LHQ lên tiếng dồn dập về các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam

  • BPSOS kiến nghị LHQ về cách theo dõi và báo cáo tình trạng đàn áp tôn giáo

Mạch Sống, ngày 7 tháng 10, 2021

http://machsongmedia.org

Ngay sau khi Chủ Tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, vào ngày 22 tháng 9, tuyên bố trước Đại Hội Đồng LHQ là Việt Nam sẽ ứng cử vào Hội Đồng Nhân Quyền nhiệm kỳ 2023-2025, một số định chế của chính Hội Đồng này đã lên tiếng về các vi phạm bởi chính quyền Việt Nam trong nhiều lĩnh vực nhân quyền.

Ngày 29 tháng 9, Tổng Thư Ký LHQ António Guterres công bố bản phúc trình hàng năm về tình trạng hăm doạ và trả thù đối với những người báo cáo vi phạm nhân quyền cho LHQ. Việt Nam, với 11 trường hợp được báo cáo, tiếp tục ở trong số các quốc gia bị báo cáo nhiều nhất về hành vi hăm doạ và trả thù.

“Kể từ năm 2019, BPSOS đã báo cáo cho văn phòng Tổng Thư Ký LHQ trên dưới 60 hồ sơ,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, cho biết. “Việt Nam đã đứng trong nhóm quốc gia hàng đầu thế giới về số hành vi hăm doạ và trả thù bị báo cáo.”

ISHR Annex 1

Hình 1. Báo cáo của ISHR, trang 30

Theo cuộc nghiên cứu của tổ chức International Services for Human Rights (Dịch Vụ Quốc Tế cho Nhân Quyền), tổng kết 10 năm phúc trình về hăm doạ và trả thù, Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về số hồ sơ được báo cáo và đứng thừ 2 về số nạn nhân được nêu tên, trên cả Trung Quốc.

Trong bản phúc trình năm 2021, Việt Nam có tên trong số 5 quốc gia sử dụng một cách phổ biến biện pháp bắt giam để trả thù, một tình trạng được LHQ xem là mang tính “dạng mẫu”. Các quốc gia kia gồm có: Trung Quốc, Ai Cập, Iran và Ả Rập Xê Út.

Ngày 5 tháng 10, Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về tình trạng các người bảo vệ nhân quyền công bố bản phúc trình hoàn tất ngày 19 tháng 7 về các tù nhân lương tâm với hạn tù lâu năm. Lâu năm được định nghĩa là từ 10 năm trở lên bao gồm cả thời gian quản chế và tính tổng cộng các lần đi tù.

Theo Ts. Thắng cho biết, Báo Cáo Viên Đặc Biệt ghi nhận 38 trường hợp tù nhân lương tâm lâu năm ở Việt Nam. Ông Trần Huỳnh Duy Thức được chọn để nêu tên trong bản phúc trình như một trường hợp điển hình.

“Tháng tới đây, vị Báo Cáo Viên Đặc Biệt này sẽ gửi công văn cho chính phủ Việt Nam về tất cả 38 trường hợp” Ts. Thắng giải thích. “Chúng tôi đã dành tháng 3 và 4 vừa qua để liên lạc với thân nhân của các tù nhân lương tâm lâu năm để lấy chữ ký chấp thuận cho LHQ lên tiếng.”

Ngày 23 tháng 9, đáp ứng lời kêu gọi góp ý của Cao Uỷ Nhân Quyền LHQ, tổ chức BPSOS đóng góp ý kiến cho bản phúc trình đang được soạn thảo về tình trạng bất bao dung trên căn bản tôn giáo hay niềm tin. BPSOS đề xuất 8 kiến nghị xoay quanh 3 trọng tâm đối với Việt Nam: (1) theo dõi sát các khuynh hướng đàn đáp mới xuất hiện, (2) nhận diện các tác nhân đặc thù, và (3) theo dõi tình trạng của các nhóm nạn nhân cần đặc biệt quan tâm.

“Chúng tôi nhắc nhở LHQ là họ có đủ dữ liệu để theo dõi sâu và sát hơn với tình hình ở Việt Nam thay vì phúc trình tổng quát,” Ts. Thắng giải thích. “Có vậy, quốc tế sẽ có cơ sở để chú ý đặc biệt đến các đơn vị chính quyền vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng và can thiệp hiệu quả cho các thành phần nạn nhân của họ.”

Trong 7 năm qua, riêng BPSOS đã nộp 225 bản báo cáo liên quan đến tổng cộng khoảng 300 vụ vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Thông tin liên quan:

Bản phúc trình về hăm doạ và trả thù: https://dvov.org/wp-content/uploads/2021/10/BPSOS-Combating-Intolerance-Based-on-Religion-or-Belief-09-23-2021.pdf

Bản phúc trình về tù nhân lương tâm lâu năm: https://undocs.org/A/76/143

Bản báo cáo của BPSOS về đàn áp tôn giáo: https://dvov.org/wp-content/uploads/2021/10/BPSOS-Combating-Intolerance-Based-on-Religion-or-Belief-09-23-2021.pdf

Phân tích của tổ chức ISHR về hăm doạ và trả thù: https://ishr.ch/wp-content/uploads/2021/05/ISHR_Reprisals-Report_Web_20210503.pdf