiển:
“… các tổ chức tôn giáo đã vận động chức sắc, chức việc, đồng bào theo đạo chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, các tổ chức tôn giáo là một kênh truyền thông quan trọng góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống và đến với đồng bào có đạo nhanh và hiệu quả.”
Và hiện nay, khi Bộ Công an gắn cái mác “khủng bố” với BPSOS, một tổ chức đã nhiều năm nay vận động chính phủ Hoa Kỳ và hoạt động với các cơ quan như Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) và làm việc chặt chẽ với LHQ và các cơ chế nhân quyền, điều đó càng cho thấy sự giận dữ đến mất khôn và sự bất lực của nhà cầm quyền.
Họ cáo buộc rằng BPSOS có mưu đồ “phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ các tôn giáo, tách tôn giáo ra khỏi sự quản lý của Nhà nước, quốc tế hóa vấn đề tôn giáo”. Thế nhưng chính nhà nước Việt Nam ký các công ước LHQ về nhân quyền, trong đó có tự do tôn giáo–thế thì đó không phải là vấn đề quốc tế ư? Và nếu nhà nước quản lý tôn giáo, thế đâu phải là tự do tôn giáo, theo định nghĩa quốc tế?
Chính họ cho thế giới thấy Việt Nam là chế độ độc tài, chà đạp tự do tôn giáo, hứa một đằng làm một nẻo. Không đáng tin.